Vướng mắc trong bắt người phạm tội quả tang

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt một người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc đang bị truy đuổi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có vướng mắc là trong trường hợp nào thì lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, trường hợp nào thi lập biên bản vi phạm hành chính.

 

Bắt người phạm tội quả tang là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (gọi tắt là BLTTHS). Từ lý luận và thực tiễn cho thấy cần có văn bản hướng dẫn bắt người phạm tội quả tang để đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật một cách chính xác, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

 

Điều 111 BLTTHS quy định bắt người phạm tội quả tang như sau:

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Như vậy, có thể hiểu rằng, một người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc đang bị truy đuổi thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng còn chưa thống nhất. Tác giả đưa ra một số vụ việc cụ thể:

 

Ví dụ 1: Ngày 15/3/2018, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A đi tuần tra khu vực biên giới thì phát hiện Nguyễn Văn B đang có hành vi điều khiển xe mô tô do trộm cắp mà có mang sang Camphuchia để tiêu thụ thì bị Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng phát hiện bắt giữ. Qua khai thác, đối tượng Nguyễn Văn B khai nhận chiếc xe mô tô này do B quen biết với một người chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ mua lại của một người trộm cắp, nên thuê B mang xe sang Camphuchia để bán và thỏa thuận cứ mỗi chiến xe mô tô B bán được hưởng 1.000.000 đồng tiền công, B mang chiếc xe này là lần thứ hai. Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính tạm giữ B và vật chứng.

Ví dụ 2:  Ngày 18/4/2018, Đội điều tra hình sự Công an huyện N nhận được tin báo tại nhà Nguyễn Văn A có khoảng 08 người đang đánh bạc ăn thua bằng tiền. Hình thức chơi là đánh bài loại tài xỉu. Sau khi nhận được tin báo, Đội điều tra hình sự Công an huyện N đột nhập vào nhà A phát hiện và lập biên bản phạm tội quả tang tại sòng bạc gồm 08 người chơi. Vật chứng thu giữ tại chiếu bạc gồm: Toàn bộ dụng cụ dùng để đánh bạc và số tiền thu giữ được tại chiếu bạc là 4.500.000 đồng.

 

Qua hai ví dụ nêu trên, hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ở ví dụ 1, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng lập biên bản vi hạm hành chính đối với B là hoàn tàn đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Còn ở ví dụ thứ 2 thì Đội điều tra hình sự Công an huyện N lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là không đúng mà phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì số tiền thu giữ tại chiếu bạc dưới 5.000.000 đồng thì đây là vụ việc vi phạm hành chính.

Quan điểm thư hai cho rằng: Ở ví dụ 1, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng phải lập vi biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với B. Bởi vì, hành vi phạm tội của B đang trên đường mang xe mô tô do người khác phạm tội mà có đi tiêu thụ có dấu hiệu của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có nghĩa là B đang thực hiện tội phạmĐối với ví dụ thứ 2 thì Đội điều tra hình sự Công an huyện N lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là đúng. Bởi vì, tại chiếu bạc thu giữ được số tiền 4.500.000 đồng. Tuy số tiền đánh bạc dưới 5.000.000 đồng chưa đủ định lượng để xử lý hình sự về tội đánh bạc. Nhưng tại Điều 321 BLHS năm 2015 quy định tội đánh bạc tuy dưới 5.000.000 đồng nhưng cấu thành cơ bản quy định đã bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc thì phải xử lý hình sự.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Tại khoản 1 Điều 111 BLTTHS quy định: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Như vậy, điều luật quy định bắt người phạm tội quả tang là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyết bắt. Do vậy, ở ví dụ 1 thì Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng đi tuần tra phát hiện Nguyễn Văn B đang có hành vi điều khiển xe mô tô trong khu vực biên giới đã vi phạm quy chế về khu vực biên giới nên Tổ tuần tra có quyền yêu cầu B dừng xe để kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô. Nhưng qua kiểm tra thì phát hiện B có hành vi mang xe mô tô do trộm cắp mà có sang Camphuchia để tiêu thụ. Hành vi của B đang thực hiện tội phạm nên Tổ tuần tra Đồn Biên phòng phải lập biên bản phạm tội quả tang tạm giữ người cùng vật chứng. Sau đó, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của BLTTHS là đúng quy định. Bởi vì khi phát hiện B có dấu hiệu của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nếu Tổ tuần tra Đồn Biên phòng lập biên bản vi phạm hành chính thì phải làm thủ tục chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính cho cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý hình sự làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Đối với ở ví dụ thứ hai 2 thì khi Đội điều tra hình sự Công an huyện N phát hiện tại nhà C đang có hành vi đánh bạc, ngay lúc ban đầu lập biên bản bắt người phạm tội quả tang tuy tại chiếu bạc thu giữ 4.500.000 đồng. Nhưng chưa thể xác định ngay hành vi của các đối tượng đánh bạc có phạm tội hay không. Bởi Điều 321 BLHS năm 2015 quy định tội “Đánh bạc” cấu thành cơ bản đó là tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Do vậy, sau khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang không phải mọi trường hợp bắt người phạm tội quả tang đều bị xử lý hình sự. Khi bắt giữ người phạm tội quả tang thì không thể xác định ngay là người bị bắt có phạm tội hay không mà phải qua quá trình điều tra mới chứng minh được hành vi của người bị bắt phạm tội hoặc không phạm tội mà phải xác định, phân loại ban đầu số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có đủ trên 5.000.000 đồng hoặc ngươi đánh bạc đã bị xử lý hành chính hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hay chưa?. Để từ đó có căn cứ ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do. Nếu mà lập biên bản vi phạm hành chính thì Cơ quan điều tra buộc phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục thụ lý, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm để có căn cứ xác định hành vi đánh bạc của các đối tượng nêu trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không? từ đó mới có căn cứ ra quyến định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đúng điểm b khoản 1 Điều 147 BLTTHS.

Từ những vướng mắc nêu trên, để áp dụng pháp luật được thống nhất tránh trường hợp làm oan, sai người không phạm tội  bỏ lọt tội phạm, thiết nghĩ, Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn Điều 111 BLTTHS để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thống nhất trong trường hợp nào thì lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, trường hợp nào thi lập biên bản vi phạm hành chính./.

 

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.