1. Thửa đất là gì?
Định nghĩa thửa đất là gì được giải thích cụ thể tại khoản 42 Điều 3 Luật Đất đai 2024. Cụ thể:
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa.
Trong khi trước đó, khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa thửa đất là gì như sau:
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ
Như vậy, về cơ bản, cả Luật cũ và Luật mới, định nghĩa về thửa đất đều không có nhiều thay đổi. Đây vẫn là phần diện tích đất được xác định bằng một trong hai phương pháp là: Xác định trên thực địa hoặc mô tả trong hồ sơ địa chính.
2. Nội dung thửa đất được ghi như thế nào?
Nội dung về thông tin thửa đất trên Giấy chứng nhận được nêu tại mục 2 của Sổ đỏ và gồm các nội dung ghi tại Điều 33 Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT như sau:
– Ghi “thửa đất số…; tờ bản đồ số…” Trong đó:
- Số tờ bản đồ là số thứ tự của tờ bản đồ địa chính/số hiệu mảnh trích đo bản đồ địa chính
- Số thửa đất là số thứ tự của thửa đất trên mỗ tờ bản đồ địa chính/số hiệu của thửa đất theo mảnh trích đô địa chính
– Thông tin diện tích thửa đất:
- Được xác định theo đơn vị m2, làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Nếu có nhà chung cư thì là diện tích đất để xây chung cư.
- Nếu thuộc nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi thêm thông tin từng diện tích đất tương ứng với từng đơn vị hành chính (…m2 thuộc…)
– Thông tin về loại đất: Gồm tên gọi trên sổ địa chính và mã của loại đất đó trên bản đồ địa chính, sổ mục kê.
Trong đó, loại đất thể hiện trên sổ địa chính theo mục đích sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất… và thuộc nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
Nếu đất theo hiện trạng sử dụng khác với theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận… thì thể hiện cả loại đất theo hiện trạng sử dụng và theo Nhà nước giao, cho thuê, công nhận…
– Thông tin về thời hạn sử dụng đất: Sử dụng đất lâu dài thì ghi “lâu dài”; sử dụng đất có thời hạn thì ghi ngày tháng năm hết hạn trừ trường hợp công nhận quyền sử dụng đất thì ghi “… năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận”.
Nếu thửa đất có nhiều loại đất với thời hạn khác nhau thì ghi lần lượt từng loại với thời hạn sử dụng tương ứng. Ví dụ:
“Thời hạn sử dụng: Đất ở tại nông thôn: Lâu dài; Đất trồng cây lâu năm: 50 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận”;
– Thông tin về hình thức sử dụng đất: Gồm hai hình thức là sử dụng chung và sử dụng riêng. Trong đó:
- Sử dụng riêng áp dụng với thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người (một cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư, người gốc Việt định cư nước ngoài…)
- Sử dụng chung áp dụng cho thửa đất có từ hai người sử dụng đất trở lên như quyền sử dụng đất chung của vợ chồng, của các thành viên trong hộ gia đình…
- Ghi lần lượt sử dụng riêng và loại đất; sử dụng chung và loại đất nếu thửa đất có nhiều loại đất và có hình thức sử dụng cả chung và riêng với từng loại.
Ví dụ: “Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây lâu năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây hằng năm 200m2”;
– Thông tin về địa chỉ: Gồm các nội dung số nhà, tên đường/phố (nếu có); tên điểm dân cư (thôn, xóm, làng…)/khu vực, xứ đồng; tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.
Lưu ý: Các thông tin về thửa đất được thể hiện tại mã QR của Sổ đỏ.
3. Sơ đồ thửa đất trong Sổ đỏ được thể hiện thế nào?
Theo phụ lục ban hành kèm Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, sơ đồ thửa đất được sử dụng để cấp Sổ đỏ, gồm các nội dung:
- Hình thể thửa đất
- Chỉ dẫn hướng Bắc – Nam
- Chiều dài các cạnh thửa đất: Được thể hiện bằng đường nét liền khép kín, đơn vị mét, làm tròn đến hai chữ số thập phân
- Số thửa và số thửa liền kề
- Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất cấp huyện/quy hoạch chung/quy hoạch phân khu… được thể hiện bằng đường nét chấm liên tục, mũi tên chỉ hướng phạn vi quy hoạch
- Chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình có liên quan đến thửa đất được thể hiện bằng đường nét ba chấm xen kẽ nét đứt và mũi tên chỉ hướng phạn vi hành lang an toàn
- Bảng liệt kê tọa độ gồm: Số hiệu đỉnh thửa, tọa độ đỉnh thửa (X,Y), kích thước giữa các đỉnh thửa liền kề.
Cụ thể các hình sơ đồ thửa đất như sau: