Áp dụng luật nào để giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự

Thông qua công tác kiểm sát các bản án, quyết định Hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xét xử từ ngày 01/01/2017 trong thời gian qua cho thấy,việc áp dụng căn cứ để giải quyết vấn đề Dân sự trong vụ án hình sự, mà cụ thể ở đây là vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại, chưa có sự thống nhất. Có bản án sơ thẩm áp dụng các điều luật theo Bộ luật dân sự 2015 (bản án số 01/2017/HSST ngày 11/01/2017 của TAND huyện T.; bản án số 06/2017/HSST ngày 23/01/2017 của TAND huyện K.v.v…), nhưng có bản án sơ thẩm lại vẫn áp dụng các điều luật theo BLDS 2005 (bản án số 02/2017/HSST ngày17/01/2017 của đơn vị H.v.v…).
Vấn đề ở đây không chỉ là sự thay đổi đơn thuần cơ học về điều, khoản áp dụng, mà ở chỗ nó đã phá vỡ tính thống nhất trong việc áp dụng luật.
Theo BLDS năm 2015, các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã có sự thay đổi, bổ sung rất căn bản. Ví dụ: Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ngoài quy định như BLDS 2005, BLDS 2015 quy định thêm trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại nhưng các bên có thỏa thuận bồi thường thì vẫn phải bồi thường.

Ảnh minh họa: Áp dụng luật nào mới chính xác?
Ảnh minh họa: Áp dụng luật nào mới chính xác?

 
Về nguyên tắc bồi thường: BLDS 2005 có 3 nguyên tắc bồi thường cơ bản, trong khi đó BLDS năm 2015 chỉ ra 5 nguyên tắc bồi thường.
Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường: BLDS năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 02 năm thì BLDS 2015 là 03 năm.
Mức bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại: BLDS 2005 quy định nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Còn BLDS 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm hại: BLDS 2005 quy định nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Còn BLDS 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Như vậy sẽ nảy sinh trường hợp trên thực tế cùng một hành vi trái pháp luật gây thiệ thại và phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại,nếu đưa ra xét xử vào ngày 31/12/2016 thì chỉ phải chịu mức bồi thường tối đa không quá 60 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Nhưng cũng hành vi đó nếu đưa ra xét xử vào ngày 01/01/2017 (sau 01 ngày) thì lại phải chịu mức bồi thường tối đa có thể lên tới 100 lần mức lương tối thiểu.
Do đó, quan điểm thứ nhất cho rằng việc áp dụng và viện dẫn BLDS 2005 hay BLDS 2015 là phải xem xét hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đó xảy ra vào thời điểm nào, chứ không thể căn cứ vào ngày xét xử? Nên BLDS 2005 vẫn là căn cứ áp dụng để xem xét vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mặc dù vụ ánđưa ra xét xử từ ngày 01/01/2017. Ngoài ra, tại điểm c khoản 1 điều 688 (điều khoản chuyển tiếp) BLDS 2015 cũng quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả, trong trường hợp này phải áp dụng các căn cứ quy định của BLDS 2015 mới chính xác. Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều116 BLDS 2015 (điều 121 BLDS 2005) thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
@223
Hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: Lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế, hứa thưởng, thi có giải…
Tại điều Điều 275 BLDS 2015 quy định: Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:
1. Hợp đồng;
2. Hành vi pháp lý đơn phương;
3.Thực hiện công việc không có uỷ quyền;
4.Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;
5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;
6.Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Như vậy hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất là một nghĩa vụ phát sinh do pháp luật quy định, không phải là hợp đồng, cũng không phải là hành vi pháp lý đơn phương. Do đó, hành vi trái pháp luật gây thiệt hại không phải là giao dịch dân sự và là trường hợp được điều chỉnh bởi điểm c khoản 1 điều 688 BLDS 2015.
Trong quá trình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án không bắt buộc phải mở các phiên hòa giải giữa các đương sự như trong tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng không bắt buộc phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề dân sự. Trường hợp các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau thì Tòa án công nhận việc thỏa thuận này của các đương sự và sự thỏa thuận này được ghi vào phần quyết định của bản án chứ Tòa án không phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Đây là điểm khác biệt lớn so với tố tụng dân sự, vì trong tố tụng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm bắt buộc phải mở các phiên hòa giải giữa các đương sự và việc hòa giải được tiến hành trước và tại phiên tòa. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Do đó, vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự là trách nhiệm thực thi theo luật và các quy định hiện hành tại thời điểm xét xử, chứ không thể coi đó là giao dịch dân sự đơn thuần để đưa ra để thỏa thuận.
BLTTDS và BLDS 2015 được đánh giá là đã có nhiều đột phá quan trọng, góp phần triển khai thi hành các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng,công nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Do đó, điều khoản chuyển tiếp trong BLTTDS, BLDS 2015 và trong các văn bản hướng dẫn đều được thiết kế theo hướng có thể áp dụng ngay trước thời điểm các bộ luật trên có hiệu lực chính thức thi hành, nếu đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự.
Điều 689 BLDS 2015 đã quy định: “Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Bộ luật dân sự số33/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực”. Nếu theo quan điểm thứ nhất, thìcác hành vi trái pháp luật gây thiệt hại phải bồi thường đến ngày 30/12/2020 mới đưa ra xét xử, vẫn có thể viện dẫn và trích dẫn các điều khoản của BLDS năm2005 (do thời hiệu yêu cầu bồi thường thực hiện theo BLDS 2015 đã tăng lên 03năm). Rõ ràng, đây là điểm không hợp lý theo quy định hiện hành.
Trên đây là một số vướng mắc trong việc áp dụng BLDS, cùng với quan điểm của chúng tôi đối với việc áp dụng luật về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong vụ án hình sự, phát sinh từ thực tiễn công tác kiểm sát đối với các bản án, quyết định của Tòa án. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguồn: Phòng 9 – VKSND tỉnh Hòa Bình (vksndhoabinh.gov.vn) 

024 3755 8809