(PLO)- Tại phần thẩm vấn, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày không có người thân tín nào tại SCB và không mua chuộc ai tại Ngân hàng SCB.
Chiều 5-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục đến phần xét hỏi của luật sư bào chữa (LS).
Cựu quyền Tổng giám đốc SCB xin giảm nhẹ án
Tại tòa, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) khai không nhớ rõ được bị cáo Lan cho 40 tỉ đồng hay 4 tỉ đồng và đề nghị HĐXX xem xét.
Về nội dung này, bị cáo Lan cũng trình bày có cho bị cáo Dũng 4 tỉ đồng là tiền thưởng Tết trong 2 năm.
Còn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) thừa nhận được bị cáo Lan cho 300.000 cổ phiếu – tương đương 3 tỉ đồng. Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) được bà Lan cho 100 triệu cổ phần tương đương 100 tỉ đồng. Hai bị cáo đồng ý hoàn trả lại tài sản để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Hoàng trình bày thêm mình có một tài khoản tại SCB khoảng 1,2 tỉ đồng chưa bị kê biên và sẽ dùng số tiền này để nộp khắc phục hậu quả.
“Sự khoan dung của phiên tòa phúc thẩm lần này là khoan dung về tinh thần hơn là số năm tù. Bản án sơ thẩm giai đoạn 2 đã kết thúc cánh cửa sớm về với gia đình của bị cáo. Mong muốn được đánh giá khách quan, đúng vai trò của bị cáo để giảm nhẹ một chút nhằm giải thích với gia đình, xã hội” – bị cáo Hoàng nói.
Cũng tại phiên tòa, cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết không rõ lý do bị cáo Lan cho tiền các nhân viên tại SCB. Riêng bị cáo chỉ hưởng lương, không hưởng lợi. Bị cáo này được tuyển vào làm việc tại SCB theo quy định và năng lực; không chịu sự chi phối từ bị cáo Lan.
Về việc cho tiền các bị cáo tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, bị cáo không có người thân tín nào làm việc tại SCB. Các bị cáo làm việc tại SCB một thời gian đều xin nghỉ là do quá trình tái cơ cấu SCB khiến những người làm việc tại đây đều chịu quá nhiều áp lực.
Giải thích về việc không cho tiền bị cáo Văn, bị cáo Lan nói: “Bị cáo đâu có thừa tiền để cho lung tung. Khoảng năm 2022, có doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào SCB, bị cáo đã cho tiền, cổ phiếu cho các bị cáo Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Bùi Anh Dũng và thời điểm đó bị cáo Văn cũng đã nghỉ việc”.
Bị cáo Lan khai thêm không mua chuộc ai và cho tiền nhân viên, người lao động tại SCB chứ không riêng cho lãnh đạo cấp cao.
Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan mong xem xét bối cảnh phạm tội
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, bản án sơ thẩm tuyên phạt chồng bà Trương Mỹ Lan 9 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Cơ đã ký biên bản đại hội đồng cổ đông ngày 10-12-2012 và các quyết định, biên bản họp hội đồng quản trị… với nội dung thế chấp tòa nhà Times Square hợp thức 73 khoản vay vốn trái quy định để vay vốn tại SCB, giúp bị cáo Lan rút tiền tại ngân hàng này, gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng.
Tại phần thẩm vấn phiên phúc thẩm, HĐXX hỏi bị cáo Chu Lập Cơ về nội dung kháng cáo và việc cung cấp các chứng cứ, tài liệu mới cho việc kháng cáo.
Bị cáo Cơ trình bày, mức hình phạt hiện tại quá nghiêm khắc nên muốn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mong HĐXX xem xét bối cảnh, hành vi phạm tội; vai trò thứ yếu trong vụ án. Bị cáo là người nước ngoài nên kí văn bản tại Việt Nam đều rất thận trọng, phải tham vấn qua nhiều người.
Chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan đã cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình đã nộp khắc phục thêm 2,5 tỉ đồng; cung cấp thêm 13 giấy khen, huân chương…
Ngày mai (5-11) sẽ xét hỏi đối với các bị cáo sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng tại SCB.