Thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính

Lập Biên bản vi phạm hành chính

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Theo quy định của Luật, việc xử phạt vi phạm hành chính phải tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bao gồm nhiều khâu (bước) khác nhau: Phát hiện hành vi vi phạm hành chính và buộc chấm dứt hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… (trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục không lập biên bản hay còn gọi là thủ tục đơn giản, áp dụng đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức[1]). Lập biên bản vi phạm hành chính là một trong những khâu trong quá trình xử phạt có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Có thể nói, đây là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bởi vì, nếu không lập biên bản để ghi nhận, xác định hành vi vi phạm hành chính thì sẽ không có căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 68 Luật XLVPHC thì trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải có nội dung liên quan đến biên bản vi phạm hành chính:

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung chính sau đây:

… c) Biên bản vi phạm hành chính…

Kết quả hình ảnh cho lập Biên bản vi phạm hành chính

Theo mẫu quyết định số 02 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (MQĐ 02) ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì tại phần căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải có biên bản vi phạm hành chính.

Việc lập biên bản vi phạm hành chính nếu không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền pháp luật quy định sẽ dẫn đến hậu quả là quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành trái quy định pháp luật vì vi phạm trình tự, thủ tục. Đây cũng là một trong những sai sót thường gặp trong quá trình áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính[2].

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, làm rõ các nội dung pháp lý liên quan đến thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính hợp pháp của việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan. Trên cơ sở nghiên cứu, tác giả cũng chỉ ra một số bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời, kiến nghị, đề xuất hướng xử lý nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về vấn đề này.

1. Những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1.1. Việc quy định các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Điều 4 Luật XLVPHC quy định: “Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm: “người có thẩm quyền xử phạt, công chứcviên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dânCông an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản”.

Theo quy định nêu trên thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm 02 loại chủ thể sau đây:

Thứ nhất, là những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC).

Thứ hai, là những người không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng được pháp luật trao quyền lập biên bản vi phạm hành chính, gồm: (i) Công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; (ii) người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Đoạn 2 khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) cũng quy định: “Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước”. Quy định này được hiểu là, Chính phủ quy định cụ thể từng chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, tuy nhiên, các chức danh này phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP): Phải là công chức, viên chức hoặc người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ. Việc quy định rõ chức danh có thẩm quyền lập biên bản có ý nghĩa rất quan trọng để tránh sự lạm dụng, tùy tiện của các lực lượng chức năng khi tham gia xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, không giống như các chức danh có thẩm quyền xử phạt (tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51), Luật XLVPHC không quy định liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vì trong thực tiễn, lực lượng này rất đông đảo do xử phạt vi phạm hành chính diễn ra trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau. Để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước, tại Điều 4 của Luật XLVPHC, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, một số nghị định của Chính phủ[3] chưa có quy định liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xác định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính[4], ví dụ như:

– Điều 101 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định: “Các chức danh nêu tại các điều 95, 96, 97, 98, 99 và 100 Nghị định này, công chức, viên chức đang thi hành công vụ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định”.

– Điều 94 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định:

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm:

1. Người có thẩm quyền xử phạt.

2. Công chức, viên chức thuộc ngành y tế, bảo hiểm xã hội đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao…

Trong thời gian tới đây, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành về vấn đề này:

Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế nêu trên nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế xác định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Thứ hai, yêu cầu Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định, Văn phòng Chính phủ trong quá trình thẩm tra trước khi trình Chính phủ thông qua các nghị định này cần lưu ý vấn đề quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

1.2. Việc lập biên bản vi phạm hành chính của một số chức danh cụ thể

a) Đối với chức danh Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành

Trong số các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành là chức danh duy nhất chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định (trong thời hạn thanh tra). Hết thời hạn thanh tra theo quy định pháp luật thì chức danh này không còn tồn tại. Do vậy, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính cũng như các vấn đề liên quan đến thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính của chức danh Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có nét đặc thù riêng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3a Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) thì: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại.

Trong nhiều trường hợp thực tế, thông thường, sau khi tiến hành việc thanh tra, Đoàn thanh tra chuyên ngành có kết luận thanh tra, trong đó có kết luận chính thức về việc vi phạm hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành mới lập biên bản đối với vụ việc vi phạm hành chính[5], lúc này, thời hạn thanh tra đã hết. Một ví dụ cụ thể: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Tư pháp tỉnh A thực hiện việc thanh tra hoạt động của tổ chức bán đấu giá tài sản. Thời hạn thanh tra là 10 ngày, kể từ ngày 01/8/2018. Tuy nhiên, đến ngày 22/8/2018, sau khi có kết luận thanh tra về hành vi vi phạm hành chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành mới lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức bán đấu giá tài sản. Việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra trong trường hợp này là không đúng thẩm quyền pháp luật quy định, việc này lẽ ra phải được thực hiện trong vòng 10 ngày của thời hạn thanh tra, nếu ngoài thời hạn thanh tra thì Đoàn thanh tra chuyên ngành phải chuyển vụ việc cho người có thẩm quyền xử lý. Lúc này, người có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cần ghi căn cứ “kết luận thanh tra” vào phần căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính.

b) Đối với chức danh Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành

Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc “thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 21 của Nghị định này”. Tuy nhiên, Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật không có quy định về việc Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành được lập biên bản vi phạm hành chính. Do vậy, trên thực tế, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì đoàn kiểm tra liên ngành cần tham mưu cho người đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

c) Việc lập biên bản vi phạm hành chính của cấp phó của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp được cấp trưởng giao quyền xử phạt vi phạm hành chính

Hiện nay, Luật XLVPHC không có quy định cụ thể về việc cấp phó của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp được cấp trưởng giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thì có được lập biên bản vi phạm hành chính hay không. Khoản 1 Điều 54 Luật XLVPHC chỉ quy định: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính[6]; không quy định cụ thể việc được giao quyền xử phạt thì đương nhiên được giao quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Do vậy, trong thực tế, cấp phó được cấp trưởng giao quyền xử phạt vi phạm hành chính rất bị động trong giải quyết công việc, đặc biệt là những trường hợp cấp phó được cấp trưởng giao quyền xử phạt thường xuyên.

Thiết nghĩ, vấn đề này cũng cần phải được lưu ý để sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC sắp tới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn[7].

2. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật XLVPHC thì: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng quy định: Những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (gồm những người có thẩm quyền xử phạt và những người không có thẩm quyền xử phạt) chỉ có quyền “lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao”. Ví dụ, người có thẩm quyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đang thi hành công vụ, nhiệm vụ thì có quyền lập biên bản vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai thì có quyền lập biên bản về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai… Quy định này nhằm khắc phục sự tuỳ tiện, lạm quyền của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, đồng thời cũng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tranh chấp về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng trong việc lập biên bản vi phạm hành chính. Mặt khác, chỉ những người có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình mới có điều kiện phát hiện và lập biên bản về vi phạm thuộc lĩnh vực mình phụ trách[8].

Tuy nhiên, đoạn 1 khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) lại quy định khác: “Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt” chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao. Quy định này dường như chỉ hạn chế quyền lập biên bản của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ mà họ được giao và điều này dẫn đến cách hiểu rằng: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời là các chức danh có thẩm quyền xử phạt sẽ đương nhiên được lập biên bản đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính, kể cả những hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ mà họ được giao[9].

Về vấn đề này, theo tác giả, cần đặt quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) trong mối liên hệ với với quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP). Toàn bộ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định về trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản (tức là chỉ đề cập đến thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính, trong đó vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản; không đề cập thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính mà trong đó không có hành vi vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử phạt của họ). Hay nói cách khác, chỉ trong vụ việc vi phạm có nhiều hành vi vi phạm, trong đó vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của chức danh có thẩm quyền xử phạt thì chức danh có thẩm quyền xử phạt mới được thực hiện việc lập biên bản đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong vụ việc đó. Do vậy, không thể mặc nhiên thừa nhận, trong mọi vụ việc vi phạm thì các chức danh có thẩm quyền xử phạt được lập biên bản đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính, kể cả những hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ mà họ được giao. Nếu trong vụ việc vi phạm không có bất kỳ hành vi vi phạm hành chính nào thuộc lĩnh vực quản lý của người có thẩm quyền lập biên bản phát hiện ra vụ việc thì người này không được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong vụ việc đó, việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm phải do người có thẩm quyền lập biên bản được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước thực hiện.

Trước khi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, đối với trường hợp vụ việc vi phạm trên thực tế khi được phát hiện có nhiều hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý khác nhau, người có thẩm quyền phát hiện ra vụ việc vi phạm thường rất lúng túng, không biết có được lập biên bản đối với tất cả các hành vi vi phạm không, hay chỉ lập biên bản về hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình? Ví dụ trường hợp Chiến sỹ Cảnh sát giao thông trong quá trình tiến hành tuần tra, kiểm soát giao thông phát hiện 01 xe ô tô chạy quá tốc độ quy định, khi dừng xe thì phát hiện trên xe chở số lượng lớn gỗ không có hồ sơ hợp pháp, không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Chiến sỹ Cảnh sát giao thông phát hiện ra vụ việc vi phạm có được lập biên bản đối với tất cả các hành vi vi phạm (hành vi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ và hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật) không, hay chỉ lập biên bản về hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình (hành vi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ)?

Quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) nhằm xử lý những vụ việc vi phạm trên thực tế khi được phát hiện có thể bao gồm nhiều hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý khác nhau (trong đó có hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của người lập biên bản). Theo đó, người có thẩm quyền lập biên bản phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến vụ việc để bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời” (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC), sau đó, biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC. Tuy nhiên, thẩm quyền lập biên bản đối với tất cả hành vi vi phạm trong trường hợp này chỉ được pháp luật trao cho người có thẩm quyền lập biên bản đồng thời là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) không trao thẩm quyền này cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Do đó, khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý những vụ việc vi phạm có nhiều hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý khác nhau vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Từ thực tế nêu trên, tác giả cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) theo hướng: (i) Quy định rõ, tất cả những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đều chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao (chứ không giới hạn chỉ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt như quy định hiện hành); (ii) mở rộng phạm vi điều chỉnh của đoạn 2 khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) bao gồm những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nói chung, cả người có thẩm quyền xử phạt và người không có thẩm quyền xử phạt đều được thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm trong một vụ việc mà họ phát hiện. Theo đó, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) có thể được sửa đổi như sau:

2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực quản lý hoặc thuộc lĩnh vực quản lý nhưng vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc xử lý đối với trường hợp biên bản vi phạm hành chính bị lập sai thẩm quyền

Trong thực tế, có trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã được lập bởi người không có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Vậy xử lý trường hợp này như thế nào? Người có thẩm quyền lập biên bản theo quy định pháp luật có thể lập biên bản khác không, nếu lập thì có vi phạm nguyên tắc “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần” quy định khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không?

Để giải quyết vấn đề này, tác giả cho rằng, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cần nghiên cứu kỹ quy định của Luật XLVPHC. Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật XLVPHC thì: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”. Điều này có nghĩa là, một người chỉ có quyền lập biên bản vi phạm hành chính nếu vi phạm đó “thuộc lĩnh vực quản lý của mình”, trừ trường hợp người lập biên bản đồng thời là người có thẩm quyền xử phạt thì được lập biên bản đối với tất cả hành vi vi phạm (trong đó có hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của người lập biên bản) trong cùng một vụ việc vi phạm được phát hiện như đã nêu tại mục 2 của bài viết.

Như vậy, nếu một chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhất định nhưng lại tiến hành lập biên bản đối với một hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý khác, không thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý được giao thì về mặt nguyên tắc, biên bản đó không được coi là biên bản vi phạm hành chính, vì biên bản đó không do người có thẩm quyền lập theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật (quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản nhà nước) vẫn được quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm (nếu vụ việc còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính) mà không vi phạm nguyên tắc “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần” quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

Có thể nói, biên bản vi phạm hành chính là một trong những căn cứ để ban hành quyết định xử phạt, là cơ sở quan trọng cho việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Việc lập biên bản vi phạm hành chính đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện khác nhau do pháp luật quy định (về hình thức, trình tự, thủ tục, nội dung,…), trong đó có yêu cầu về việc đúng thẩm quyền. Quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này mặc dù đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết nhất định, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nội dung liên quan, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng để từ đó có cơ sở hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là nhiệm vụ cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới./.

Nguyễn Hoàng Việt, Ths Luật học – CỤC QLXLVPHC&TDTHPL

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  2. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
  3. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
  4. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
  5. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
  6. Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, truy cập ngày 09/9/2018, địa chỉ tại http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2414.
  7. Sách “Tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2016.
  8. Báo cáo số 15/BC-BTP ngày 22/01/2016 về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2015 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ.
  9. Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 về tổng kết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ.
  10. Cổng Thông tin điện tử Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, Một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, truy cập ngày 09/9/2018, tại địa chỉ: https://soxd.vinhphuc.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTrongNganh/View_Detail.aspx?ItemID=205, Nguyễn Bá Toàn thực hiện ngày 19/07/2017.
  11. Tài liệu “Hội thảo tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật XLVPHC” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7/2018: Tham luận “Tổng quan thực trạng thực hiện các quy định của Luật XLVPHC và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường cơ chế giám sát, nâng cao hiệu quả công tác thi hành Luật” của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

[1] Xem Điều 56 Luật XLVPHC

[2] Cổng Thông tin điện tử Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, Một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, truy cập ngày 09/9/2018, tại địa chỉ: https://soxd.vinhphuc.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTrongNganh/View_Detail.aspx?ItemID=205, Nguyễn Bá Toàn thực hiện ngày 19/07/2017

[3] Theo Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 về tổng kết thi hành Luật XLVPHC của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết ngày 30/09/2017, Chính phủ đã ban hành tổng số 92 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC (09 nghị định đã hết hiệu lực toàn bộ), trong đó có các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; theo báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi  phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp tại “Hội thảo tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật XLVPHC” được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7/2018, tính đến hết ngày 30/6/2018, đã có khoảng gần 100 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC được Chính phủ ban hành (Tham luận “Tổng quan thực trạng thực hiện các quy định của Luật XLVPHC và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường cơ chế giám sát, nâng cao hiệu quả công tác thi hành Luật”)

[4] Phụ lục 10, Báo cáo số 15/BC-BTP ngày 22/01/2016 về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2015 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ

[5] Tại mục chú thích số (4) của mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 (MBB 01) cũng ghi rõ một trong những căn cứ của việc lập biên bản vi phạm hành chính là: Kết luận thanh tra

[6] Xem khoản 1 Điều 54 Luật XLVPHC

[7] Ngày 02/02/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1239/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong đó giao Bộ Tư pháp “khẩn trương lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

[8] Xem: Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2016, tr.200.

[9] Xem khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, truy cập ngày 09/9/2018, tại địa chỉ: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2414

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.