Quyền im lặng của người bị buộc tội và các đảm bảo pháp lý trong tố tụng hình sự

(Ảnh minh họa - Nguồn: hocluat.vn)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Ở Việt Nam, quyền im lặng lần đầu tiên được quy định trực tiếp trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015). Có thể nói, việc quy định quyền im lặng là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện trình tự xét xử công bằng trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quy định về quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót, từ đó khó đảm bảo mục tiêu xây dựng nền tư pháp vững mạnh. Bài viết trình bày quy định hiện hành của quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý của quyền này; từ cơ sở đó, phân tích các mặt hạn chế và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.

 

Các nội dung liên quan:

 

Từ khóa: quyền im lặng; lời khai.

Abstract: In Viet Nam, the right to silence is first laid down directly in the Penal Procedure Code of 2015. It can be said that the right to silence is a big step forward in the protection of human rights and the implementation of criminal justice proceedings. However, there are still shortcomings under this provision of right to right to silence and legal guarantees, which makes it difficult to secure a strong judicial mandate. This article provides presentation of the current provisions of right to silence and the legal guarantees of this right; It also provides analysis of the relevant constraints and recommendations for further improvements.

Keywords: right to silence; testimony/statements

 

1. Quy định về quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý trong tố tụng hình sự Việt Nam

Bộ luật TTHS 2015 ghi nhận quyền im lặng dành cho người bị buộc tội, gồm bốn chủ thể pháp lý khác nhau, bao gồm: (1) người bị bắt; (2) người bị tạm giữ; (3) bị can; (4) bị cáo[1]. Theo đó, trong quá trình tham gia tố tụng, tất cả các đối tượng trên đều có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”[2].

Việc quy định quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình có thể được hiểu là người bị buộc tội có quyền không khai những điều chứa đựng thông tin bất lợi cho bản thân mình. Quy định này có thể hiểu tương đương với quyền im lặng.

Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung điều luật, người bị buộc tội chỉ có thể từ chối đưa ra lời khai nếu sự thẩm vấn yêu cầu lời khai có chứa đựng thông tin chống lại họ hoặc buộc họ phải nhận mình có tội. Còn đối với những câu hỏi khác trong quá trình thẩm vấn, người bị buộc tội không có quyền giữ im lặng. Mặt khác, một trong các nghĩa vụ của người bị buộc tội là phải có mặt theo sự triệu tập hoặc chấp hành yêu cầu của của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, điều này có nghĩa là họ không thể từ chối tham gia cuộc hỏi cung, lấy lời khai hoặc tại phiên tòa[3]. Suy ra, người bị buộc tội phải có mặt trong các cuộc thẩm vấn và không thể giữ im lặng trong suốt thời gian này.

Có thể thấy, khi so sánh với luật pháp các nước và luật quốc tế, quy định về quyền im lặng của Việt Nam có nội dung và phạm vi tương đối hẹp[4]. Lý giải cho điều này, có thể xét rằng đây là loại quyền mới đối với Việt Nam, một quyền im lặng tuyệt đối dành cho người bị buộc tội có thể gây ra nhiều rào cản cho các cơ quan TTHS trong việc giải quyết vụ án. Hơn nữa, so sánh với các nước khác, lực lượng điều tra của Việt Nam không được sở hữu những công cụ điều tra hiệu quả như thỏa thuận nhận tội (plea bargain), hoạt động ngầm (undercover) hoặc gài bẫy (sting operation) mà chỉ có thể sử dụng các biện pháp như nghe lén, ghi âm ghi hình bí mật một cách hạn chế[5]. Sự quy định quyền im lặng ở mức độ tương đối, hay còn gọi là quyền không tự buộc tội chính mình, là sự cân bằng giữa quyền cá nhân và lợi ích xã hội.

Để đảm bảo rằng quyền im lặng có thể được sử dụng và có hiệu quả trên thực tế, pháp luật TTHS quy định ba biện pháp đảm bảo pháp lý, đó là quyền được thông báo quyền của người bị buộc tội (1), ghi âm, ghi hình trong khi thẩm vấn (2) và tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của lời khai (3).

Thứ nhất, đối với quyền được thông báo về quyền của người bị buộc tội. Đây là sự kế thừa từ Bộ luật TTHS 2003 và tiếp tục được duy trì ở Bộ luật TTHS 2015[6]. Chức năng này nhằm đảm bảo người bị buộc tội biết và hiểu rõ quyền của mình, bao gồm quyền im lặng, và từ đó có thể quyết định đưa ra sự lựa chọn sử dụng quyền im lặng hay không. Có ý kiến cho rằng, quyền im lặng còn được gọi là quyền Midranda, có xuất xứ từ vụ án Midranda vs. Arizona và vụ án này được giải quyết bởi Tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ. Theo phán quyết cuối cùng của tòa án thì: “Trước khi bị thẩm vấn, người bị tạm giam phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền im lặng và những gì anh ta nói đều sẽ được sử dụng làm bằng chứng chống lại anh ta trước tòa. Anh ta phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tham vấn luật sư và quyền được luật sư ở bên cạnh trong suốt quá trình thẩm vấn”[7] (phán quyết này còn được gọi là cảnh báo Midranda hay quyền được thông báo quyền). Từ vụ án này, thuật ngữ quyền im lặng không chỉ được hiểu là quyền không khai báo mà còn là những đảm bảo cho bị can, trong tình trạng yếu thế, được quyền tư vấn pháp lý để tránh những lời khai bất lợi cho mình[8]. Như vậy, quan điểm nói trên đã đồng nhất quyền im lặng và cảnh báo Miranda (quyền được thông báo quyền). Tuy nhiên, đây là nhận thức có phần chưa chuẩn xác. Xét về mặt lịch sử, các quy định sơ khai về quyền im lặng đã xuất hiện trong truyền thống thông luật (common law) vào cuối thế kỷ 17 để chống lại tình trạng bức cung, nhục hình khá phổ biến vào thời điểm đó[9], còn cảnh báo Miranda chỉ xuất hiện từ năm 1966. Xét về mặt nội dung, sự vi phạm về cảnh báo Miranda chắc chắn dẫn đến tính bất hợp pháp của lời khai, nhưng ngược lại, sự tuân thủ cảnh báo Miranda không đồng nghĩa với mọi lời khai được đưa ra sau cảnh báo đều được thừa nhận mà còn phải trải qua thủ tục xem xét tính tự nguyện (due process voluntariness test)[10]. Như vậy, cần phân biệt quyền được thông báo quyền và quyền im lặng có phạm vi nội hàm khác nhau, dù tác động pháp lý của hai quyền này có phần ảnh hưởng đến nhau.

Thứ hai, về đảm bảo pháp lý ghi âm, ghi hình bắt buộc. Khoản 6 Điều 183 Bộ luật TTHS 2015 quy định mọi cuộc hỏi cung diễn ra trong cơ sở tạm giữ hoặc tại trụ sở của Cơ quan điều tra đều phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình này không chỉ nhằm bảo vệ quyền của bị can, mà còn bảo vệ phía cơ quan điều tra trước các khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp có bất kỳ sự cáo buộc nào về việc vi phạm quyền im lặng, quyền được thông báo quyền hoặc sự sử dụng nhục hình trong hoạt động lấy lời khai, thẩm phán có thể dựa vào các tệp hình ảnh, âm thanh này để đánh giá tính hợp pháp của lời khai.

Thứ ba, đảm bảo pháp lý về căn cứ đánh giá tính hợp pháp của lời khai. Theo quy định mới, mọi chứng cứ, bao gồm lời khai, nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định đều không được xem là chứng cứ[11]. Nói cách khác, tính hợp pháp phải được đảm bảo bằng sự tuân thủ trình tự, thủ tục theo luật định, đồng nghĩa với việc lấy lời khai phải tuân thủ thủ tục thông báo về quyền, ghi âm, ghi hình và các thủ tục khác. So sánh với Bộ luật TTHS 2003, đây là quy định mới hết sức tiến bộ, bởi Bộ luật TTDS 2003 chỉ yêu cầu chứng cứ phải đảm bảo tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án, nhưng lại không có một quy định ràng buộc sự tuân thủ trình tự, thủ tục khi thu thập, dẫn đến trường hợp có những chứng cứ thu thập không đúng thủ tục vẫn được Tòa án chấp thuận.

Tóm lại, Bộ luật TTHS 2015 quy định quyền im lặng của người bị buộc tội một cách hạn chế về phạm vi và nội dung áp dụng, đồng thời, đưa ra những biện pháp nhằm bảo đảm tính khả thi của quyền im lặng trên thực tế.

2. Những hạn chế của chế định quyền im lặng theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

2.1 Thiếu cơ chế bảo vệ người bị bắt, người bị tạm giữ

Thứ nhất, đối với đảm bảo pháp lý về quyền được thông báo quyền im lặng.

Điều 58 và Điều 59 của Bộ luật TTHS 2015 quy định, người bị bắt và người bị tạm giữ có quyền được giải thích về quyền của họ, trong đó có quyền im lặng. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS lại không đề cập đến thời điểm thực hiện sự giải thích, thông báo quyền. Trong sự so sánh với hai chủ thể khác là bị can và bị cáo, luật quy định rõ là bị can được thông báo quyền trước lần hỏi cung đầu tiên và bị cáo được thông báo quyền trong thủ tục bắt đầu phiên tòa[12]. Mặc dù trong mẫu biên bản bắt người của Bộ Công an có mục quy định về việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị bắt vào thời điểm bắt[13]. Tuy nhiên, theo quy định 2 Điều 87 Bộ luật TTHS 2015, “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”, vì vậy, mẫu biên bản bắt người của Bộ Công an không thể xem là căn cứ để hủy đi giá trị pháp lý của lời khai của người bị buộc tội.

Thứ hai, theo quy định của Điều 95 Bộ luật TTHS 2015, một trong các nguồn chứng cứ là lời khai của người bị bắt và người bị tạm giữ. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2015 lại không quy định về thể thức, trình tự, thủ tục của việc lấy lời khai này. Như vậy, liệu việc lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ có cần phải thực hiện các đảm bảo pháp lý như phổ biến quyền cho họ hay thực hiện thủ tục ghi âm, ghi hình hay không vẫn là những câu hỏi chưa được trả lời.

Những hạn chế trên gây ảnh hưởng tới quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ trong giai đoạn đầu của tố tụng trước khi được chuyển sang tư cách tố tụng là bị can, bị cáo với đầy đủ sự đảm bảo pháp lý.

2.2 Cơ sở đánh giá tính pháp lý của lời khai

Như đã đề cập ở trên, Bộ luật TTHS 2015 đã có một quy định rất tiến bộ khi xác định rõ ràng trường hợp chứng cứ, bao gồm lời khai, sẽ không có giá trị pháp lý nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật này. Quy định này có thể được hiểu là bất kỳ chứng cứ nào được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do luật định thì đương nhiên sẽ đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ. Điều này dẫn đến một số điểm hạn chế và mâu thuẫn với quyền im lặng của người bị buộc tội. Cụ thể như sau: Bộ luật TTHS 2015 quy định, người bị buộc tội có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Như vậy, yếu tố không bị ép buộc, hay còn gọi là tính tự nguyện là yếu tố cơ bản nhất của quyền im lặng. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2015 hoàn toàn không có điều khoản nào đề cập đến tính tự nguyện và mức độ chất lượng của sự tự nguyện trong đánh giá lời khai của người bị buộc tội.

Từ phân tích trên cho thấy, bên cạnh việc nhấn mạnh đến tính hợp pháp của chứng cứ, quy định của pháp luật TTHS hiện hành còn thiếu quy định về các tiêu chuẩn pháp lý riêng dành cho lời khai nhằm phù hợp với điểm đặc thù của loại chứng cứ này.

Một vấn đề khác cần phải đề cập đến, chính là giá trị pháp lý của các chứng cứ được thu thập dựa trên thông tin có từ lời khai được đánh giá là bất hợp pháp sẽ được nhìn nhận như thế nào. Có thể thấy rằng, trong một vài trường hợp, cán bộ điều tra có thể chấp nhận không tuân theo trình tự, thủ tục của Bộ luật TTHS nhằm lấy được những lời khai mang giá trị thông tin, từ đó dẫn dắt họ đến các loại chứng cứ khác có giá trị trong vụ án. Như vậy, nếu căn cứ theo quy định pháp luật, thì chỉ lời khai ban đầu là không có giá trị pháp lý vì đã không tuân thủ trình tự thủ tục, còn các loại chứng cứ khác được thu thập theo đúng trình tự thủ tục dựa trên lời khai đó vẫn được xem xét như chứng cứ. Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng chấp nhận đánh đổi lời khai vô giá trị lấy các chứng cứ khác của cán bộ điều tra, và từ đó xâm phạm đến quyền im lặng của người bị buộc tội.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Một là, bổ sung quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thời điểm thông báo quyền cho người bị bắt, người bị tạm giữ. Theo đó, đối với người bị bắt thì việc thông báo này phải được thực hiện ngay tại thời điểm bắt, việc này được thực hiện và xác nhận qua biên bản bắt người; đối với người bị tạm giữ, việc thông báo quyền này phải thực hiện ngay khi giao quyết định tạm giữ cho người đó, đồng thời, việc này cũng phải được thực hiện và xác nhận thông qua biên bản giao quyết định tạm giữ.

Hai là, bổ sung quy định của Bộ luật TTHS 2015 về trình tự, thủ tục lấy lời khai đối với người bị bắt và người bị tạm giữ. Theo chúng tôi, trình tự, thủ tục này nên thực hiện tương tự trình tự hỏi cung bị can theo quy định tại Điều 183, bởi lẽ, dù với tư cách pháp lý nào thì lời khai của người bị buộc tội đều có giá trị chứng cứ và đều có thể được sử dụng để tiến hành truy tố, xét xử và kết tội. Do đó, nếu giá trị của các lời khai đó là như nhau thì trình tự, thủ tục thu thập cũng phải tương tự nhau.

Ba là, bổ sung quy định của Bộ luật TTHS 2015 về các chứng cứ được thu thập dựa trên lời khai bất hợp pháp là đương nhiên vô hiệu, trừ khi chứng minh được việc thu thập lời khai bất hợp pháp không phải do lỗi cố ý của cán bộ điều tra. Lý giải cho điều này, có thể thấy trong nhiều trường hợp, cán bộ điều tra không cố ý dùng các phương pháp bất hợp pháp để lấy lời khai rồi từ đó truy tìm ra chứng cứ, mà đôi khi chỉ do sơ suất nghiệp vụ hoặc do tâm lý của người được lấy lời khai có vấn đề trong quá trình lấy lời khai, dẫn đến lời khai bị vô hiệu. Do đó, nếu xác định toàn bộ các chứng cứ được thu thập dựa trên thông tin từ lời khai bất hợp pháp là vô giá trị, thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tội phạm. Ngược lại, tại sao không nên quy định rằng, mọi chứng cứ đó đương nhiên có giá trị, trừ trường hợp chứng minh được sự vi phạm trong việc lấy lời khai là cố ý (bởi vì trong quá trình tố tụng, người bị buộc tội luôn ở thế yếu hơn các cơ quan tố tụng). Do đó, cần quy định theo hướng chủ thể phải có nghĩa vụ chứng minh là các cơ quan tố tụng.

Bốn là, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về lời khai nếu được thu thập, sử dụng trong vụ án thì không được dùng làm chứng cứ trong vụ án khác và, nếu các chứng cứ được thu thập là dựa trên lời khai đó cũng sẽ bị vô hiệu về mặt pháp lý. Quy định này nhằm đảm bảo những người tham gia tố tụng sẽ đưa ra lời khai trong một vụ án mà không phải đối mặt với nguy cơ bị chính các lời khai đó chống lại chính mình trong một vụ án khác, từ đó đảm bảo quyền im lặng của họ; đồng thời, nhằm làm giảm thiểu các rào cản từ việc điều tra vụ án, tránh trường hợp những người tham gia tố tụng dựa vào lý do các lời khai đó có thể bất lợi cho họ mà từ chối khai báo, gây khó khăn cho việc điều tra./.

 

[1] Điểm đ, khoản 1, Điều 4 Bộ luật TTHS 2015

[2] Điểm d, khoản 1, Điều 58; điểm c, khoản 2, Điều 59; điểm d, khoản 2, Điều 60; điểm h, khoản 2, Điều 61 Bộ luật TTHS 2015

[3] Khoản 2, Điều 58; khoản 3, Điều 59; khoản 3, Điều 60; khoản 3, Điều 61 Bộ luật TTHS 2015

[4] Tại Hoa Kỳ, năm 1966 vụ án Miranda v. Arizona đã khẳng định phạm vi của quyền im lặng là tuyệt đối chứ không chỉ các nội dung chống lại mình.

Tại Nhật Bản, theo Bộ luật TTHS năm 1948, Điều 198 (1) ghi nhận quyền từ chối tham gia thẩm vấn của người bị buộc tội, trừ trường hợp anh ta đang bị tạm giữ hoặc tạm giam; Điều 311 (1), Điều 316-9 (3) ghi nhận bị can, bị cáo có quyền im lặng tuyệt đối suốt thời gian thẩm vấn hoặc thời gian diễn ra phiên tòa, hoặc có quyền từ chối trả lời một số câu hỏi xác định.

[5] Điều 223, 224 Bộ luật TTHS 2015 chỉ cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật và thu thập dữ liệu điện tử bí mật. Các biện pháp đó chỉ được áp dụng đối với tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, ma túy, khủng bố, rửa tiền, tham nhũng hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tổ chức.

[6] Điểm c, khoản 1, Điều 58; điểm b, khoản 2, Điều 59; điểm b, khoản 2, Điều 60; điểm c, khoản 2, Điều 61 Bộ luật TTHS 2015.

[7] Đào Trung Hiếu, “Nhập khẩu” quyền im lặng và những hệ lụy”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 31/10/2015, http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Nhap-khau-quyen-im-lang-va-nhung-he-luy-370894/, truy cập ngày 31/3/2017.

[8] Đào Trung Hiếu, “Nhập khẩu” quyền im lặng và những hệ lụy”,tlđd.

[9] Alan M. Dershowitz, Is there a right to remain silent? Coercive interrogation and the Fifth Amendment After 9/11, Oxford: Oxford University Press, 2008, p.61

[10] Welsh S. White, Miranda’s waning protections: police interrogation practices after Dickerson. Ann Arbor: University of Michigan Press, 2001, p.39

[11] Khoản 2, Điều 87 Bộ luật TTHS 2015

[12] Khoản 2, Điều 183; khoản 3, Điều 301 Bộ luật TTHS 2015.

[13] Quyết định số 1351/2004/QĐ-BCA(C11) ngày 18/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an.

 

Võ Minh Kỳ – Viện Kiểm sát nhân dân Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

 

Nguồn: Chuyên trang học luật trực tuyến (hocluat.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.