Bàn về quy định miễn chấp hành hình phạt theo BLHS 2015

Bài viết bàn về những bất cập của các quy định về miễn chấp hành hình phạt trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thiện chế định này.
 
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về miễn chấp hành hình phạt
Miễn chấp hành hình phạt (CHHP) quy định trong BLHSnăm 2015, được áp dụng đối với người bị kết án bằng loại hình phạt đã tuyên được đặt ra có thể đưa đến việc chấm dứt, hủy bỏ toàn bộ, phần còn lại hoặc không buộc phải chấp hành trong giai đoạn thi hành án hình sựThực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy các quy định hiện hành về miễn CHHP đã bộc lộ bất cập về tính hợp lý trong thực tiễn áp dụng, căn cứ khoa học và kỹ thuật lập pháp, theo chúng tôi cần phải tiếp tục hoàn thiện chế định này ở những vấn đề sau:
Một là, phân tích quy định của BLHS hiện hành về các trường hợp miễn CHHP cho thấy tính hợp lý về mặt cấu trúc của quy phạm chưa chặt chẽ, còn phân tán và không có sự đồng nhất bản chất pháp lý giữa sự liên kết của các biện pháp này. Ngoài ra, quy phạm mang tính định nghĩa trong BLHS năm 2015 vẫn chưa được xây dựng, cách sắp xếp chế định này trong Chương IX (Thời hiệu thi hành bản án, miễn CHHP, giảm thời hạn CHHP) với các chế định khác có liên quan đến miễn CHHP nhưng chưa phản ánh hết nội hàm đã liệt kê như: (i) Án treo (Điều 65), (ii) Tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66), (iii) Hoãn CHHP tù; (iv) Tạm đình chỉ CHHP tù (Điều 68). Do đó, cần xây dựng thành một chế định độc lập, trong đó có khái niệm với những căn cứ và điều kiện về miễn CHHP cụ thể trong BLHS năm 2015.
Hai là, miễn CHHP được nhìn nhận dưới các tiêu chí của pháp luật Việt Nam trong sự so sánh với pháp luật một số nước trong việc thiết lập và cần thiết tính toán đến căn cứ, điều kiện được miễn khỏi sự trừng phạt nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng hoặc tác động đến an ninh, trật tự xã hộihoặc lợi ích của các nạn nhân nhằm tăng cường tính hiệu quả trong việc tha miễn khỏi sự trừng phạt của từng nhóm tội phạm (kể cả trường hợp tiếp nhận người bị kết án về Việt Nam CHHP tù). Ở cách tiếp cận này, tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66, nhà làm luật hạn chế và không áp dụng đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc các tội phạm cụ thể khác… Tuy nhiên, căn cứ để miễn CHHP theo Điều 62 về hình phạt tù có thời hạn đến 30 năm thì theo chiều hướng ngược lại, không giới hạn về một trong các tội thuộc nhóm tội này là chưa tương thích với những chế định khác nói trên.
Ba là, việc sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ để thống nhất chung giữa khoản 2 và khoản 4 với khoản 3 trong Điều 62  đó là “chấp hành tốt pháp luật”. Lý giải điều này trên cơ sở căn cứ vào loại hình phạt áp dụng ở các điều luật có liên quan tương ứng với miễn CHHP. Người bị kết án với loại hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm (tội ít nghiêm trọng) là đối tượng được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo khoản 2 Điều 62 khi có một trong những điều kiện bắt buộc là “chấp hành tốt pháp luật”. Trong khi đó, việc miễn CHHP tù có thời hạn trên 03 năm đến giới hạn tối đa của tù có thời hạn (tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) là 30 năm tù cho thấy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện rất cao. Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ yêu cầu có một trong những điều kiện “đã lập công lớn” hoặc “mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất thể hiện ý thức chủ quan tích cực của người bị kết án “chưa chấp hành” về sự ăn năn, hối cải hay sự phản kháng, chống đối xã hội. Như vậy, quy định ở khoản 3 Điều 62  là chưa phù hợp, tỉ lệ nghịch với sự thiết lập miễn CHHP toàn bộ hình phạt khi dựa vào phân loại tội phạm theo chiều hướng từ thấp đến cao.
Bốn là, việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung và trong BLHS năm 2015 nói riêng trong đó có đối tượng thuộc nhóm người dễ bị tổn thương: Phụ nữngười chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật trong chế định CHHP hay miễn CHHP vẫn chưa quan tâm đúng mức. Có thể nói Bộ luật Hình sự 2015 đã tập hợp hóa, pháp điển hóa các hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn xét xử khi lần đầu tiên xây dựng các quy phạm không chỉ phản ánh sự gia tăng TNHS là đối tượng tác động của tội phạm hoặc giảm nhẹ chúng khi thực hiện hành vi phạm tội đối với người từ 70 tuổi trở lên mà còn là điều kiện – đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66 ). Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Điều 62 thì người bị kết án từ 70 tuổi trở lên không thuộc đối tượng – là một trong những điều kiện để miễn CHHP cho loại hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn đến 03 năm (ít nghiêm trọng) hoặc người bị kết án tù trên 03 năm không phân biệt loại tội bị kết án, mức hình phạt đã tuyên khi chưa chấp hành là chưa phù hợp với một trong những dạng miễn CHHP đã nêu. Do đó, bên cạnh những quy định hiện hành cần mở rộng hơn nữa người bị kết án thuộc nhóm (đối tượng) nói trên nghĩa là, ghi nhận chính thức những điều kiện đã phân tích vào BLHS năm 2015 để xem xét trong trường hợp miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62.
Năm là, quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 chưa có sự đồng nhất nếu xét về tính chất, mức độ nguy hiểm theo phân loại tội phạm. Đối với loại hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm nếu có đủ điều kiện quy định thì được “miễn CHHP” mà không phải “miễn toàn bộ hình phạt” như khoản 3 Điều 62 . Do đó, cần thống nhất khoản 2 và khoản 3 Điều 62  với quy định chung là “miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”.
Sáu là, quy định khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 về hoãn CHHP tù và quy định tạm đình chỉ CHHP tù tại Điều 68 Bộ luật Hình sự năm 2015 là trùng khớp nhau về điều kiện áp dụng. Điều kiện hoãn và tạm đình chỉ CHHP tù được đặt chung một điều luật để dẫn chiếu tương tự là không chặt chẽ về mặt quy phạm. Khi căn cứ và điều kiện giống nhau được sử dụng cho hai trường hợp khác biệt “chưa chấp hành” (do hoãn CHHP tù) và “đang chấp hành” (được tạm đình chỉ CHHP tù) đã cho kết quả không tương thích về tình trạng pháp lý chỉ mức độ miễn chấp hành của người bị kết án. Hay nói cách khác, căn cứ và điều kiện chưa chấp hành” và “đang chấp hành” hình phạt do người bị kết án tạo ra như nhau đã không mang lại kết quả giống nhau khi xem xét tổng thể về miễn, hoãn, tạm đình chỉ CHHP tù.
Bảy là, phân tích quy định của BLHS năm 2015 về các trường hợp miễn CHHP cho thấy sự đa dạng và tính chất không đồng nhất của các biện pháp này, bao gồm: (i) Các biện pháp của pháp luật hình sự không liên quan đến TNHS, không phải là một phương tiện để thực hiện (các biện pháp y tế bắt buộc áp dụng đối với người mắc bệnh tâm thần); (ii) Các biện pháp của pháp luật hình sự (hiệu ứng) gắn liền với TNHS, đó là những phương tiện thực hiện của nó (về CHHP, trách nhiệm bồi thường thiệt hạido tội phạm gây ra, khấu trừ thu nhập, bắt buộc chữa bệnh). BLHS năm 2015 không quy định thực hiện khấu trừ một phần thu nhập (tư pháp dân sự); bắt buộc chữa bệnh; án phí, kể cả phạt tiền là hình phạt bổ sung (trong một số trường hợp) phải thực hiện khi được miễn CHHP.
Tám là, hệ thống hình phạt quy định trong BLHS 2015 bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Miễn CHHP tiền còn lại không chỉ được áp dụng cho hình phạt chính mà còn được áp dụng cho hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 62 chỉ quy định việc miễn CHHP tiền còn lại, không phân định loại hình phạt nào là chưa được chặt chẽ.
Chín là, miễn CHHP do thay đổi hoặc chuyển biến tình hình khi Nhà nước hoạch định chính sáchhình sự bằng việc phi tội phạm hóa, xóa bỏ một tội phạm hoặc điều luật có quy định giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Đây là một trường hợp của miễn CHHP nếu người bị kết án chưa CHHP, đang được hoãn CHHP thì Tòa án ra quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt; hoặc đang tạm đình chỉ CHHP thì được miễn CHHP còn lại và như vậy, đồng nghĩa với việc xóa toàn bộ cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung (cấm cư trú, quản chế,..). Tương tự, đối với người bị kết án cố tình trốn tránh việc CHHP, trong thời gian đó đã “lập công lớn” hoặc “mắc bệnh hiểm nghèo” nhưng BLHS năm 2015 không quy định, về vấn đề này, cần thiết đề xuất để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
2. Một số đề xuất, kiến nghị 
– Đối với quy định tại Điều 62 Miễn chấp hành hình phạt (giữ nguyên tên gọi của Điều luật, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 62 BLHS năm 2015 như sau:
1. Miễn chấp hành hình phạt là việc hủy bỏ loại hình phạt tương ứng khi có những căn cứ, điều kiện do pháp luật hình sự quy định và không buộc người bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần hình phạt còn lại đã được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị kết án có thể được miễn chấp hành hình phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có quyết định đặc xá hoặc đại xá;
b) Chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, hoặc được hoãn chấp hành hình phạt tù;
c) Đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
d) Đang chấp hành hình phạt tiền là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung;
đ) Đang chấp hành hình phạt hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế;
e) Khi BLHS xóa bỏ không quy định một tội phạm đối với người bị kết án;
g) Do tình trạng bệnh tật.
3. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 62.2, khoản 1 Điều 62.3, Điều 62.4, 62.5, 62.7 và 62.9 của Bộ luật này vẫn thực hiện trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội gây ra, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, các biện pháp tư pháp khác và án phí được tuyên trong bản án.
– Bổ sung thêm một số điều luật sau:
+ Điều 62.1. Không áp dụng miễn chấp hành hình phạt (quy định mới)
Không áp dụng miễn CHHP quy định tại Điều 62.4 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.
+ Điều 62.2. Miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá (quy định mới về tên gọi của Điều luật, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 62 của BLHS năm 2015).
1. Đặc xá là quyết định của Chủ tịch nước tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân quy định như khoản 3, Điều 3 Luật Đặc xá năm 2007.
2. Đại xá là quyết định của Quốc hội cho người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt.
+ Điều 62.3. Miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ (quy định mới về tên gọi của điều luật, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 62 của BLHS năm 2015, đồng thời quy định mới khoản 1 và khoản 2).
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;
b) Chấp hành tốt pháp luật và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 1 Điều này vẫn thực hiện việc khấu trừ thu nhập.
+ Điều 62.4. Miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn (quy định mới về tên gọi của Điều luật, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời quy định mới khoản 3).
1. Người bị kết án tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
c) Chấp hành tốt pháp luật và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Quy định tại  khoản 1 Điều này được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công lớn; hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
b) Quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được áp dụng để miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với người bị kết án được hoãn chưa chấp hành hình phạt tù.
+ Điều 62.5. Miễn chấp hành hình phạt tù khi được tạm đình chỉ (giữ nguyên như khoản 4 Điều 62 BLHS năm 2015).
+ Điều 62.6. Miễn chấp hành hình phạt tiền còn lại (quy định mới về tên gọi của điều luật và nội dung tương ứng như quy định tại khoản 5 Điều 62 của BLHS năm 2015, đồng thời sửa đổi, bổ sung điểm a, b, khoản 1, quy định mới khoản 2).
1. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lập công lớn hoặc do tai nạn hoặc ốm đau không tự mình gây ra;
b) Có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn;
2. Quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với người bị kết án phạt tiền là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.
+ Điều 62.7. Miễn chấp hành hình phạt hình phạt bổ sung (quy định mới về tên gọi của điều luật và nội dung tương ứng như quy định tại khoản 6 Điều 62 của BLHS năm 2015, đồng thời sửa đổi, bổ sung cụm từ chấp hành tốt pháp luật).
Người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế, nếu chấp hành tốt pháp luật và được một phần hai mức hình phạt, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể được Tòa án quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
+ Điều 62.8. Miễn chấp hành hình phạt do bệnh tật (quy định mới)
Người bị kết án bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đã được điều trị bắt buộc tại cơ sở y tế chuyên khoa nhưng không khỏi bệnh, thì được miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn.
+ Điều 62.9. Miễn chấp hành hình phạt khi Bộ luật Hình sự không quy định là tội phạm (quy định mới)
1. Khi BLHS xóa bỏ không quy định một tội phạm, người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với người bị kết án trong trường hợp cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt.
– Đối với Điều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện (giữ nguyên tên gọi của điều luật và nội dung tương ứng tại 05 khoản từ khoản 1đến khoản 5, Điều 66 như quy định của BLHS năm 2015, đồng thời sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 1 như sau:
1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, trách nhiệm dân sự và án phí;
– Đối với quy định tại Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù (giữ nguyên tên gọi của điều luật và nội dung tương ứng tại khoản 1 Điều 67 như quy định của BLHS năm 2015, đồng thời sửa đổi, bổ sung điểm c, d khoản 1 và khoản 2; quy định mới khoản 3 như sau:
1. Người bị kết phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: …
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm.
d) Bị kết án phạt tù đến 03 năm, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu có căn cứ quy định tại Điều 62.3 và 62.4 của Bộ luật này thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt; nếu thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại khoản 1 Điều này đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.

NGUYỄN VĂN THỦY (TAND huyện Long Khánh, Đồng Nai)

Nguồn: tcdcpl.moj.gov.vn

024 3755 8809