Vụ án mạng nghiêm trọng: Kẻ thủ ác có đồng phạm giúp sức?

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Năm 2014, một vụ án mạng nghiêm trọng với hành vi cố ý giết người của hung thủ nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội ban đầu chỉ khởi tố bị can tội cố ý gây thương tích?.

Uẩn khúc những vết thươngKhoảng 18g ngày 11/5/2014, anh Nguyễn Văn Tấn, SN 1975, thôn Tân Mỹ, xã Thụy Hương, Chương Mỹ – Hà Nội, đi hát karaoke và uống bia cùng với nhóm bạn của mình. Trong cuộc vui này có Ngô Văn Triều, SN 1982 và Phạm Văn Tuấn, SN 1979, Nguyễn Văn Vân, SN 1975, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Bá Long và 4 sinh viên trường Đại học Lao động xã hội là Quách Trà My, Nguyễn Thị Kiều Loan, Vũ Thị Quỳnh Anh và Thế Thị Hương tại quán cà phê, khu Tiên Sơn, thị trấn Trúc Sơn, Chương Mỹ do anh Lê Anh Trung làm chủ. Tại đây giữa anh Tấn và Triều nảy sinh mâu thuẫn. Khi tới quầy lễ tân, anh Tấn đã dùng điếu cày vụt trúng tay trái của Triều. Thấy thế anh Trung lao vào ôm Triều với mục đích can hai bên nhưng cũng bị anh Tấn vụt điếu vào tay trái.

Bực tức vì bị đánh nên Triều dùng hai tay cầm chiếc ghế sắt vung lên vụt nhiều nhát vào vùng sườn trái, ngực phải, mắt trái và vùng đầu khiến anh Tấn ngã ngửa xuống nền nhà. Thấy vậy, Triều cùng mọi người đưa anh Tấn đi cấp cứu tại Bệnh viện Chúc Sơn, rồi quân y viện 103 nhưng do thương tích nặng nên gia đình đã đưa anh về. Ngày 12/5/2014, anh Tấn tử vong tại nhà.

Ngày 7/9/2015, tại trụ sở TAND TP Hà Nội đã diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Ngô Văn Triều. Tại phiên tòa này khá nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt là các vết thương xuất hiện trên người anh Tấn.

Luật sư Hoàng Văn Doãn – Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật Hoàng Hưng, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại thì tại Công văn số 6615, ngày 21/10/2014 được Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội gửi tới Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Chương Mỹ có đề cập đến việc ngoài các vết thương nói trên thì nạn nhân Tấn còn có vết thương: “ gãy cung gò má trái”. Nhưng tại phần kết luận cơ chế hình thành thương tích trên cơ thể Nguyễn Văn Tấn của Viện pháp y Quốc gia lại không đề cập đến vết thương này. Trong khi các cơ quan chuyên môn như Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội, Viện khoa học hình sự, Bộ công an và Viện pháp y Quốc gia đều đưa ra quan điểm: “ Không đủ cơ sở xác định thương tích vùng đỉnh- chẩm trái của anh Tấn do bị đánh bằng ghế hay do ngã đập đầu xuống nền nhà”  thì các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này, lại có quan điểm ngược, khẳng định “Triều dùng ghế vụt anh Tấn nhiều nhát khiến anh ngã ngửa xuống nền nhà gây vỡ xương sọ dẫn đến tử vong”. Kết luận này đi ngược với nghi vấn của gia đình bị hại, rằng ngoài Triều ra còn có người khác tham gia đánh anh Tấn.

 

1
 Quán Karaoke nơi dẫn đến cái chết của anh Tấn.

Lời khai của Triều trước cơ quan điều tra cũng mâu thuẫn khi cho rằng mình: “say rượu nên chỉ nhớ đã dùng ghế vụt anh Tấn một nhát vào vùng sườn và đầu. Sau đó có vụt nữa hay không thì không nhớ…”. Trên thực tế, trong bản án cho thấy cả nhóm sau hai lần nhậu chỉ dùng bia chứ không dùng rượu. Triều sau khi thấy anh Tấn ngã còn cùng mọi người đưa anh đi viện cấp cứu nên rất khó thuyết phục khi cho anh ta bị say rượu không nhớ được hết các hành động của mình nên không thể cho rằng anh ta có lời khai trung thực. Chưa hết, trong bản án Triều khai rằng anh ta nhìn thấy: “ mọi người khiêng anh Tấn từ quán ra xe ô tô cấp cứu, do anh Tấn nặng nên bị tuột tay đánh rơi anh Tấn xuống đất một lần”. Viện dẫn ra điều này để thấy rằng nếu Triều quá say thì làm sao anh ta thấy và nhớ được cảnh mọi người khiêng anh Tấn?. Đương nhiên lời khai không trung thực này đã bị cơ quan tố tụng bác bỏ.

Có đồng phạm giúp sức hay không?

Ngày 18-6-2014, Thiếu tá Trần Trí Dũng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ đã gửi Thông báo số 261/TB-CQĐT tới chị Nguyễn Thị Châm, vợ nạn nhân cho biết thủ phạm gây ra cái chết của anh Tấn là Ngô Văn Triều. Công an huyện Chương Mỹ cũng ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Triều về tội: “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 3, điều 104 Bộ luật hình sự. Sau đó, chị Châm đã có đơn khiếu nại đề nghị Cơ quan CSĐT làm rõ ngoài Triều ra còn có đối tượng nào khác tham gia giết chồng mình không. Chị cũng cho rằng cần phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án từ tội: “ Cố ý gây thương tích” sang tội: “ Giết người”.

Ngày 28-10-2014, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ đã gửi tới chị Châm Thông báo số 80/TB-CQĐT: “ Về kết quả giải quyết đơn khiếu nại” do Đại tá Lê Đình Sức, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký. Nội dung vẫn khẳng định chỉ có Nguyễn Văn Triều là thủ phạm duy nhất, tội danh: “ Cố ý gây thương tích” áp dụng cho Triều là đúng người, đúng tội.

Nếu chỉ đọc 3 trang Thông báo số 80 sẽ thấy vụ việc hết sức đơn giản nhưng khi nó được đối chiếu với hàng loạt tình tiết được nêu trong Bản án số 322/2015/HSST, ngày 7-9-2015 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội mới thấy có rất nhiều điều cần phải được làm rõ. Trong khi Triều và Tấn đánh nhau thì Thông báo chỉ đề cập đến người chứng kiến và can ngăn hai người là anh Trung, chủ quán, còn các nhân chứng khác đều không chứng kiến cụ thể sự việc. Chẳng hạn: “ Long đứng dậy xin phép ( Tân, Triều) về và đi ra chỗ xe máy. Vân, Trà My, Hương đi lên ra nơi để xe ở cửa quán chuẩn bị đi về. Quỳnh Anh, Loan đi từ tầng hầm lên chỗ cầu thang, còn Thành đi vệ sinh dưới tầng hầm”. Những viện dẫn này đang hướng tới một mục đích là chỉ có Triều là kẻ phạm tội duy nhất còn các nhân chứng khác vô can.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự ngày 7/9/2015 diễn ra tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Bản án số 322/2015/HSST lại thể hiện một sự thật khác rằng các nhân chứng Nguyễn Văn Vân, Thế Thị Hương và Quách Thị Trà My đều  khai có nhìn thấy anh Tấn và Triều đánh nhau. Triều cầm ghế vụt anh Tấn nhưng vụt bao nhiêu lần thì không nhớ. Sự trung thực của những lời khai này đến đâu cũng cần được làm rõ bởi đã thấy rõ hai người đang đánh nhau thì không bao giờ có những đặc tả mơ hồ như trên. Đặc biệt, nhân chứng Vân còn thấy Tấn bị Triều đánh ngã ngửa xuống nền nhà, nghĩa là vị trí quan sát rất gần.

Các nhân chứng Quỳnh Anh và Loan đi từ tầng hầm lên chỗ cầu thang, nghĩa là sẽ phải chứng kiến được việc đánh nhau giữa anh Tấn và Triều những lại không thấy nhắc tới trong Thông báo của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ. Chưa hết, Thông báo số 80 chỉ tả sơ sài Triều cầm ghế sắt có 4 chân sắt vung lên vụt một cái vào sườn, một cái vào vùng đầu anh Tấn khiến anh bị ngã ngửa: “ Kết quả khám nghiệm tử thi, xác định anh Tấn bị chấn thương gây vỡ hộp sọ dẫn đến tử vong”.

Buổi chiều, nhân chứng Nguyễn Văn Vân không có mặt do vậy các luật sư không thể đặt câu hỏi đối với các nhân chứng để làm rõ sự thật khách quan tại phiên tòa. Một vụ án giết người nghiêm trọng, rất cần lời khai của tất cả các nhân chứng nhưng không hiểu vì lý do gì mà HĐXX lại dễ dàng bỏ qua. Thậm chí, ngay cả trong bản án cũng không thể hiện rõ các cơ quan tố tụng đã làm việc với các nhân chứng ra sao. Chính vì vậy mà luật sư Hoàng Văn Doãn cho rằng việc gia đình bị hại đưa ra nghi vấn nhân chứng bị các cơ quan tố tụng bỏ lọt là có căn cứ.

Theo luật sư Doãn, xô xát giữa Triều và Tấn xảy ra vào chiều tối ngày 11/5, tại quán Trung Thu thì ngay tối đó Cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ đã tới thu vật chứng là chiếc ghế được cho là Triều dùng để đánh anh Tấn. Chiếc ghế tang vật do anh Trung, chủ quán cung cấp chứ không xuất phát từ công tác khám nghiệm hiện trường và nó cũng không được cơ quan điều tra thu thập xem xét giám định cụ thể, xem điểm va chạm nào của chiếc ghế đã tác động vào các vết thương gây ra cho nạn nhân. Đúng ra việc bảo vệ hiện trường phải được thực hiện tốt ngay từ thời điểm tối 11/5, nhưng phải đến ngày 13/5 (như trong bản án số đề cập) Cơ quan CSĐT mới tiến hành khám nghiệm hiện trường và đi tới kết luận hiện trường bị xáo trộn.

Cũng theo luật sư Doãn, ngày 13/1/2015, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ đã có thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thay đổi tội danh của Triều từ: “ Cố ý gây thương tích” sang: “ Giết người”, quy định tại Điều 93 BLHS. Câu hỏi đặt ra ở đây, vì sao trong năm 2014 Công an huyện Chương Mỹ liên tiếp ra Thông báo gửi tới vợ nạn nhân việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can Ngô Văn Triều tội danh: “ Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật?. Liệu những khẳng định này có phản ánh giai đoạn điều tra ngay từ ban đầu hết sức lỏng lẻo?.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Châm cho biết, anh Tấn lúc còn sống là trụ cột trong gia đình vừa gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già, vừa lo kinh phí nuôi hai con ăn học. Gia đình chị đã có đơn đề nghị tòa án yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm với cha mẹ và con cái của anh Tấn. Thế nhưng HĐXX không chấp nhận.

Với một loạt uẩn khúc nói trên, luật sư bảo vệ quyền lợi ích cho người đại diện cho bị hại đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều  tra bổ xung làm rõ, nhưng HĐXX đã không xem xét. Tại bản án số 322/2015/HSST, TAND TP. Hà Nội quyết định : “ Hành vi của bị cáo Triều là gây nguy hiểm cho xã hội…Xử phạt bị cáo Ngô Văn Triều 16 năm tù về tội “ Giết người” . Đây cũng là lý do để chị Châm làm đơn kháng cáo tới tòa phúc thẩm mong cái chết của chồng mình được làm rõ.

Nguồn: http://baobaovephapluat.vn/ong-kinh-kiem-sat/ky-su-phap-dinh/201608/vu-an-giet-nguoi-tai-huyen-chuong-my-ha-noi-ke-thu-ac-co-dong-pham-giup-suc-2505390/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.