Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

So với Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 thì BLDS 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung trong đó có quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.

1. So sánh quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu của BLDS 2005 và BLDS 2015.

Bộ luật Dân sự 2005Điều 138. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản ánquyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
 
Bộ luật Dân sự 2015Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nướccó thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Trong bảng so sánh phần in nghiêng, đậm là phần được sửa đổi, bổ sung của BLDS 2015 so với BLDS 2005. Qua bảng so sánh nêu trên có thể thấy:
– Quy định tại khoản 1 Điều 133 BLDS 2015 giữ nguyên nội dung của khoản 1 Điều 138 BLDS 2005; sự sửa đổi rất nhỏ chỉ mang tính kỹ thuật.
– So với khoản 2 Điều 138 BLDS 2005 thì khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 có sự sửa đổi, bổ sung lớn về nội dung nhằm bảo vệ tốt hơn cho người thứ ba ngay tình. Đó là, khoản 2 Điều 138 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 đều có quy định là giao dịch dân sự ban đầu bị vô hiệu nhưng giao dịch chuyển giao tài sản là đối tượng của giao dịch vô hiệu cho người thứ ba ngay tình lại có 02 hậu quả pháp lý khác nhau. Đó là, theo quy định của BLDS 2015, nếu tài sản giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch chuyển giao tài sản có hiệu lực, quyền lợi của người thứ ba ngay tình vẫn được bảo vệ ngay cả khi giao dịch dân sự ban đầu vô hiệu. Trường hợp này, nếu theo BLDS 2005 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình bị xác định là vô hiệu.
– Điều 133 BLDS 2015 bổ sung thêm quy định chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

2. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu và việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) BLDS 2015

Vấn đề đặt ra là khi xem xét áp dụng khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 thì giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực được hiểu là giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình, vì đây là giao dịch trực tiếp dẫn đến hệ quả pháp lý người thứ ba ngay tình có được bảo vệ hay không.
Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 quy định:
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luậtđược quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11; 
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này; 
c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luậtDân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết; 
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
Với quy định tại khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 nêu trên, theo tác giả, tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể xử lý như sau:
(1) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của BLDS 2015 và có tranh chấp thì phải áp dụng quy định của BLDS 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS 2005 để xác định giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình bị vô hiệu (điểm a khoản 1 Điều 688).
(2) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà giao dịch này thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, các nội dung khác và hình thức của giao dịch cũng phù hợp với quy định của BLDS 2015 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu (điểm b khoản 1 Điều 688).
(3) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập và thực hiện xong trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp thì mặc dù nội dung và hình thức của giao dịch hoàn toàn phù hợp với BLDS 2015 nhưng việc giải quyết vẫn phải căn cứ vào quy định của BLDS 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS 2005. Điều đó có nghĩa là giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình sẽ bị xác định là vô hiệu (điểm c khoản 1 Điều 688).
Như vậy, quy định mới  của BLDS 2015 đã góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao lưu dân sự, vốn luôn bị yếu thế khi tham gia vào các giao dịch dân sự và góp phần bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

024 3755 8809