Thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên phải hiểu tâm lý người dưới 18 tuổi

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi từ 02 năm trở lên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là một nội dung trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên…

 

Ngày 12/6/2018, Tòa án nhân dân tối cáo (TANDTC) công bố dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến đóng góp.

 

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, có hai phương án:

Phương án 1: Thông tư này quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (sau đây gọi chung là người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi) thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

Phương án 2: Thông tư này quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

Điều 2 của Thông tư dự thảo, quy định những vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi không thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên như: Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng; Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, nhưng người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy là người đủ 18 tuổi trở lên; Vụ án hình sự không có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ khi tiến hành xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Hội đồng xét xử vụ án phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi từ 02 năm trở lên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

– Có 01 Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là một trong những người sau đây: Thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, giáo viên đã nghỉ hưu; công chức văn hóa – xã hội cấp xã; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em; người đã tham gia công tác tại cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người dưới 18 tuổi; cán bộ quản lý trường hợp phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại xã, phường, thị trấn; đại diện Hội phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cựu chiến binh có kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội và người vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

 

Nguồn: Tập chí kiểm sát (kiemsat.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.