Áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Qua nghiên cứu một số vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nhận thấy việc áp dụng hình phạt bổ sung còn mang tính chất tùy nghi, bên cạnh đó một số bất cập khi người đang chấp hành án về tội này vẫn được đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

1. Hình phạt bổ sung còn tùy nghi

Hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định được quy định tại Điều 41 BLHS năm 2015, theo đó: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hộiThời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo”.
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tại khoản 6, Điều 260, BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy nếu người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ bị kết án với hình phạt tù có thời hạn nếu bị áp dụng hình phạt bổ sung thì thời hạn được tính từ khi chấp hành xong bản án; Nếu bị kết án là án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền áp dụng hình phạt bổ sung thì thời hạn cấm hành nghề, làm công việc lái xe được tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Trước tình trạng một số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả lớn do người điều khiển xe ô tô sử dụng bia rượu, sử dụng ma túy nên đã có một số ý kiến cho rằng phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những người này hoặc xử lý hình sự đối với người sử dụng bia rượu khi điều khiển xe ô tô. Để các đề xuất trên thành quy định của pháp luật cần phải có nghiên cứu chuyên sâu và đánh giá tác động khi luật hóa các hành vi trên các phương diện lý luận cũng như thực tiễn, do đó cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá.
Qua nghiên cứu các điều kiện quy định về người điều khiển phương tiện giao thông thấy rằng tại Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008 về điều kiện của người lái xe ô tô không có quy định nào là đang chấp hành bản án của Tòa án thì không được điều khiển xe ô tô.
Bên cạnh đó theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/04/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cũng không có quy định là người đang chấp hành bản án của Tòa án thì không được đổi giấy phép lái xe( ), chỉ có quy định nâng hạng giấy phép lái xe phải kê khai số km an toàn.
Do đó người đang chấp hành bản án nếu Tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc lái xe thì người đó hoàn toàn đủ điều kiện để điều khiển xe ô tô và được đổi giấy phép lái xe ôtô khi đến hạn.
Qua nghiên cứu một số vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thấy rằng việc áp dụng hình phạt bổ sung này còn tùy nghi, chưa tương xứng với tính chất mức độ phạm tội, trong một số trường hợp thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe còn ngắn hơn thời hạn vi phạm hành chínhtrong lĩnh vực giao thông đường bộ, được thể hiện qua một số vụ án sau.

2. Một số trường hợp cụ thể

2.1.Thời gian tạm giữ giấy phép lái xe trong vụ án ngắn hơn thời gian tước giấy phép lái xe trong vi phạm hành chính.
Thời gian tước giấy phép lái xe theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thời gian tước giấy phép lái xe ô tô cao nhất từ 04- 06 tháng đối với hành vi: Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
– Từ 22 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Qua nghiên cứu một số vụ án có liên quan nhận thấy sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Theo Bản án số 11/2019/HS-ST ngày 28/02/2019 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: Khoảng 7 giờ 50 phút ngày 15/11/2018 tại km 978+400m đường mòn Hồ Chí Minh thuộc tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đỗ Đức Đ có giấy phép lái xe hạng C, A1 điều khiển xe ô tô tải mang BKS 73C-033.24 theo hướng Đồng Hới – Phong Nha nhưng không tuân thủ các qui định về luật giao thông đường bộ, thiếu quan sát nên khi tránh va chạm với 01 xe ô tô ngược chiều (Không xác định được) đã đánh lái về phía phải quá mức làm cho xe ô tô bị cáo điều khiển có nguy cơ rơi xuống rảnh thoát nước ven đường, nên bị cáo giật mình và đánh lái về phía bên trái đột ngột để điều khiển xe ô tô đi vào phần mặt đường nhưng đã bị mất tay lái và lao qua phần đường của xe ngược chiều và đâm vào xe mô tô mang BKS 73F1-339.56 làm anh Nguyễn Văn N và ông Nguyễn Văn Nh tử vong tại chỗ.
Sau khi vi phạm, bị cáo luôn tỏ rõ sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, kịp thời khắc phục thiệt hại về vật chất và tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại và được gia đình bị hại có đơn yêu cầu đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án xử phạt: Đỗ Đức Đ 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Về hình phạt bổ sung Hội đồng xét xử nhận định: Xét thấy bị cáo với nghề nghiệp là lái xe, nên công việc này là nguồn thu nhập chính để bị cáo sinh sống, phụ giúp gia đình cũng như nuôi 02 con đang còn nhỏ. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy chưa cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với bị cáo. Trả lại 01 giấy phép lái xe hạng A1, C.
Như vậy vụ tai nạn làm chết 02 người, nhưng thời gian tạm giữ giấy phép lái xe từ 15/11/2018 đến 28/02/2019 chỉ là 3 tháng 15 ngày, không áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề thì liệu đủ sức giáo dục và răm đe đối với những người khác và có tác dụng ngăn ngừa tội phạm này.
Bản án số 07/2019/HS-ST ngày 11/03/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh: Khoảng 17 giờ 40 phút ngày 04/12/2018, bị cáo Lê Hoàng A điều khiển xe ô tô khách biển số 70B-011.66 chở công nhân từ hướng xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh đến xã G, huyện T, tỉnh Tây Ninh.
Khi đến đoạn đường huyện 7 thuộc ấp P, xã T thì bị cáo Lê Hoàng A điều khiển xe chạy lấn sang lề đường bên trái hướng đi gây tai nạn với xe mô tô không biển số do ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963, ngụ ấp p P, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh điều khiển theo hướng ngược lại, hậu quả làm ông Đ tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Ngày 11/3/2019, Hội đồng xét xử tuyên Bị cáo Lê Hoàng A phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Xử phạt Bị cáo Lê Hoàng A 01 năm 6 tháng (Một năm sáu tháng) tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 03 năm, được tính từ ngày tuyên án. Trả cho bị cáo Lê Hoàng A một giấy phép lái xe hạng E mang tên Lê Hoàng A.
Như vậy thời gian tạm giữ giấy phép lái xe trong vụ án này từ ngày 04/12/2018 đến ngày 11/3/2019 chỉ hơn 3 tháng.

Một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng – Ảnh: tc gt
Một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng – Ảnh: tc gt

2.2.Vụ án có áp dụng hình phạt bổ sung
Theo bản án số 166/2018/HSST ngày 07/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh: Nguyễn Văn H có giấy phép lái xe ô tô hạng B2. Khoảng 11 giờ ngày 20/5/20218, H điều khiển xe ô tô tải, nhãn hiệu Huyndai, loại 3,5 tấn, BKS 99C-028. đi trên đường 295, hướng thị trấn Chờ – huyện Yên Phong đi thị xã Từ Sơn. Khi đi đến đoạn đường thuộc địa phận thôn Ng, thị trấn C, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thì H điều khiển cho xe đi sang làn đường bên trái theo chiều đi (phần đường dành cho xe đi từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ) để vượt xe ô tô tải đi cùng chiều nên đã va chạm với xe mô tô BKS 98N8-2920 do anh Trương Đức T điều khiển chở sau anh Phạm Văn P và Trương Anh D đi ngược chiều.
Hậu quả làm anh Phạm Văn P và anh Trương Đức T tử vong tại chỗ, anh Trương Anh D bị thương. Thiệt hại tài sản đối với ô tô BKS 99C-028.81 do H điều khiển là 71.282.000đ.
Sau khi phạm tội bị cáo ra đầu thú, tích cực cùng gia đình bồi thường khắc phục hậu quả toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của những người bị hại và đại diện hợp pháp cho người bị hại. Những người bị hại, đại diện hợp pháp cho gia đình người bị hại đã chấp nhận mức bồi thường và cùng có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Xử phạt: Nguyễn Văn H 20 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Cấm bị cáo hành nghề lái xe một năm kể từ ngày tiếp theo của ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Đây là một bản án khá nghiêm khắc về hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung.
Trái lại, theo bản án số 11/2019/HS-ST ngày 28/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 14/9/2018 tại ngã tư đường liên thôn thuộc địa phận Thôn N, xã V, huyện N, tỉnh Hải Dương.
Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử: Cấm bị cáo hành nghề lái xe 01 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
Hội đồng xét xử nhận định: Xét thấy bị cáo là lao động chính, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và chỉ có nghề nghiệp chính là lái xe, người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Vì vậy, không áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề đối với bị cáo theo khoản 5 Điều 260 của Bộ luật Hình sự.
2.3. Hậu quả đã được báo trước
Theo bản án số 199/2013/HSST ngày 26/7/2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Khoảng 17 giờ ngày 19/11/2012 Nguyễn Minh Th có giấy phép lái xe hợp lệ điều khiển xe ô tô BKS: 36C – 005 39 đi trên đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa theo hướng Bắc Nam, khi đi đến đoạn đường trước nhà nghỉ Hoa Lan đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa do phần đường bên phải xấu có nhiều ổ gà nên Th điều khiển xe ô tô lấn sang phần đường bên trái, cùng lúc đó Th phát hiện xe mô tô BKS 36B2 34801 do anh L. Q. L ở xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa đang chạy ngược chiều. Th trả lái sang phần đường bên phải nhưng do khoảng cách quá gần nên đã đâm vào xe mô tô gây tai nạn. Hậu quả: Anh L chết tại chỗ.
Ngày 26/7/2013 Hội đồng xét xử tuyên Nguyễn Minh Th phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” theo khoản 1, Điều 202, xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng từ ngày tuyên án.
– Giấy phép lái xe hạng C số AQ 673883 của Nguyễn Minh Th có giá trị đến ngày 07/12/2013. Ngày 25/10/2013 Nguyễn Minh Th có đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe hạng C và đến ngày 27/10/2013 được Sở giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép lái xe số 380109383373. (xin đổi và được cấp trong thời gian chấp hành bản án).
Hơn 3 năm 6 tháng sau Nguyễn Minh Thtiếp tục gây ra vụ án thứ hai.
Khoảng 09 giờ 30 phút ngày 23/6/2016 Nguyễn Minh Th, điều khiển xe ôtô biển kiểm soát: 36C-11xxx theo hướng từ huyện Yên Lâm đi thành phố Thanh Hóa trên Quốc lộ 45 khi đến Km 65+300 thuộc địa phận xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã để phía trước đầu xe ôtô biển kiểm soát: 36C – 11xxx đâm vào phía sau xe môtô biển kiểm soát: 36N – 88.xxx do anh Đ. T. T điều khiển đi phía trước cùng chiều, phía sau chở chị H. T. N.
Hậu quả: chị N tử vong, anh Đ. T. T bị thương, hai phương tiện hư hỏng.
Ngày 10/10/2016 Viện kiểm sát đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án do đủ điều kiện áp dụng quy định miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3, Điều 29, Bộ luật hình sự năm 2015 (Theo hướng dẫn của Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội) và trao trả giấy phép lái xe ôtô hạng C cho Th.
Vụ án thứ 2 thời gian tạm giữ giấy phép lái xe chưa đến 4 tháng.
Như vậy sau khi gây ra vụ án thứ nhất (tháng 11/2012) làm một người thiệt mạng hơn 3 năm 6 tháng (tháng 6/2016) sau Th lại tiếp tục gây ra vụ án thứ hai làm một người tử vong. Nếu như Hội đồng xét xử áp dụng nghiêm khắc quy định về hình phạt bổ sung hoặc quy định không được đổi giấy phép lái xe trong thời gian chấp hành bản án thì có thể ngăn ngừa được vụ án thứ hai.

3. Hướng hoàn thiện

Về người đang chấp hành án được điều khiển xe ô tô, đổi giấy phép lái xe, chúng tôi cho rằng, những người này vừa có hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, do đó có hạn chế nhất định về kỹ năng điều khiển xe ô tô cũng như ý thức chấp hành pháp luật về tham gia giao thông.
Vì vậy những người này được phép tiếp tục điều khiển xe ô tô cũng như cấp lại giấy phép lái xe ô tô mà không qua đào tạo thì kỹ năng điều khiển xe ô tô lại cũng như ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông chưa khắc phục, những điều kiện, nguyên nhân chưa được loại trừ có khả năng sẽ gây ra những vụ tai nạn giao thông tiếp theo là rất lớn.
Do đó những người này cần phải học lại để bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống tham gia giao thông trên đường cũng như kiến thức pháp luật có liên quan.
Đối với việc áp dụng hình phạt bổ sung trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nhận thấy một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Một số hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung bởi vì lý do hoàn cảnh gia đình, nuôi con nhỏ, mẹ già, lao động chính…. Như vậy lý do thuộc về yếu tố chủ quan của người phạm tội mà không phải do diễn biến phức tạp của loại tội phạm này dụng. Trong khi đó mục đích cơ bản của hình phạt bổ sung là phòng ngừa tội phạm, hạn chế hoặc loại trừ các điều kiện phạm tội.
Thứ hai: Những vụ án không áp dụng hình phạt bổ sung thì sau khi trao trả giấy phép lái xe, người đó có thể tiếp tục điều khiển ngay. Trong một số ví dụ như trên thời gian tạm giữ giấy phép lái xe còn ngắn hơn thời gian tước giấy phép lái xe trong vi phạm hành chính, đặc biệt có trường hợp người phạm tội được cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy trên một phương diện nào đó chế tài hình sự nhẹ hơn chế tài hành chính, không có tác dụng trong việc cải tạo, giáo dục đối với người phạm tội và những người khác.
Thứ ba: Cấm hành nghề là hình phạt bổ sung có thể nói là có tính trừng trị nghiêm khắc cao nên hội đồng xét xử có cân nhắc kỹ nên rất ít được áp dụng đối với người phạm tội bị tuyên các hình phạt không phải hình phạt phạt tù có thời hạn. Thường được áp dụng đối với các bản án có hình phạt tù có thời hạn.
Thứ tư: Trong giai đoạn hiện nay xảy ra một số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng do người điều khiển xe ô tô sử dụng rượu bia, chất ma túy. Do đó cần phải áp dụng đồng loạt hình phạt bổ sung để tăng cường giáo dục răn đe và góp phần giảm các vụ tai nạn giao thông.
Với các đề xuất mới nhằm sửa đổi quy định của pháp luật có liên quan để hạn chế trình trạng giao thông thì cần có thời gian để nghiên cứu và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do đó thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn về áp dụng hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 6, Điều 260, BLHS năm 2015 để áp dụng thống nhất, không để áp dụng có tính chất tùy nghi, chủ quan của Hội đồng xét xử như hiện nay. (Như trước đây TANDTC ban hành nghị quyết hướng dẫn áp không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án.
Đối với các trường hợp như sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích gây tai nạn hoặc gây chết 2 người trở lên hoặc hành vi phạm tội vào Khoản 2 Điều 260 thì bắt buộc phải áp dụng hình phạt bổ sung để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng gây hậu quả rất lớn và diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bên cạnh đó nếu quá trình giải quyết vụ án nhanh với thời gian ngắn thì cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung để đảm bảo thời gian tạm giữ giấy phép lái xe phải dài hơn thời gian tước giấy phép lái xe vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
– Bộ Giao thông Vận tải cần sửa đổi thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo hướng những người đang chấp hành bán án của tòa án về tội vi phạm về tham gia giao thông đường bộ thì không được đổi giấy phép lái xe; yêu cầu trong hồ sơ có bảng kê khai số km an toàn khi đổi lại, cấp lại giấy phép lái xe./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

024 3755 8809