Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nghị quyết định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Cần có cơ chế rõ ràng về tuyển chọn, đào tạo và sử dụng Luật sư công…

luat su hoang van huong 32
  Luật sư HOÀNG VĂN HƯỚNG – Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng

1. Luật sư công là gì?
Luật sư công là luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của nhà nước, nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước đồng thời bảo vệ quyền lợi cho những người ở thế yếu, không có điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ pháp lý nhằm thực hiện bảo đảm xã hội một cách công bằng.

2. Ở Việt Nam đã có Luật sư công hay chưa?
Ở Việt Nam đã có mô hình luật sư công đó chính là các cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý được phân bổ theo địa hạt các tỉnh. Theo luật trợ giúp pháp lý hiện nay thì trợ giúp viên pháp lý có tiêu chuẩn được đào tạo như luật sư, tuy nhiên đa số các trợ giúp viên pháp lý chỉ mới thực hiện được các hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng cần trợ giúp thuộc các đối tượng người nghèo, tôi tưởng chính sách và các đối tượng xã hội, chưa thực hiện được các dịch vụ bảo vệ quyền lợi của nhà nước, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tranh chấp pháp lý quốc tế và tư vấn kinh doanh thương mại quốc tế.

3. Việt Nam chúng ta có cần thiết xây dựng và thực hiện chế định luật sư công hay không? Sẽ xây dựng như thế nào?

Cần phải khẳng định, xây dựng và hoàn thiện chế định luật sư công là quá cần thiết, xem xét thực tế ở các nước phát triển và đã hoàn thiện hệ thống pháp luật thì họ đều có chế định luật sư công hoạt động hết sức hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện các dịch vụ pháp lý Của nhà nước và cũng chính là thực hiện chính sách bảo đảm xã hội một cách tốt nhất, Công Bằng nhất để mọi người đều được tiếp cận đến dịch vụ pháp lý. Và như vậy xin khẳng định nghị quyết 66 của bộ chính trị để định hướng xây dựng chế độ luật sư công là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nên xây dựng như thế nào?
Có rất nhiều ý kiến và tư tưởng cho rằng cần thiết phải đào tạo, tuyển chọn những người có tiêu chuẩn để thực hiện vai trò luật sư công….
Tôi cho rằng đây là những quan điểm sai lầm và sai lầm rất lớn. Nếu thực hiện theo quan điểm này thì chính là phải xây dựng lại về tiêu chuẩn và các điều kiện hành nghề của luật sư công một cách độc lập với tiêu chuẩn của luật sư thông thường, điều này không đúng bởi vì luật sư là một nghề tự do, không thể xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện của luật sư công khác với luật luật sư và các luật sư thông thường, bởi vì nghề luật sư thực hiện chức năng tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác là hoàn toàn giống nhau, không thể có hệ thống pháp luật tố tụng nào khác mà các luật sư chỉ có thực hiện và tuân thủ theo một hệ thống pháp luật, hay còn gọi là ngồi “Chung mâm”. Điều chúng tôi lo lắng nhất là những người thực thi sẽ luận giải và lấy cớ này để xây dựng nên các chương trình đào tạo, tiêu tốn đi một lượng ngân sách lớn của nhà nước và đó chính là lãng phí.

Để luận nghĩa chữ: “Đào tạo luật sư” không phải chỉ là phân tích như đào tạo kiến thức phổ thông hay kiến thức chuyên môn, một cử nhân luật loại giỏi, đào tạo nghề luật sư tại học viện tư pháp giỏi nhưng chưa chắc đã thành công, bởi vì đào tạo về kiến thức và kỹ năng mới chỉ là 40%, 60% còn lại là do sự nỗ lực, ý chí quyết tâm và phải có định hướng phải triết lý rõ ràng, bởi vì nghề luật sư là một nghề vô cùng khó. Trong khi thực hiện và gánh vác các dịch vụ pháp lý cho nhà nước, cần phải có những con người có sứ mệnh cống hiến, chưa vội màng tới danh và lợi thì mới có thể thực hiện được.

4. Giải pháp:
Chỉ cần các cơ quan có thẩm quyền tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ, xây dựng và kết nối hệ thống các văn bản quy phạm điều chỉnh về luật sư một cách hoàn chỉnh, có cơ chế vận động để thuê hoặc thu hút được các luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với yêu cầu đang nằm trong số 2 vạn luật sư của cả nước, cần phải luôn ghi nhớ và thực hiện đúng nguyên tắc luật sư là một nghề.
Tuyệt đối không được mang tư tưởng chế định luật sư công là công chức hay viên chức, tức là phải xác định rõ luật sư công không phải là một bộ phận của cơ quan nhà nước, mà trong dịch vụ pháp lý Nhà nước sẽ là khách hàng của luật sư. Nếu không xác định rõ vấn đề này thì sẽ đẻ ra rất nhiều cơ quan quản lý và các chính sách quản lý cũng như báo cáo, thanh tra kiểm tra cồng kềnh lãng phí, và đặc biệt có thể không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động nghề của luật sư công.

5. Vấn đề cán bộ công chức viên chức có được phép hành nghề luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý hay không?

Vấn đề này thực tế Quốc hội và các cơ quan đã bàn bạc quá nhiều lần. “Không lên vừa đá bóng vừa thổi còi”. Theo quan điểm của tôi thì cán bộ công chức viên chức cần phải làm tròn tâm tròn việc với chức trách công vụ của mình. Các nhà khoa học, các giảng viên luật có thể được thực hiện một số các dịch vụ pháp lý phù hợp với trình độ khả năng và lĩnh vực của mình nhưng cần thông qua các tổ chức hành nghề luật sư, tức là cung cấp giải pháp, quan điểm khoa học về lý luận và học thuật của vụ việc chứ không lên trực tiếp cung cấp hay tham gia tố tụng, thực tế cho thấy đã có nhiều các nhà khoa học, các cán bộ công chức đã không thực hiện được toàn diện, trọn vẹn một dịch vụ pháp lý, thậm chí không tuân thủ các quy định chung về thực hiện dịch vụ pháp lý dẫn đến những hệ quả làm mất uy tín của chính cá nhân những người này và làm khó cho việc quản lý mang tính đặc thù của nhà nước và tự quản. Thực tế và cũng cần nhìn nhận vấn đề này rõ ràng như ví dụ: “một nhà khoa học nghiên cứu về cây gỗ không có nghĩa rằng nhà khoa học ấy sẽ đóng được một chiếc bàn gỗ đẹp và chắc chắn” đi từ hệ thống lý luận luật học phải trải qua các kỹ năng rất cơ bản, sáng tạo áp dụng vào thực tế có thể mới có kết quả tốt.
Một điều đặc biệt quan trọng nữa để so sánh với đối tượng này đó là hệ thống pháp luật đã quy định để hành nghề tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý phải có tiêu chuẩn và điều kiện. Trong số các tiêu chuẩn đó đối với luật sư, đó là bắt buộc phải qua đào tạo phương pháp và kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý, đào tạo để nhận diện ra sứ mệnh thực hiện chức năng xã hội cho cộng đồng, để nhận diện ra các quy định về quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, nhưng vấn đề thực hiện và phương pháp tổ chức thực hiện không phải là một vấn đề đơn giản.

Luật sư Hoàng Văn Hướng

Contact Me on Zalo
024 3755 8809