Nhảy xuống biển để đào thoát và chịu đánh cược sinh mạng mình giữa trùng khơi, hay chống trả quyết liệt là cách mà các ngư phủ – những người lao động nghèo làm công phản kháng khi hết chịu nổi những trận đòn tàn khốc, vô cớ trên tàu cá.
Chính quyền và cơ quan chức năng có cách nào để đấu tranh và xử lý triệt để, bảo vệ người lao động nghèo?
Anh N.V.N., nạn nhân vụ lừa gạt đi biển ở Kiên Giang, cho biết khoảng tháng 4-2024, anh thấy thông tin tuyển lao động đi biển với mức lương 20 triệu đồng/tháng, nên quyết định đi làm để kiếm thu nhập. Nào ngờ anh bị tra tấn dã man, phải trốn chạy khỏi địa ngục.
Trốn chạy
Anh N. nhớ lúc đó tàu của anh đánh bắt cá ở gần vùng vịnh Thái Lan. Trên tàu lúc này có thêm anh B., anh C. và anh H. cùng bị đánh rất nhiều, đến nỗi có người ăn cơm không nổi. Bản thân anh N. cũng bị đánh do làm việc không đạt theo yêu cầu.
“Băng tụi nó đông lắm, dữ lắm!”, anh N. kể cũng không biết trốn chạy như thế nào, làm gì để còn mạng trở về đất liền. Sau đó anh được một người bạn đi cùng tốt bụng chỉ cách để về đất liền. Và cơ hội cuối cùng cũng đến với anh khi ghe bị hư thiết bị, máy móc nên neo đậu gần đảo Phú Quốc. Anh đã dùng đèn led thủ sẵn nhá đèn bắt đò dọc vào bờ.
“Ba chúng tôi gồm anh B., anh C. và tôi bắt đò dọc vô bờ. Không cản được tôi, nhưng băng nhóm trên ghe đã điện thoại đồng bọn ở đất liền đón chặn ở bến tàu, bến xe để đánh chúng tôi”, anh N. kể.
Để thoát khỏi sự truy tìm, anh N. nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương. Khi đò dọc đưa vô đến đảo Phú Quốc, anh liền đón taxi ghé vào quán cà phê gần công an địa phương vì ý thức rằng ở đây có gì anh dễ dàng nhờ sự hỗ trợ của công an.
“Đi biển ít ai gặp tai nạn trên biển mà chết lắm. Bản thân tôi thấy chỉ có việc đánh đập, hành hung nhau mà chết thôi. Bây giờ chỉ có công an vào cuộc điều tra, tôi nghĩ mới giải quyết được vấn nạn này”, anh N. nói.
Còn anh T.V.H., đi tàu ở Sông Đốc, cho biết để có tiền anh chọn nghề đi biển và vô tình gặp nhóm “cò” cho hay có chủ ghe biển muốn tìm người lao động, lương 10 triệu đồng/tháng. Anh H. thấy vậy nên đồng ý.
“Đi ghe một thời gian, tôi mới biết nhóm này đã bán mình với giá 5 triệu đồng cho ghe. Do đó 3 tháng lao động quần quật trên biển, tôi không có lương mà vẫn bị ăn đòn và cắt cơm”, anh nhớ lại.
Anh H. kể tiếp lúc đó tài công chỉ đạo cho nhóm thân tín khoảng 3 người vừa làm việc vừa canh anh H.. Bị hành hạ, anh và bạn của mình bàn nhau ôm phao nhảy xuống biển đợi người vớt.
Tuy nhiên ý tưởng giải thoát liều mạng đó không thể thực hiện được do tàu đánh bắt quá xa bờ. Đồng thời ngoài biển không có sóng điện thoại, chỉ khi nào tàu chạy ngang các đảo thì có sóng được chừng vài phút, nên anh H. gọi điện cũng không được.
“Bốn tháng hoạt động trên biển, tàu cuối cùng cũng vào vùng gần bờ tiếp nhiên liệu, bảo trì máy và kiếm thêm người làm. Lúc này tôi và một thuyền viên khác quyết định cùng buộc dây vào nhau để sống cùng sống và chết cùng chết rồi ôm phao nhảy xuống biển đêm.
May mắn hôm đó biển khá êm, chúng tôi chỉ trôi dạt chừng hai tiếng trên biển thì được ghe đánh cá của ngư dân Bến Tre vớt nên còn mạng trở về nhà”, anh H. kể chuyến biển nhớ đời của mình.
Nhiều chuyên án phá đường dây “cò”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Doãn Văn Thanh, chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết địa bàn xã có cảng cá Tắc Cậu – nơi ghe tàu ra vô đánh bắt cá trên biển nhiều nhất tỉnh Kiên Giang.
Số lượng tàu đông nên nguồn lao động địa phương không đủ cung ứng. Nắm bắt tình hình trên, một số “cò” ngư phủ vẫn còn hoạt động liều lĩnh ở địa phương.
Những người này móc nối nhau thông qua các tờ rơi, danh thiếp… Sau khi có người lao động, họ thỏa thuận bằng lời nói, ít thể hiện bằng giấy tờ, nên khi xảy ra sự việc không đủ cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, địa phương vẫn dùng biện pháp đấu tranh.
Công an xã Bình An cũng kiểm tra và nắm tình hình tham mưu Công an huyện Châu Thành bắt và khởi tố 2 vụ có hành vi giữ người trái pháp luật mà nạn nhân là người lao động liên quan “cò” giới thiệu việc làm.
“Người dân không nên tin tưởng tuyển người làm qua các tờ rơi, danh thiếp và nói miệng. Gặp vấn đề trên, người lao động nên nhanh chóng trình báo chính quyền địa phương. Đi biển làm việc thì bà con cần có hợp đồng giấy tờ rõ ràng để tránh trường hợp bị lừa”, ông Thanh khuyến cáo.
Ở Cà Mau, tháng 4-2023 đến nay, các địa phương đã đấu tranh triệt phá 4 chuyên án.
Trong đó có những chuyên án do Bộ đội biên phòng Cà Mau xác lập và tổ chức đấu tranh, truy xét, như chuyên án CM423 triệt xóa đường dây tội phạm mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi dưới hình thức “cò”; chuyên án truy xét CM723 triệt xóa đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép vào tháng 7-2023.
Ngoài ra, tháng 8-2023, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triệt xóa đường dây tội phạm mua bán người dưới hình thức “cò” ngư phủ, giải cứu 8 người lao động và bắt 10 người.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, thông tin ngoài vấn nạn “cò” ngư phủ, theo số liệu thống kê từ năm 2019 đến nay, Cà Mau còn xảy ra 28 vụ với 45 thuyền viên chết trôi dạt trên biển không rõ nguyên nhân.
Đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát cố định tại các trạm kiểm soát biên phòng và kiểm soát lưu động, quản lý chặt chẽ người và tàu khi ra vào đánh bắt hải sản trên biển.
Bộ đội biên phòng Cà Mau kiên quyết không giải quyết cho tàu cá không đủ điều kiện ra biển hoạt động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng địa phương thống kê, quản lý tận gốc tàu cá trên địa bàn. Phân tích, dự báo sát đúng tình hình đối tượng “cò” ngư phủ rồi đơn vị sẽ chủ động xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xóa nhiều vụ án mua bán người dưới hình thức “cò” ngư phủ, giải cứu các nạn nhân bị mua bán nhằm cưỡng bức lao động”, ông Ngọc cho biết thêm.
Phóng viên Tuổi Trẻ mới đây trở lại nhà ông T.V.T. (49 tuổi, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), người bị hành hạ dã man trên biển.
Căn nhà cấp 4 của ông T. mới sửa lại nên còn thơm mùi sơn mới. Đây là căn nhà mà một số nhà hảo tâm thấy thương cho hoàn cảnh của ông mà tài trợ sửa tặng.
Ông cho biết ông và con trai đã nghỉ đi biển để ở nhà lo canh tác 3 công đất do nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mua để sinh sống. “Tôi giờ hết dám đi biển rồi. Giờ có mấy công đất làm được một vụ lúa, vụ tôm cũng đủ sống. Tôi chỉ lo chuyên tâm canh tác lúa, nuôi tôm kiếm ăn, không cần dư đâu, đủ ăn là tôi mừng lắm rồi”, ông T. cho biết thêm.
(còn tiếp)