Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Phạm nhiều tội là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi cấu thành những tội phạm khác nhau được Luật hình sự quy định. Trong thực tế xét xử thường gặp những trường hợp sau đây:

– Bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội phạm và nhằm vào mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau thì xử về nhiều tội.

– Bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội phạm cụ thể nhưng nhằm vào một mục đích thì:

Nếu tất cả những tội phạm đó đều là tội nghiêm trọng trở lên thì xử về nhiều tội;

Nếu có tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và có tội phạm ít nghiêm trọng thì chỉ xét xử những tội phạm nghiêm trọng trở lên, những hành vi khác được xem xét để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

– Bị cáo có một hành vi phạm tội nhưng cấu thành nhiều tội phạm khác nhau thì tuỳ trường hợp có thể xử về nhiều tội hoặc không. Ví dụ, một cán bộ cao cấp B của Việt Nam sang Canada công tác nhưng hết thời hạn mà không về. B có thể bị truy tố về “tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 121) và “tội đào nhiệm” (Điều 263 Bộ luật hình sự 2015).

 

Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Khi xác định được hành vi bị cáo thuộc trường hợp phạm nhiều tội, căn cứ vào những quy định quyết định hình phạt, Toà án quyết định hình phạt (chính và bổ sung) đối với từng tội phạm cụ thể và sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định của Điều 55 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cụ thể như sau:

– Đối với hình phạt chính:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55.
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác mà các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung.
  • Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

– Đối với hình phạt bổ sung:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với các loại hình phạt đó, riêng đối với các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 đã nâng mức hình phạt tù trong trường hợp tổng hợp hoặc hình phạt là 30 năm (thay vì 20 năm như trước đây). Đây là một trong số ít điểm bổ sung của Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm mang lại sự bất lợi cho người bị kết án. Tuy nhiên, vì sự công bằng và hiệu quả của hình phạt mà các nhà lập pháp hình sự nước ta đã sửa đổi sau nhiều lần kiến nghị của những người làm công tác xét xử và nghiên cứu pháp luật hình sự và vẫn giữ nguyên mức hình phạt này cho tới tới Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Có thể rút các phương pháp tổng hợp hình phạt (chính) trong trường hợp phạm nhiều tội như sau:

a) Phương pháp thu hút:

Phương pháp này áp dụng trong trường hợp trong số các loại hình phạt đã tuyên có hình phạt tử hình hoặc tù chung thân hoặc cả hai thì lấy hình phạt cao nhất làm hình phạt chung (ngoại trừ hình phạt tiền).

Ví dụ, F phạm tội giết người và tội tham ô tài sản. Toà án tuyên phạt F tội giết người là tù chung thân và tội tham ô tài sản là 5 năm tù. Như vậy, mức hình phạt chung mà F phải chấp hành là tù chung thân.

b) Phương pháp cộng hình phạt:

b1) Cộng hình phạt cùng loại:

Ví dụ, A phạm n tội, hình phạt được quyết định như sau:

– Trước tiên, Toà án quyết định hình phạt cho từng tội:

  • Tội 1: H1;
  • Tội 2: H2;
  • Tội n: Hn

– Sau đó, tổng hợp hình phạt: H(t) = H1 + H2 + Hn

Trong đó:

  • H1 là hình phạt của tội 1;
  • H2 là hình phạt của tội 2;
  • Hn là hình phạt của tội thứ n;
  • H(t) là hình phạt chung (hình phạt được tổng hợp).

* Nếu H(t) nhỏ hơn hoặc bằng mức tối đa mà luật quy định đối với loại hình phạt đó (gọi là max) thì mức hình phạt chung là H(t).

Ví dụ, H(t) = 20 năm tù thì lấy mức này làm mức hình phạt chung sau khi tổng hợp.

* Nếu H(t) lớn hơn mức tối đa mà luật quy định đối với loại hình phạt đó thì mức hình phạt chung là mức tối đa của loại hình phạt đó.

Ví dụ, H(t) = 31 năm tù thì hình phạt chung là 30 năm tù.

b1) Cộng hình phạt khác loại:

Trong hệ thống hình phạt chính, nếu các hình phạt được quyết định là khác loại thì chỉ có thể xảy ra trường hợp cùng tồn tại hai hình phạt cùng một lúc là tù có thời hạn và cải tạo không giam giữ. Trong trường hợp này, hình phạt cải tạo không giam giữ được đổi sang hình phạt tù (chỉ có một chiều) theo tỷ lệ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù và tổng hợp hình phạt theo quy định chung.

 

Đối với hình phạt bổ sung, có hai phương án:

  • Toà án quyết định một hoặc một số hình phạt bổ sung chung trong giới hạn loại hình phạt đó cho tất cả các tội phạm;
  • Toà án quyết định hình phạt bổ sung riêng cho từng tội phạm.

Trong cả hai trường hợp, người bị kết án phải chấp hành một lúc nhiều hình phạt bổ sung mà không có sự tổng hợp.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.