Tái phạm và tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật hình sự 2015

(Ảnh minh họa - Nguồn: hocluat.vn)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Tái phạm và tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS 2015) (sửa đổi, bổ sung 2017), đây là tình tiết phản ánh đặc điểm về nhân thân người phạm tội:

 

Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

 

Quy định về “tái phạm và tái phạm nguy hiểm” qua các Bộ luật hình sự

So sánh quy định về “tái phạm” tại khoản 1 Điều 53 BLHS 2015 với khoản 1 Điều 49 BLHS 1999 là giống nhau. Còn nếu so sánh với quy định tại khoản 1 Điều 40 BLHS năm 1985, thì quy định về “tái phạm” tại khoản 1 Điều 53 BLHS 2015 nhà làm luật mở rộng đối tượng là tái phạm, tức là không có lợi cho người phạm tội. Bởi theo khoản 1 Điều 40 BLHS năm 1985 thì điều kiện để coi là tái phạm khi người phạm tội: “Đã bị phạt tù vì tội do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý. Hoặc đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do vô ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội do cố ý.”. Nghĩa là, người phạm tội bị coi là tái phạm khi đã bị phạt tù…, chưa được xoá án mà lại phạm tội…, còn theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLHS 2015, điều kiện để coi là “tái phạm” nếu người phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý…. Điều đó có nghĩa là người bị Toà án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ,…) chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý đều bị coi là “tái phạm”. Việc xác định tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được quy định trong điều luật tương ứng của BLHS  năm 2015.

Về tình tiết “tái phạm nguy hiểm”, cũng giống như khoản 2 Điều 49 BLHS 1999, khoản 2 Điều 53 BLHS 2015 quy định về “tái phạm nguy hiểm” là có lợi hơn cho người phạm tội so với quy định tại khoản 2 Điều 40 BLHS năm 1985. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3[1] Điều 7 BLHS 2015; điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Toà án được áp dụng quy định này để xác định tái phạm nguy hiểm đối với người bị kết án trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016, nhưng sau thời điểm này chưa được xoá án tích mà lại phạm tội. Cần chú ý là việc xác định tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng là căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được quy định trong điều luật tương ứng của BLHS 2015.

Đối với trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS 2015, việc xác định một người là “tái phạm nguy hiểm” phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:

– Một là, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Việc xác định dấu hiệu người phạm tội “đã bị kết án” cũng được xác định như trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, tội phạm trước mà người phạm tội bị kết án chỉ giới hạn ở tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

– Hai là, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm.

– Ba là, người phạm tội lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tội phạm này được thực hiện sau và được xét xử sau. Đồng thời, lần phạm tội này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do BLHS quy định.

Đối với trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS 2015, cũng phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:

– Một là, người phạm tội đã tái phạm. Có nghĩa rằng, trước lần bị đưa ra xét xử này, người phạm tội đã 02 lần bị kết án về tội phạm độc lập do BLHS quy định. Đồng thời, trong lần bị kết án thứ hai trước đó, người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết “tái phạm”.

Trong thực tiễn, cũng có ý kiến khác nhau về căn cứ áp dụng để xác định dấu hiệu “đã tái phạm” , đó là, dựa vào quy định của BLHS hay căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử . Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, dấu hiệu tái phạm phải được xác định bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bản án đó chưa được xóa án tích, mà người này lại phạm tội mới thì mới bị coi là trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ quy định của BLHS hiện hành về “Tái phạm nguy hiểm”. Nghĩa là, nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu để xác định tái phạm thì người phạm tội phải chịu tình tiết này, bất kể bản án kết tội đối với người phạm tội ở lần thứ 2 trước đó có kết luận người phạm tội tái phạm hay không. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 53 BLHS 2015, tái phạm là “trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Điều luật không đòi hỏi phải có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Xoay quanh vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, mặc dù khoản 1 Điều 53 BLHS 2015 quy định về “tái phạm” tuy không nêu dấu hiệu phải được Tòa án xác định bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và cũng chỉ nêu dấu hiệu để xác định“tái phạm” chứ không quy định chủ thể có thẩm quyền xác định người phạm tội đã tái phạm. Do vậy, khi quy kết trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội ở lần thứ hai mà Tòa án không xác định người phạm tội “tái phạm” thì về nguyên tắc khi xét xử tội mới, Tòa án không được áp dụng “tái phạm nguy hiểm”. Nếu theo lô gíc hiểu vấn đề như vừa trình bày sẽ dẫn đến bản án của Tòa án kết án người phạm tội ở lần thứ hai phải được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Khi lần phạm tội thứ hai được xét xử lại và bản án của Tòa án xác định người phạm tội đã “tái phạm” khi có hiệu lực pháp luật thì việc xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội đối với lần phạm tội mới mới chính xác, đảm bảo ý nghĩa của hình phạt và tính công bằng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự.

– Hai là, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm và trường hợp thứ nhất của tái phạm nguy hiểm.

– Ba là, người phạm tội lại phạm tội do lỗi cố ý. Theo đó, tội phạm mới mà người phạm tội phạm phải là bất kỳ tội phạm cụ thể nào, có thể là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Dấu hiệu này chỉ đòi hỏi tội phạm đó là tội do lỗi cố ý, không bao hàm tội phạm do lỗi vô ý. Đồng thời, tội phạm này do người phạm tội thực hiện sau và được xử sau và lần phạm tội mới này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do BLHS quy định.

Như vậy, với quy định của BLHS và các phân tích trên “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội gây ra cao hơn so với trường hợp phạm tội không có tình tiết này.

 

Một vướng mắc khác cũng cần được làm rõ, đó là, đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý thì có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm không? Xoay quanh vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến sau:

 + Loại ý kiến thứ nhất“tái phạm nguy hiểm” được quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS 2015. Mà theo đó, không có quy định với trường hợp đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý là “tái phạm nguy hiểm”. Cho nên, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, trong trường hợp này, không nên áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với người phạm tội.

+ Loại ý kiến thứ hai, điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS 2015, quy định“Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý” là tái phạm nguy hiểm. Do vậy, một người đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi mà họ gây ra chắc chắn sẽ lớn hơn. Cho nên, cần phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với người phạm tội trong trường hợp này, mới phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 .

Theo quan điểm của tác giả, “tái phạm nguy hiểm” là dạng đặc biệt của “tái phạm”, thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp tái phạm. Trong các trường hợp được xác định là “tái phạm nguy hiểm” như tại khoản 2 Điều 53 của BLHS 2015, thì tại điểm b có quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”. Tuy quy định này chỉ đề cập đến “tái phạm” mà không quy định trường hợp“tái phạm nguy hiểm”, nhưng về logic sẽ là hợp lý hơn nếu áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”. Chính vì lẽ đó, phần quy định chung của luật cũng cần quy định đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tính mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý cũng thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.

 

Một số vướng mắc và kiến nghị

Một làđối với việc dùng thuật ngữ “tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015. Nghiên cứu quy định tai khoản 3 và khoản 4 Điều 9 BLHS năm 2015: “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù”; “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Mặt khác, các tội phạm rất nghiêm trọng có tội được quy định với lỗi cố ý (khoản 2 Điều 248,…), có tội được quy định với lỗi vô ý (khoản 3 Điều 260,…) nhưng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì chỉ có tội phạm được quy định với lỗi cố ý mà không tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định với lỗi vô ý. Do vậy, việc dùng thuật ngữ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” là chưa sát với Phần các tội phạm cụ thể quy định trong BLHS năm 2015.

Hai làđối với điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, theo nội dung quy định này, sẽ có trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý vẫn không được xác định là “tái phạm nguy hiểm”. Theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015, có thể thấy tội phạm rất nghiêm trọng dù là lỗi phạm cố ý hay vô ý thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bao giờ cũng cao hơn so với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý. Đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý, nhà làm luật đã có sự cân nhắc khi quy định trách nhiệm hình sự. Cho nên, sẽ là rất khập khuyển khi xác định người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do cố ý là “tái phạm nguy hiểm”, ngược lại người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý nhưng không coi là “tái phạm nguy hiểm”!

Để khắc phục bất cập này, tác giả kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 cụm từ “tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý”. Mà theo đó, sau khi sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 53 được viết lại như sau:
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ýtội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý”.

Ba làvề phạm vi áp dụng của tình tiết “tái phạm”“tái phạm nguy hiểm” BLHS năm 2015 không có quy định mang tính loại trừ nên dẫn đến cách hiểu trong các trường hợp tái phạm có trường hợp tội phạm được thực hiện trước đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội phạm thực hiện sau là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, quy định tái phạm nguy hiểm là trường hợp“Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;”. Như vậy, sẽ có sự trùng lắp giữa quy định tại khoản 1 Điều 53 với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 về “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm” khi tội phạm đã thực hiện trước đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội phạm thực hiện sau là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Bên cạnh đó, như đã phân tích tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không thể tìm thấy do lỗi vô ý.

Từ những lý do phân tích trên, tác giả đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 53 BLHS năm 2015, như sau:

 

Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Người đã tái phạm nguy hiểm mà lại phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng.

 

[1] Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.