Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) là cuộc cách mạng thể hiện sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học… Thực tế đó đòi hỏi phải có nhận thức mới về chính sách hình sự, từ đó định hình những nội dung cần triển khai nghiên cứuvà đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt và viết tắt: CMCN 4.0) là cuộc cách mạng thể hiện sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra thời đại công nghệ thông tin kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật đều kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh những thuận lợi, giá trị to lớn mà cuộc cách mạng này đem lại thì cũng kéo theo những thách thức, mối đe dọa mới đòi hỏi toàn bộ hệ thống phải thay đổi từ kinh tế, văn hóa, xã hội… và không thể thiếu sự đổi mới chính sách hình sự, cũng như của hệ thống pháp luậthình sự để phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới. Trên cơ sở này, đòi hỏi phải có nhận thức mới về chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức CMCN 4.0, từ đó định hình những nội dung cần triển khai nghiên cứu trong chính sách hình sự và đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự.
1. Khái niệm, đặc điểm của chính sách hình sự Việt Nam trước thách thức CMCN 4.0
1.1. Khái niệm
Xuất phát từ các yêu cầu của thực tiễn phát triển mạnh mẽ, nhanh và rộng khắp của khoa học và công nghệ, thực tiễn đấu tranh xử lý tội phạm và thực tiễn điều chỉnh của pháp luật hình sự, cũng như yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII năm 2016 đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Cụ thể, Nghị quyết đã nêu: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật…” . Cùng với đó, ngày 01/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 623/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến 2030”, trong đó đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung nghiên cứu dự báo, luật hóa kịp thời các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện. Xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành sau khi các luật, bộ luật có hiệu lực…” với Đề án 12: “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Đặc biệt, ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó đặt ra những yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 này; v.v… Vì vậy, yêu cầu nhận thức thống nhất, cập nhật mới chính sách hình sự, từ đó hoạch định, xây dựng hệ thống chiến lược của Nhà nước nhằm đề ra cách thức (phương thức) phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao, xây dựng nguyên tắc hành động và hoàn thiện thể chế, pháp luật tương ứng trong lĩnh vực này cho quốc gia có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trước thách thức của CMCN 4.0, cũng như hàng loạt những mối đe dọa mới như: vấn đề “biên giớimềm, không gian ảo”, “quyền lực mềm”, “an ninh không gian mạng”, “an ninh phi truyền thống”, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đến vấn đề “trí tuệ siêu thông minh”, “rô-bốt phạm tội”…, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền, an ninh cho người dân và đất nước.
Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thể hiện sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra thời đại công nghệ thông tin kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật đều kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet diễn ra trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy xã hội loài người tiến vào kỷ nguyên mới, với những thành tựu đỉnh cao, đem lại hiệu quả cao phục vụ con người. Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 cũng đang đặt ra những thách thức to lớn. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này bao gồm: (1) Cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data); (2) Thành phố thông minh (Smart Cities); (3) Tiền ảo (Blockchain/Bitcoin); (4) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); (5) Năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch (Renewable Energy/Clean-tech); (6) Công nghệ tài chính (FinTech); (7) Thương mại điện tử (E-Commerce); (8) Người máy (Robotics); (9) Công nghệ in 3D (3D Printing); (10) Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); (11) Các nền kinh tế chia sẻ (Shared Economies); (12) Internet kết nối vạn vật (IoT); (13) Công nghệ Nano/Vật liệu 2D (Nanotechnology/2D Materials); (14) Công nghệ sinh học/Biến đổi gene và cách mạng nông nghiệp (Biotechnology/Genetics & Agricultural Innovation) và; (15) Khử muối lọc nước ngọt. Vì vậy, đứng trước nhiều thách thức và bối cảnh cách mạng này, đòi hỏi trong chính sách, pháp luật hình sự của Nhà nước phải có những thay đổi, ứng phó xử lý trước tình hình, xu thế diễn biến của tội phạm và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cũng như thực tiễn điều chỉnh của pháp luật hình sự về vấn đề này, bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước đi kèm với bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Trước hết, trên phương diện lý luận, chính sách hình sự đã có nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Cụ thể, gắn với cách tiếp cận truyền thống, các học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ thực tiễn cơ bản đều thống nhất về nội dung, các bộ phận cấu thành và chủ thể ban hành chính sách hình sự mặc dù có nhiều cách tiếp cận với mức độ rộng, hẹp khác nhau . Tuy nhiên, đều coi chủ thể ban hành chính sách hình sự với tư cách là một trong chính sách xã hội do Nhà nước ban hành (một số quan niệm có cả của chủ thể là cơ quan Đảng ban hành), tập trung coi hiện tượng “tội phạm” là đối tượng đấu tranh phòng và chống của chính sách hình sự, đồng thời với việc kiểm soát tội phạm tốt thì Nhà nước cần tập trung vào hoàn thiện các chính sách xã hội khác. Nội dung trong chính sách hình sự tập trung nhất vào vấn đề chính sách về tội phạm (cụ thể là về quá trình lập pháp chính – tội phạm hóa và phi tội phạm hóa, hình sự hóa và phi hình sự hóa, cùng với một số vấn đề khác), cũng như việc tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, tiếp cận theo cách truyền thống này, để hoạch định được một chính sách hình sự khả thi, đúng đắn, đòi hỏi chính sách hình sự phải dựa trên các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, cũng như các chính sách xã hội khác (kinh tế, văn hóa, xã hội…), các điều kiện lịch sử – truyền thống, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm để thông qua đó, Nhà nước có thể hoạch định được các đường lối, chủ trương lớn và sử dụng đúng và đủ pháp luật hình sự (đủ liều lượng và đúng pháp luật) vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, các lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thông qua chính sách hình sự bảo đảm xây dựng nền tảng chính trị – pháp lý vững chắc và ổn định, cùng với đó là việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự nói chung, hệ thống tư pháp hình sự trong tương lai tương thích để điều chỉnh được những thay đổi của các quan hệ xã hội, cũng như sự tăng, giảm của tình hình tội phạm và mức độ trấp áp, răn đe hay giáo dục, phòng ngừa, hướng thiện trong Bộ luật hình sự. Đặc biệt, ở mức độ rộng hơn, chính sách hình sự còn góp phần tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm, nghiên cứu các biện pháp đối phó với tội phạm, dự báo tội phạm và những thay đổi của tội phạm, cũng như tìm ra điểm hạn chế trong hệ thống tư pháp hình sự hiện hành để tiếp tục hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đồng thời trong tương lai có thể có những cuộc cách mạng tiếp theo. Hiện nay, mặc dù nhân loại mới bước vào giai đoạn bắt đầu của cách mạng này nhưng kỷ nguyên công nghiệp 4.0 đã đưa đến những khả năng hoàn toàn đột phá và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của thế giới. Hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng và định hướng dẫn đường của chính sách hình sự cũng không thể nằm ngoài những tác động to lớn của cuộc CMCN 4.0 này. Những tác động đa chiều đó đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích to lớn (ví dụ: công nghệ cấy ghép, siêu máy tính bỏ túi, dịch vụ lưu trữ, Internet kết nối vận vật, thành phố thông minh, ôtô không người lái, trí tuệ nhân tạo…) , nhưng cũng có các mối đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền con người, quyền công dân… đòi hỏi phải được định danh, nhận diện sớm và rõ để Nhà nước có chính sách hình sự phù hợp và tổ chức lại hệ thống pháp luật hình sự bảo đảm ứng phó, thích nghi một cách phù hợp, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Do đó, trước thách thức CMCN 4.0, ngoài những yếu tố trên, chính sách hình sự đòi hỏi cần dựa trên nền tảng (thành tựu/ứng dụng) của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Vì vậy, dưới góc độ khoa học, khái niệm đang nghiên cứu được định nghĩa như sau: Chính sách hình sự Việt Nam trước thách thức CMCN 4.0 là các chủ trương, đường lối, sách lược lớn của Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm, định hình những vấn đề pháp lý hình sự và cụ thể hóa các quan điểm, thái độ xử lý đối với những vấn đề đó trên nền tảng các chính sách xã hội kết hợp với thành tựu cách mạng khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự quốc gia, đáp ứng yêu cầu xã hội trong xu thế toàn cầu hóa và phòng, chống tội phạm.
1.2. Đặc điểm
Như vậy, gắn với thách thức của CMCN 4.0, chính sách hình sự trong giai đoạn này phản ánh các đặc điểm cơ bản sau:
a. Chính sách hình sự là các chủ trương, đường lối, sách lược lớn do Nhà nước ban hành. Các chủ trương lớn này liên quan đến vấn đề hình sự mà thực tiễn đặt ra hoặc cần dự báo để ứng phó với những vấn đề hình sự của thực tiễn.
b. Nội dung của chính sách hình sự là việc Nhà nước sử dụng pháp luật hình sự vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, định hình những vấn đề pháp lý hình sự và cụ thể hóa các quan điểm, thái độ xử lý đối với những vấn đề đó.
c. Chính sách hình sự được xây dựng dựa trên nền tảng là các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, các chính sách xã hội khác (kinh tế, văn hóa, xã hội…), các điều kiện lịch sử – truyền thống, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như kết hợp bổ sung là nền tảng của cách mạng khoa học và công nghệ.
d. Chính sách hình sự góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển tương ứng của xã hội trong giai đoạn toàn cầu hóa, cũng như bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân. Toàn cầu hóa mang tính tổng thể và đa diện hơn, nhấn mạnh sự rút ngắn về thời gian và không gian, khiến cho không một quốc gia nào có thể biệt lập với phần còn lại của thế giới, mà các quốc gia tương thuộc và tác động qua lại lẫn nhau . Toàn cầu hóa với sự gia tăng sự trao đổi ở mọi cấp độ cũng như sự bùng nổ các dòng dịch chuyển không ngừng của hoạt động tài chính, thương mại và công nghiệp, đã tạo nên hiệu ứng “dồn nén thời gian và không gian” , dẫn tới “sự thủ tiêu không gian và thời gian”, khiến cho biên giới quốc gia – một trong những biểu tượng của quyền lực nhà nước và chủ quyền quốc gia dần trở “trống rỗng” , thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước. Sự suy yếu của biên giới quốc gia còn đến từ sự tác động của các tiến bộ khoa học – công nghệ mang đến cho cá nhân và các chủ thể khác các phương tiện hữu hiệu hơn để “thoát khỏi” khỏi sự kiểm soát của biên giới quốc gia – sự kiểm soát truyền thống của Nhà nước , từ đó, dẫn đến phát sinh tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới.
đ. Cùng với đó, chính sách hình sự đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tư cách là nền tảng của khoa học và công nghệ vì cuộc CMCN 4.0 mang lại sự đột phá của công nghệ thông tin, công nghệ thông tin chiếm hữu mọi thứ, Internet kết nối mọi vấn đề trong xã hội thì cần một chính sách pháp lý đồng bộ, có hệ thống và phù hợp để quản lý quyền riêng tư của công dân, cũng như sự an toàn của an ninh mạng, an ninh đất nước. Vì vậy, toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến công nghệ thông tin như: Luật Công nghệ cao năm 2008, sửa đổi năm 2013, 2014; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An ninh thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018… và hệ thống văn bản tạo hàng lang pháp lý điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể như: trí tuệ thông minh, tiền ảo, công nghệ in 3D… đòi hỏi cũng phải được hoàn thiện, vì đây là những lĩnh vực mà nguy cơ bị tấn công và đe dọa ngày càng nhiều, các đối tượng cũng lợi dụng để tiến hành thực hiện các hành vi phạm tội.
2. Những tác động tích cực, các thách thức CMCN 4.0 đặt ra đối với chính sách hình sự và việc xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam
2.1. Những tác động tích cực
Như vậy, đánh giá đúng tầm vóc, vai trò và nhận thức đúng về thành tựu, ứng dụng tích cực, hiệu quả cao mà CMCN 4.0 giúp cho xã hội, gắn riêng với chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy những tác động tích cực mà cuộc cách mạng này đem lại như sau:
a. Phục vụ cho việc phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo pháp luật của đất nước. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, CMCN 4.0 đặt ra hàng loạt vấn đề pháp lý cho việc nghiên cứu, đào tạo về pháp luật trong các cơ sở đào tạo của đất nước.
b. Phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu chính sách hình sự, xây dựng và áp dụng (thi hành) pháp luật hình sự. Trước hết, các ứng dụng công nghệ thông tin đã cung cấp phương tiện làm việc hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách hình sự, xây dựng cũng như áp dụng (thi hành) pháp luật hình sự. Theo đó, nhờ có sự hỗ trợ hiệu quả của các phương tiện công nghệ, những hoạt động khảo sát, đánh giá đối tượng nghiên cứu, thể hiện, trình bày, lưu trữ kết quả nghiên cứu giúp cho việc nghiên cứu trong khoa học luật hình sự được tiến hành thuận lợi, hiệu quả, từ đó đưa ra chiến lược, kế hoạch toàn diện và chính xác trong chính sách hình sự.
Ví dụ: Công nghệ dự báo tội phạm – chương trình này được gọi là PredPol, nó tính toán các dự báo dựa trên thời gian và địa điểm các vụ phạm tội đã từng xảy ra trước đó, kết hợp cùng với những thông tin xã hội học về hành vi và hình mẫu của các vụ phạm pháp. Công nghệ này được thử nghiệm ở khu vực Santa Cruz, thuộc cảnh sát bang California (Mỹ) suốt 1 năm qua và trong 6 tháng gần đây bởi cảnh sát Los Angeles đã cho thấy một kết quả đầy hứa hẹn. Công nghệ dự báo này cũng được các tập đoàn như Wal-Mart và Amazon dùng để xác định xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Chìa khóa thành công của công nghệ dự báo tội phạm là thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt để xác định đặc điểm tội phạm.
Ngoài ra, phương tiện công nghệ cao cũng là một điều kiện thiết yếu phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm, đấu tranh xử lý nhanh và triệt để, cũng như việc thi hành pháp luật hình sự (các phương tiện theo dõi, giám sát, định vị, lưu trữ, nhận dạng tra cứu, quản lý…), đặc biệt là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lưu trữ, nhận dạng người phạm tội . Thậm chí, theo South China Morning Post, tù nhân ở Trung Quốc sẽ không còn cơ hội trốn thoát. Mỗi camera được trang bị một hệ thống theo dõi thông minh có thể nhận ra những hoạt động đáng ngờ. Hiện tại, hệ thống này đang được thử nghiệm trong nhà tù VIP, nơi giam giữ những tù nhân đặc biệt. Nhà tù Diêm Thành (Yancheng) ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc được trang bị camera giám sát dựa trên trí tuệ nhân tạo. Các thiết bị được đặt trong mỗi phòng giam sẽ giám sát tù nhân và xác định các kiểu hành vi bất thường. Mạng nơ-ron được dạy để nhận ra hành động của tội phạm và dự đoán nguy cơ trốn thoát. Trong trường hợp có hoạt động đáng ngờ, thuật toán sẽ bật còi báo động, sẽ thông báo cho lính canh. Ngoài ra, người ta cho rằng công nghệ thông minh sẽ loại bỏ khả năng hối lộ. Ngay cả khi tù nhân mua chuộc người giám sát, anh ta vẫn sẽ không thể có tác động gì đến hoạt động của thuật toán . Hay ở Braxin, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phòng ngừa, xử lý tham nhũng. Theo đó, dự án để kiểm soát các chi phí của các chính trị gia đất nước này bằng cách tạo ra rô-bốt phân tích trực tuyến các đại biểu đất nước chi tiêu theo hạn ngạch từng việc để rô-bốt phát hiện ra các bất thường về chi phí đi lại, ăn uống, vé máy bay, chỗ ở…
c. Nhanh chóng kết nối bao trùm thông tin, dữ liệu để phục vụ công tác điều tra, xử lý và kết nối thông tin, dữ liệu phòng, chống tội phạm. Khả năng kết nối bao trùm của Internet toàn cầu giúp các nhà lập pháp tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện, khai thác có hiệu quả một khối lượng khổng lồ dữ liệu số liên quan đến những xu hướng, kinh nghiệm lập pháp hình sự tiến bộ, hữu ích từ khắp nơi trên thế giới, cũng như nhanh chóng nhận được phản hồi đa chiều từ nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội đối với chính sách, pháp luật hình sự đã hoặc dự kiến sẽ được Nhà nước ban hành.
Ví dụ: Hệ thống nhận biết tên miền – Domain Awareness System (DAS) do Microsoft phát triển có thể cung cấp ngay lập tức một số lượng lớn thông tin cho nhân viên an ninh về những đối tượng mà họ đang theo dõi, vượt trội hẳn so với các mạng lưới camera giám sát đơn giản. Không chỉ cung cấp dữ liệu video trực tiếp mà hệ thống cũng sẽ ngay lập tức hiển thị hồ sơ tiền án của các đối tượng liên quan trong khu vực và các dữ liệu khác hình thành nên một bức chân dung của cá nhân đang bị giám sát. Thậm chí ô tô liên quan đến một nghi phạm cũng sẽ được hiển thị thông tin đã ở đâu vài tháng trước đó. Với cách thức như vậy, hệ thống sẽ giúp các nhân viên điều tra có thể “tua” lại đoạn phim truy tìm những người còn lại trong bất kì vụ việc đáng nghi nào. Có thể nói, hệ thống trên là một công cụ sáng tạo, hứa hẹn một cuộc cách mạng hóa trong việc thực thi pháp luật, hoạt động tình báo và an toàn công cộng…
d. Việc ban hành các kế hoạch, sách lược, chương trình để đề ra cách thức phòng ngừa, chống tội phạm kịp thời và ban hành quyết định, thực hiện các hoạt động phòng ngừa, điều tra tội phạm đến các hoạt động phòng ngừa các hậu quả (thiệt hại) cho xã hội như: cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy… được nhanh chóng, hiệu quả hơn khi có thành tựu, ứng dụng của khoa học và công nghệ. Tại Hàn Quốc, nước này đã thiết lập hệ thống phát hiện và xử lý các đe dọa tấn công mạng dựa trên trí thông minh nhân tạo, ví dụ: Trung tâm dữ liệu lớn về an ninh mạng đang vận hành và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo vệ an ninh mạng. Thiết lập các quy tắc đạo đức cho người phát triển và sử dụng công nghệ thông minh để tránh tình trạng lạm dụng năm 2018 . Ngoài ra, khả năng kết nối này còn là cầu nối quan trọng của công tác hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các vùng miền, địa phương, quốc gia, khu vực trên thế giới… từ đó, xây dựng chương trình quốc tế về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
đ. Tăng cường hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tiếp cận văn bản pháp luật hình sự. Việc số hóa tri thức, thông tin, tài liệu, văn bản pháp luật và truyền tải rộng rãi qua kết nối Internet giúp cho chính sách, pháp luật của nhà nước nói chung, quy định pháp luật hình sự nói riêng được tuyên truyền, phổ biến và việc tiếp cận văn bản pháp luật hình sự rộng rãi tới mọi tầng lớp dân cư, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tư vấn pháp luật giúp nhân dân… , cũng như định hướng dư luận xã hội tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
e. Tiết kiệm chi phí trong hoạt động xử lý tội phạm. Theo đó, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống tội phạm, việc xử lý sẽ tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, xã hội, qua đó, thực hiện các nhiệm vụ khác của đất nước.
2.2. Các thách thức đặt ra
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã nêu, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự, trong đó có việc hoạch định chính sách hình sự như sau:
a. Làm lạc hậu về nhận thức và trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo về nhiều vấn đề của pháp luật hình sự. Những biến đổi do cách mạng khoa học và công nghệ đem lại làm lạc hậu những nhận thức truyền thống về tội phạm khi có sự thay đổi về khách thể của tội phạm, hậu quả của tội phạm, địa điểm (nơi) xảy ra tội phạm, chủ thể của tội phạm… trong toàn bộ hệ thống lý luận, sách báo pháp lý, giáo trình trong lĩnh vực tư pháp hình sự… đòi hỏi phải có sự đầu tư, phân tích, nghiên cứu và triển khai mới.
Ví dụ: đối tượng tác động của tội phạm trong môi trường được tạo ra bởi công nghệ có thể là một giá trị, tài sản ảo. Hậu quả của tội phạm theo nhận thức truyền thống là thiệt hại cho xã hội nhưng trong thời đại công nghệ, hậu quả của tội phạm có thể xảy ra trong môi trường ảo, không phải môi trường thực tế mà con người sinh sống. Nơi thực hiện tội phạm có thể rất xa với nơi xảy ra hậu quả, hậu quả của tội phạm thậm chí xảy ra ở nhiều nơi trên toàn thế giới, khả năng tìm kiếm, phát hiện, xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, kéo theo đối với số lượng rất lớn cá nhân, tổ chức phạm tội có thể dẫn đến xung đột về hiệu lực theo không gian của pháp luật hình sự, mâu thuẫn (tranh chấp) trong xác định thẩm quyền tài phán đối với các hành vi và chủ thể phạm tội…
b. Hoạt động sử dụng các thành tựu, tiến bộ của khoa học và công nghệ làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội truyền thống và thực hiện hành nguy hiểm cho xã hội mới. Các thành tựu của cách mạng công nghệ đương nhiên sẽ bị lợi dụng làm phương tiện phạm tội khiến không chỉ hành vi phạm tội đang được Bộ luật hình sự điều chỉnh (quy định) làm công tác phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn, trở ngại, mà còn phát sinh thêm nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội mới, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có khả năng gây hậu quả trên phạm vi lớn, khó phát hiện, đấu tranh hơn, nhất là trong một số lĩnh vực như: công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng… hoặc các hành vi phạm tội xuyên quốc gia như: buôn lậu ma túy, rửa tiền, khủng bố…
c. Nguy hiểm hơn, nhờ khả năng kết nối vạn vật (IoT) và hệ thống siêu dữ liệu (Big Data) có thể các chủ thể tiến hành phát tán các thông tin, tài liệu giá trị văn hóa phản nhân văn, độc hại, cực đoan, xúc phạm lãnh đạo, tuyên truyền chống Nhà nước, hoạt động khủng bố chống phá Nhà nước, phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa… trên lĩnh vực an ninh chính trị, an ninh tư tưởng. Nếu trước đây, các tội phạm truyền thống (hành vi phạm tội thực hiện thông thường, xảy ra trên lãnh thổ quốc gia, xâm phạm đến các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ, việc phát hiện, xử lý theo cách truyền thống là được…) thì nay, trước thách thức CMCN 4.0 vẫn xảy ra nhưng có biến đổi phức tạp do sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ làm cho việc phát hiện, xử lý gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Ví dụ: Cảnh sát Mỹ vừa bắt giữ một công dân 25 tuổi có tên Jorge Edwin Rivera, cách biên giới khoảng 1,83 km sau khi phát hiện ra thiết bị bay không người lái chở đồ vật khả nghi của người này. Theo đó, người đàn ông cho biết anh ta sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để vận chuyển lượng ma túy nặng 5,9 kg trên đường biên từ Mexico sang San Diego (Mỹ)…
Hoặc ở Việt Nam, thời gian vừa qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, thủ đoạn liên tục thay đổi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức như: lừa đảo qua Facebook, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước, lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử… Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác để chiếm đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc bằng các hình thức lô đề, cá độ bóng đá qua Internet…
Ngoài ra, thông qua kết nối không giới hạn bởi không gian địa lý, tội phạm có khả năng xâm hại số lượng nạn nhân khổng lồ ở nhiều nơi, hậu quả cho xã hội ở nhiều nơi, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền bí mật thông tin… Cùng với đó, các dấu vết của tội phạm không để lại trên môi trường vật chất… làm cho khó phát hiện, điều tra và xử lý.
c. Có thể làm phát sinh chủ thể của tội phạm mới trong tương lai. Bộ luật hình sự nhiều quốc gia, trong đó có Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 đã bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhânthương mại cùng với cá nhân phạm tội. Pháp nhân được coi là một thực thể trừu tượng được tạo ra bởi pháp luật. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh – rô-bốt… trong một tương lai không xa có thể có những biến đổi đột biến to lớn về lĩnh vực này do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, những cỗ máy mang trí tuệ nhân tạo đã và ngày càng có khả năng tư duy, trí tuệ, cảm xúc và hành động độc lập, toàn diện hơn con người, thậm chí đòi khả năng bình đẳng như con người . Khái quát hơn, AI có thể được mô tả ngắn gọn là khoa học làm cho máy móc trở nên thông minh, để có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người. Lái xe, giao dịch cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán và xác định mục tiêu quân sự trong chiến tranh là những ví dụ về các nhiệm vụ cần thiết trí tuệ con người . Ngày nay, có những AI có thể thực hiện các nhiệm vụ chính xác giống nhau mà không cần có con người tham gia . Song, đồng thời chúng cũng có thể có hành động lệch chuẩn , xâm phạm an ninh, trật tự xã hội và quyền con người mà pháp luật hình sự thiết lập, bảo vệ. Một thực thể trừu tượng được tạo ra bởi pháp luật như pháp nhân thì sự ghi nhận tương tự có lẽ cũng sớm được đặt ra đối với những cỗ máy mang trí tuệ nhân tạo – những thực thể được con người tạo ra nhưng càng ngày càng giống con người, thậm chí siêu việt hơn con người ở nhiều phương diện… còn gọi là “điện tử nhân” (hay rô-bốt) với nhiều khả năng như chiến tranh, giúp việc gia đình, y tế, pháp lý… nhưng cũng có khả năng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến tính mạng, sức khỏe con người… (sau khi là chủ thể của quan hệ pháp luật sẽ là chủ thể của tội phạm). Đặc biệt, các nhà nghiên cứu AI thế giới cho rằng, đến một lúc nào đó chúng sẽ phát triển vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người, đồng thời đưa ra các cảnh báo về cuộc thảm họa có thể xảy ra trong tương lai và có thể dẫn đến nguy hiểm cho cho người: (1) AI có khả năng giả dạng con người dẫn đến tiếp tay cho việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (2) AI có thể đọc được suy nghĩ của con người dẫn đến đe dọa đến sự an toàn cho con người; (3) AI có thể thành thạo trong mọi việc nhanh chóng hơn con người dẫn đến khả năng mất kiểm soát; (4) AI “mẹ” có thể tạo ra các AI “con” và các khả năng tương ứng như trên, có khả năng đe dọa đến sự an toàn của con người; (5) AI có khả năng gây ra chiến tranh thế giới lần thứ III.
3. Những định hướng lớn cần hoạch định triển khai nghiên cứu trong chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức CMCN 4.0
Như vậy, những lợi ích to lớn mà CMCN 4.0 đem lại đối với nhân loại nói chung đang đặt ra khó khăn đối với nghiên cứu về chính sách hình sự cũng như việc xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự nói riêng là vô cùng cấp bách. Cuộc CMCN 4.0 này cũng là xu thế tiến bộ vượt bậc và tất yếu mà Việt Nam không thể đứng ngoài quy luật thích ứng theo. Bởi vậy, trong quá trình tiến hành, khai thác thành tựu của cuộc cách mạng này, chỉ có thể nỗ lực ứng phó với những thách thức, mối đe dọa mà nó đặt ra, trong đó có trên phương diện chính sách hình sự. Cho nên, để đáp ứng yêu cầu đó, việc nghiên cứu, hoạch định chính sách hình sự và xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự cần có tính cập nhật, phù hợp với biến đổi nhanh chóng của thực tiễn tội phạm trong thời đại CMCN 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
3.1. Nhận thức thay đổi về tội phạm, trách nhiệm hình sự và chủ thể của tội phạm truyền thống
Trước thách thức CMCN 4.0 nổi lên đó là vấn đề định danh (gọi tên) và xác định trách nhiệm hình sự, chủ thể của tội phạm đối với một loại tội phạm có tên gọi mới – tội phạm phi truyền thống, xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hiểu một cách chung nhất, tội phạm phi truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguồn gốc phi quân sự gây ra cho sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế được thực hiện do cố ý từ bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào với đặc trưng mới về địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội và khách thể của tội phạm. Do đó, sự biến đổi thể hiện khác biệt thể hiện ở đặc điểm xuyên quốc gia thể hiện qua ba phương diện sau:
a. Tính chất xuyên quốc gia thể hiện ở không gian diễn ra tội phạm đối với toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm với các trường hợp sau đây: Tội phạm được thực hiện ở ít nhất từ hai quốc gia trở lên (ví dụ hành vi mua người hoặc dụ dỗ người ở Việt Nam đem bán ở Trung Quốc, Thái Lan); tội phạm được thực hiện ở một quốc gia nhưng việc chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều khiển nó lại diễn ra ở một quốc gia khác (Giả sử “ông trùm” của một tổ chức tội phạm ma túy ở Hoa Kỳ chỉ đạo, điều hành các thành viên dưới quyền mua bán ma túy ở Campuchia…);
b. Tính chất xuyên quốc gia thể hiện ở phạm vi ảnh hưởng của tội phạm. Đây chính là sự khác nhau về lãnh thổ quốc gia giữa nơi tội phạm được thực hiện với nơi tội phạm gây ảnh hưởng. Đối với tội phạm không có tính chất xuyên quốc gia thì quốc gia nơi thực hiện tội phạm cũng chính là quốc gia nơi tội phạm gây ảnh hưởng. Tội phạm xuyên quốc gia có thể được thực hiện ở một quốc gia nhưng có ảnh hưởng lớn ở một hoặc nhiều quốc gia khác, ví dụ tội phạm công nghệ cao, từ đây, vấn đề khách thể của tội phạm đòi hỏi phải hoàn thiện…
c. Tính chất đa quốc gia thể hiện ở chủ thể thực hiện tội phạm. Tương tự, đây là trường hợp việc thực hiện tội phạm liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức tham gia các hoạt động phạm tội ở nhiều quốc gia. Trường hợp chủ thể của tội phạm đơn thuần có quốc tịch khác với quốc gia nơi thực hiện tội phạm không thuộc loại tội phạm này mà là chỉ là tội phạm có yếu tố nước ngoài… Bên cạnh chủ thể thường có thêm một đặc điểm nữa là các đối tượng là những chuyên gia có trình độ cao, sử dụng các công cụ công nghệ với phương thức phạm tội tinh vi, phức tạp, am hiểu các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng…
3.2. Điều chỉnh chính sách hình sự xử lý đối với việc sử dụng những thành tựu phát triển của trí tuệ nhân đạo (AI), vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… để phạm tội và vấn đề chủ thể tội phạm mới.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) , vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… sẽ rất hữu ích cho đời sống xã hội và con người trong giai đoạn hiện nay. Xét riêng trong AI, trong tương lai, nếu được coi là chủ thể có tư cách pháp lý, thì không có lẽ gì sau đó với sự xuất hiện của rô-bốt thông minh nhân tạo siêu việt – siêu rô-bốt (cũng còn có thể gọi là “điện tử nhân”) cũng có thể sẽ được coi là chủ thể của tội phạm. Do đó, ở đây, một số thách thức đặt ra đòi hỏi chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam phải giải quyết như:
a. Định nghĩa lại khái niệm tội phạm trong khoa học và sự thể hiện trong Bộ luật hình sự như thế nào. Bởi lẽ, với sự phát triển cao của công nghệ vật lý, công nghệ thông tin… có hành vi của con người và hành vi của rô-bốt thông minh siêu việt có thể thực hiện hành vi nguy hiểm vượt ra khỏi không gian ảo, ngoài trái đất, ở trên vũ trụ hay hành tinh khác… Xét riêng trí tuệ nhân tạo (AI) một mặt được thực hiện thông qua máy móc (một chủ thể nhân tạo là rô-bốt) có thể gây ra những thiệt hại không thể tính toán về mặt vật chất được và xâm phạm đến những khách thể (quan hệ xã hội) mới mà trước đây chưa được quy định là khách thể được pháp luật hình sự xác lập và bảo vệ. Cũng như thách thức tội phạm phi truyền thống đã nêu trên, thì ở đây, các khái niệm xung quanh “tội phạm” phải cần được nhân thức lại khi hành vi do rô-bốt thực hiện như: hành vi nguy hiểm cho xã hội đáng kể, điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự, không gian, thời gian, địa điểm (nơi) thực hiện hành vi phạm tội… có thể trên không gian ảo, ngoài trái đất, ở trên vũ trụ hay hành tinh khác…
b. Quan niệm về cấu thành tội phạm trong khoa học và sự thể hiện các dấu hiệu trong Bộ luật hình sự như thế nào. Từ khái niệm tội phạm, xuất phát từ bản chất của AI – được phản ánh qua hình thức nhân tạo – máy móc vì vậy trong tương lai khi máy móc thay đổi, có thể tự hoàn thiện bản thân mình, tự kiểm soát sự thể hiện của mình thông qua các thuật toán… tới mức siêu việt, tổ hợp trí tuệ của hàng tỷ dữ liệu, thì quan niệm về cấu thành tội phạm với các yếu tố truyền thống trước đây (khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm) sẽ như thế nào. Đặc biệt, đó là vấn đề khách thể của tội phạm (như: không gian ảo, ngoài trái đất, ở trên vũ trụ hay hành tinh khác…); vấn đề lỗi trong việc xác định trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm hình sự như trường hợp ô-tô không người lái của Google, pháp luật chưa có phương án giải quyết nên vẫn yêu cầu có người ngồi trên xe như một giải pháp dự liệu cho mục đích xác định trách nhiệm… . Ở mức độ khoa học viễn tưởng hơn nữa, trường hợp “khả năng tự nhận thức” của AI nếu dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ hệ thống điều khiển xe dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, thì xác định lỗi, trách nhiệm pháp lý (hình sự) của người dùng, người giám sát, các nhà phát triển AI như thế nào…) trong quá trình xử lý…
c. Quan niệm về chế tài hình sự áp dụng đối với rô-bốt phạm tội thế nào. Rõ ràng, sự thay đổi trong quan niệm về chế tài hình sự là một điều tất yếu khi khái niệm tội phạm thay đổi để áp dụng đối với rô-bốt phạm tội. Trí tuệ nhân tạo là một thứ vô hình tồn tại trong một dạng thức hữu hình vậy đối tượng mà chế tài hình sự nhắm đến là trí tuệ nhân tạo hay là dạng thức vật chất đang chứa trong mình trí tuệ nhân tạo đó? Khi đó, hệ thống chế tài hình sự hiện hành đều trở nên lỗi thời và không thể áp dụng được với chủ thể mới này. Hệ quả tiếp theo là thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục thi hành án sẽ phải thay đổi như thế nào, hệ thống cơ sở vật chất ra sao…
d. Khi AI dự báo sai lầm nghiêm trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xét riêng trong pháp luật hình sự, việc có thể dự báo hành vi phạm tội và nhận dạng người phạm tội trong tương lai, nhưng mặt trái cũng song hành với nó, như việc thay đổi dự liệu, nhận diện sai – nhận dạng từ người cảnh sát, công dân bình thường thành người phạm tội, dẫn đến việc bắt, giữ xử lý nhầm, thậm chí có hoạt động ngăn chặn, xử lý chậm dẫn đến chết người…
đ. Khi AI phát triển siêu siêu việt dẫn đến việc phát triển các vũ khí giết người tự động, hiện đại, đe dọa an ninh và hòa bình khu vực, thế giới. Về khía cạnh tích cực, AI có thể được sử dụng với mục đích giúp chiến trường trở thành nơi an toàn hơn, giảm tối đa các thương vong cho binh sĩ. Tuy nhiên, cũng chính những mặt lợi này lại khiến nhiều chuyên gia, chính khách lo ngại hơn vì nó cũng sẽ giúp các nhà lãnh đạo quốc gia đi đến quyết định phát động chiến tranh nhanh hơn, quyết liệt hơn qua đó dễ gây ra hậu quả rất lớn đối với xã hội, đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người… do xuất hiện vũ khí giết người tự động, hiện đại và hàng loạt. Do đó, phát sinh trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia trong việc ngăn chặn, phòng ngừa vấn đề này ra sao và cụ thể hóa trong chính sách, pháp luật hình sự quốc gia thế nào…
Như vậy, sự xuất hiện của rô-bốt thông minh nhân tạo – siêu rô-bốt (có thể gọi là điện tử nhân) với nhiều khả năng siêu việc và tương lại trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật và chủ thể của tội phạm, nếu thực hiện hành vi nguy hiểm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, xâm phạm đến an ninh, trật tự xã hội, đòi hỏi trong chính sách hình sự dự kiến về thách thức, mối đe dọa để phòng ngừa rô-bốt gây nguy hiểm cho con người, nhưng cũng có cơ chế kiểm soát, khống chế rô-bốt và bảo đảm sự an toàn cho xã hội loài người.
3.3. Xu hướng tội phạm hóa, hình sự hóa trong chính sách hình sự để ứng phó trước thách thức CMCN 4.0
Hiện nay, nội dung chủ yếu của các công ước quốc tế về các loại tội phạm phi truyền thống là quy định về nghĩa vụ tội phạm hóa (Criminalization) của các nước thành viên. Các công ước chỉ ra những hành vi mà mỗi quốc gia thành viên cần xác lập trong pháp luật hình sự của mình là tội phạm. Việc xác lập những hành vi là tội phạm trên tiêu chí chung thống nhất như vậy giúp cho các quốc gia thành viên đạt được sự tương thích về pháp luật và có cơ sở cho việc hợp tác thực hiện các hoạt động phát hiện, trấn áp và phòng ngừa các tội phạm phi truyền thống mà cộng đồng thế giới cùng lên án. Trong bối cảnh này, vấn đề đã nêu thể hiện ở việc tiếp tục tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm phát sinh trong hoạt động công nghệ hoặc khai thác, sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng rô-bốt phạm tội…
Cùng với đó, là việc tiếp tục hình sự hóa qua việc ghi nhận các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong mặt khách quan của tội phạm truyền thống do sử dụng công nghệ hiện đại, hay tăng cường mức độ trấn áp về hình sự các trường hợp sử dụng công nghệ để phạm tội… Cụ thể, trước đây, hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện theo phương thức, thủ đoạn phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự quốc gia, thường được thực hiện trên lãnh thổ phạm vi của quốc gia thì nay, thách thức về phương pháp, cách thức, thủ đoạn thực hiện các tội phạm thường thể hiện dưới dạng tội phạm có tổ chức, phạm tội nhiều lần và có tính chuyên nghiệp cao… với mạng lưới tội phạm từ khu vực đến toàn cầu, diễn ra trên nhiều nước và địa điểm khác nhau.
Ngoài ra, tiếp tục là việc hình sự hóa qua hoạt động lập pháp hình sự – bổ sung một số các biện pháp thực hiện trách nhiệm hình sự mới, thích đáng với đặc thù loại tội phạm mới và phòng ngừa tái phạm, các biện pháp trừng phạt liên quan đến phương diện hoạt động công nghệ (ví dụ: tịch thu tài khoản, dữ liệu; cấm truy cập…) hoặc hình phạt đối với rô-bốt (trí tuệ nhân tạo siêu việt) sẽ thế nào… (như đã đề cập).
3.4. Phát sinh vấn đề xác định an ninh không gian mạng là khách thể của tội phạm trong pháp luật hình sự
Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa và trước thách thức CMCN 4.0, một quốc gia đơn lẻ chắc chắn không thể giải quyết được các vấn đề an ninh mạng, tội phạm mạng mà cần có sự hợp tác trên bình diện quốc tế, cũng như hệ thống pháp luật hình sự quốc gia cần có những quy định bảo đảm an toàn và bảo vệ kịp thời cho khách thể này, vì ngoài liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, nó còn liên quan đến các giá trị cơ bản của Internet, bao gồm cả tính riêng tư, tự do ngôn luận và tự do trao đổi thông tin… Luật An ninh mạng năm 2018 đã xác định: “Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng” (Điều 6) với hệ thống phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 16); phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng (Điều 17); phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 18); phòng, chống tấn công mạng (Điều 19); phòng, chống khủng bố mạng (Điều 20); phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng (Điều 21)… Do đó, khách thể của tội phạm là “an ninh không gian mạng” cần được cụ thể hóa trong pháp luật hình sự quốc gia, tương ứng với điều đó, giá trị tài sản ảo cũng cần phải được nghiên cứu, công nhận là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ…
3.5. Phát sinh việc xác định hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với tội phạm xảy ra trên không gian ảo và nơi thực hiện tội phạm
Trong quan niệm truyền thống, nơi thực hiện, nơi xảy ra hậu quả của tội phạm phải là một địa điểm cụ thể nào đó nhưng ở các tội phạm phi truyền thống trước thách thức CMCN 4.0 thì những điều đó có thể diễn ra ở một không gian ảo (không gian mạng thông tin). Không gian mạng hay không gian ảo (Ccyberspace) là nơi các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin. Không gian mạng được xem như một trải nghiệm xã hội, các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cung cấp hỗ trợ xã hội, đạo đức kinh doanh, hành động trực tiếp, tạo ra phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi, tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị, và như vậy, sử dụng mạng lưới toàn cầu này. Ngoài những thiệt hại là các giá trị vật chất, tinh thần như tội phạm truyền thống, các tội phi truyền thống còn có thể gây ra những thiệt hại bằng các giá trị ảo (các loại tài sản ảo mà việc thừa nhận hay không và quy chế pháp lý còn khác biệt ở các quốc gia). Chẳng hạn, đó là các hành vi lợi dụng sử dụng tiền ảo Bitcoin để phạm tội. Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí nên nó ngày càng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận. Bitcoin có độ bảo mật cao, xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là “đào”. Hiện nay, bitcoin chưa được xem là hợp pháp nhưng cũng chưa có chế tài ngăn cấm. Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự để tránh rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi. Liên quan tới định hướng quản lý đối với tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Sau đó, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định pháp luật. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về “Các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo”, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế. Ngoài ra, cũng trong Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng có đề cập tới hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Ngân hàng nhà nước cũng đã có cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo. Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh việc những đồng tiền ảo như Bitcoin hay iFan không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng nghĩa với việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Do đó, từ 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, về nơi thực hiện tội phạm (truyền thống), mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm đoạn 2 khoản 1 Điều 5 gián tiếp đề cập đến vấn đề này: “Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”. Tuy nhiên, để ứng phó trước thách thức CMCN 4.0, người viết cho rằng, so với chính sách, pháp luật hình sự các nước trên thế giới (ví dụ: Cộng hòa Liên bang Đức , Phần Lan ), rõ ràng quy định này vẫn chưa bao quát một số trường hợp xảy ra như trường hợp có đồng phạm, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt… để giải quyết bài toán hành vi phạm tội gây hậu quả cho xã hội ở một hoặc nhiều nơi khác nhưng những hoạt động đã nêu lại không xử lý được khi bị phát hiện vì xảy ra ở nơi khác. Vì vậy, cần có định hướng, quy định xác định bổ sung các trường hợp trên cũng coi là “nơi thực hiện tội phạm” để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng, phù hợp với chuẩn mực pháp luật quốc tế và pháp luật hình sự các nước, cũng như yêu cầu phòng và chống tội phạm, cũng như vì mục đích bảo vệ sự ổn định của hòa bình và an ninh nhân loại là trách nhiệm chung của các quốc gia trên thế giới.
3.6. Phát sinh vấn đề đổi mới chính sách, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Chính sách hình sự theo nghĩa rộng bao gồm chính sách pháp luật hình sự (luật nội dung), pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự và pháp luật về tổ chức và hoạt động của một số cơ quan tư pháp hình sự (luật hình thức), còn theo nghĩa hẹp được nghiên cứu trong bài viết này là chính sách pháp luật hình sự (TG). Do đó, khi đổi mới chính sách, pháp luật hình sự cũng có nghĩa đồng thời phải đổi mới chính sách, pháp luật pháp luật của các luật hình thức… trên cơ sở những định hướng cơ bản trong chính sách, pháp luật hình sự.
Cùng với đó, chính sách hình sự đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin như:
– Luật Công nghệ cao năm 2008, sửa đổi năm 2013, 2014;
– Luật Công nghệ thông tin năm 2006;
– Luật An ninh thông tin mạng năm 2015;
– Luật An ninh mạng năm 2018…
– Hệ thống các văn bản tạo hàng lang pháp lý điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể như: trí tuệ thông tin, tiền ảo, công nghệ in 3D… tạo hệ thống toàn diện trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trước thách thức CMCN 4.0.
Ngoài ra, thường xuyên tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm với khu vực và toàn cầu như: hợp tác song phương, đa phương, tham gia các tổ chức phòng, chống tội phạm quốc tế nhằm từng bước tiếp cận, chuyển giao các công nghệ, kỹ năng phòng, chống tội phạm, nắm bắt kiến thức, công nghệ về sử dụng các phương tiện công nghệ, kinh nghiệm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm… Đặc biệt, cùng với đó, việc có chính sách liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp ứng phó và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật cũng là xu hướng cần triển khai sớm. Bởi lẽ, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và sử dụng thành thạo các ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm, kết hợp với đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị các phương tiện hiện đại để phát hiện, thu thập các loại tài liệu, chứng cứ điện tử… phục vụ công tác phát hiện, xử lý thì yêu cầu nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ là nhiệm vụ quan trọng để chủ động ứng phó, xử lý…
***
Tóm lại, Việt Nam có những điều kiện và cơ hội để tranh thủ, hưởng lợi từ CMCN 4.0 đem lại cho xã hôi, phục vụ con người và vì con người. Tuy nhiên, những thách thức trên và nhiều hơn nữa đang đặt ra đòi hỏi chính sách hình sự phải kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó và cụ thể hóa kịp thời trong Bộ luật hình sự quốc gia. Nghiên cứu đầu tiên này là khởi đầu để cho những nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới ở nước ta, qua đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự và phục vụ hiệu quả việc áp dụng pháp luật hình sự, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và CMCN 4.0 hiện nay./.
PGS.TS. TRỊNH TIẾN VIỆT (Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Tiếng Việt
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2016.
[2] Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (đồng chủ biên), Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2018.
[3] Chính phủ, CÔNG BÁO/Số 299 + 300, ngày 25/4/2016.
[4] Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự(Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[5] Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
[6] Hồ Trọng Ngũ, Một số vấn đề cơ bản về chính sách hình sự dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
[7] Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
[8] Quốc hội, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
[9] Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2011.
[10] Đào Trí Úc, Luật hình sự Việt Nam (Quyển 1 – Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
[11] Trịnh Tiến Việt, Tội phạm và trách nhiệm hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.
[12] Trịnh Tiến Việt (chủ biên), Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.
[13] Kevin Kelly, 12 xu hướng công nghệ trong thời đại 4.0, Khánh Linh dịch, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2018.
[14] Ajay Agrawal, Joshua Gans, Avi Goldfarb, AI trong cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, Đào Lợi dịch, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2018.
* Tiếng Trung
[15] 許福生著, 刑事政策學 (Chính sách hình sự), 元照出版公司, 2017.
* Tiếng Anh
[16] Paul Schiff Berman, The Globalization of Jurisdiction, University of Pennsy Ivania Law Review, Vol.151, 2002.
[17] Klaus Schwab, The fourth industrial revolution: What it means, how to respond, World Economic Forum, Geneva, 2016.
[18] Matilda Claussén-Karlsson, Artificial Intelligence and the External Element of the Crime: An Analysis of the Liability Problem, JU101A, Final Thesis for the Law Program, Second Cycle, 30 Credits, Spring 2017.
[19] David Harvey, The Condition of Postmodernity, an enquiry into the origins of cultural change, Oxford; Cambridge: Blackwell, 1989 trích dẫn bởi Robert John Holton, Globalization and the Nation-State. London: Macmillan Press, 1989.
* Website
[20] http://vnu.edu.vn/ttsk/, Nguyễn Đình Đức, Nhật Bản bắt đầu xây dựng xã hội 5.0, truy cập ngày 01/5/2019.
[21] https://www.finlex.fi/en/laki/kaannokset/1889/en18890039.pdf, truy cập ngày 01/5/2019.
[22] http://daibieunhandan.vn/, Thái Anh, Luật cho trí tuệ nhân tạo, truy cập ngày 01/5/2019.
[23] https://hatgiongtamhon.vn/, Vũ T. Hương, Trung Quốc dùng trí tuệ nhân tạo để quản lý nhà tù, truy cập ngày 01/5/2019.
[24] https://www.pavietnam.vn/, TTCN, Phòng, chống tội phạm hữu hiệu nhờ công nghệ, , truy cập ngày 01/5/2019.
[25] https://www.24h.com.vn/, Trà My, Tác hại khôn lường của rô-bốt tình dục, truy cập ngày 01/5/2019.
[26] https://news.zing.vn/, Đức Nam, Dùng drone để vận chuyển ma túy qua biên giới, truy cập ngày 01/5/2019.
[27] http://kenh14.vn/, Tiến Phúc, Năm cảnh báo đáng sợ về thảm họa trí tuệ nhân tạo AI trong tương lai, , truy cập ngày 01/5/2019.
[28] http://vi.sblaw.vn/, VnReview, Trí tuệ nhân tạo đánh bại 20 luật sư hàng đầu nước Mỹ, truy cập ngày 01/5/2019.
[29] https://phapluatvacmcn4.vn/, Kế hoạch ứng phó cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Hàn Quốc, truy cập ngày 01/5/2019.
[30] Anh Tuấn, Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống tham nhũng toàn cầu, https://tapchimattran.vn, truy cập ngày 28/5/2019.