Xăm hình có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

(Ảnh minh hoa - Nguồn: Internet)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Pháp luật quy định, trong trường hợp mắc một số bệnh nhất định và trong những trường hợp đặc biệt khác, công dân được miễn nghĩa vụ quân sự. Vậy, việc miễn nghĩa vụ quân sự có áp dụng đối với những công dân có hình xăm trên cơ thể?

Đã từng không gọi nhập ngũ với người có hình xăm kỳ quái

Trước đây, việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm được áp dụng theo Thông tư 167/2010/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Theo đó, Thông tư này quy định không gọi nhập ngũ vào Quân đội với những người xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 dưới đùi trở xuống).

Những người có hình xăm như trên đứng trong hàng ngũ của quân đội được cho là gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết, tác phong của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, Bộ Quốc phòng đã quy định cụ thể về việc những người có hình xăm kỳ quái, lộ diện sẽ không được gọi nhập ngũ. Thế nhưng chính quy định này lại bị nhiều người lợi dụng để “trốn” nghĩa vụ quân sự.

Nay, không còn loại trừ những người có hình xăm

Hiện nay, Thông tư 167 nêu trên đã hết hiệu lực và liên tiếp được thay thế bằng Thông tư 140/2015/TT-BQP và mới đây nhất là Thông tư 148/2018/TT-BQP (có hiệu lực từ ngày 20/11/2018). Theo đó, văn bản hiện hành không còn đề cập đến việc không gọi nhập ngũ với những người có hình xăm trên cơ thể. Như vậy có thể hiểu, hiện nay, những người có hình xăm sẽ không còn được loại trừ nghĩa vụ quân sự.

Sự điều chỉnh nêu trên được cho là phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng công dân cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể để trốn tránh nghĩa vụ quân sự vốn đã từng xảy ra khá phổ biến ở một số địa phương.

Tuy nhiên, việc công dân có hình xăm phản cảm vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, lễ tiết quân đội. Do đó, trong quá trình khám nghĩa vụ quân sự, các cơ quan liên quan được yêu cầu cần thực hiện nhiều biện pháp để đánh giá kỹ lưỡng về tính chất, mức độ của hình xăm để phân loại.

Đồng thời, các địa phương cũng cần có biện pháp để vận động, khuyến khích công dân xóa bỏ hình xăm trước khi khám nghĩa vụ quân sự, cũng như có hướng xử lý đối với những công dân cố tình lợi dụng hình xăm để trốn nhập ngũ.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.