Quan điểm về Đình chỉ hoạt động có thời hạn của pháp nhân tại BLHS 2015

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Nếu như qui định tại Điều 77 của BLHS 2015 về áp dụng hình phạt tiền là nhằm vào khả năng tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội thì chế tài về đình chỉ hoạt động có thời hạn được quy định tại Điều 78 dưới đây lại nhằm vào các lĩnh vực hoạt động của pháp nhân.

 

Điều 78. Đình chỉ hoạt động có thời hạn

1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

2. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

 

Một pháp nhân khi thành lập bắt buộc phải đăng ký một hoặc một số lĩnh vực hoạt động với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực đã đăng ký, phap nhân còn phải đáp ứng các điều kiện khác theo qui định của pháp luật chuyên ngành. Vì vậy khi áp dụng chế tài đình chỉ hoạt động là tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh hàng ngày, mà sâu xa hơn là tác động đến mặt tài chính, nguồn thu. Việc đình chỉ ở đây chỉ mới dừng ở mức tạm thời, có nghĩa là đình chỉ có thời hạn mà sau khi kết thúc khoảng thời hạn đó, pháp nhân thương mại được quyền tiếp tục hoạt động bình thường trở lại.

 

Thời hạn đình chỉ:

Thời hạn đình chỉ: từ 06 tháng đến 03 năm. Thời hạn cụ thể sẽ do Cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tuy Điều luật không nêu rõ các cơ sở, căn cứ để quyết định mức hình phạt nhưng dựa trên qui phạm của Điều luật chúng ta cũng có thể nắm bắt được việc quyết định hình phạt cần phải dựa trên mức độ thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra như thế nào đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thiệt hại ở đây chính là sự biến động theo chiều hướng xấu, tiêu cực của các quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội tác động đến.

 

Điều kiện áp dụng hình phạt:

Pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt này khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất: Hành vi phạm tội ở một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của pháp nhân mà đã gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tại điều kiện này chúng ta cần phải nhất quán một cách hiểu và vận dụng nội dung của Điều luật là hành vi phạm tội của pháp nhân đã gây ra thiệt hại trên thực tế. Trường hợp mặc dù pháp nhân đã có hành vi phạm tội nhưng xét về thiệt hại vẫn chưa xảy ra thì cũng không đủ yếu tố, điều kiện để có thể áp dụng hình phạt này đối với pháp nhân.

Thứ hai: Thiệt hại xảy ra được đóng khung, giới hạn ở phạm vi tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Điều này đồng nghĩa, thiệt hại phải tác động đến các đối tượng được liệt kê nêu trên, trường hợp hành vi phạm tội có xảy ra, có gây thiệt hại trên thực tế nhưng những thiệt hại này lại nằm ngoài phạm vi của Điều luật thì pháp nhân có hành vi cũng không bị áp dụng chế tài này.

Thứ ba: Thiệt hại phải có khả năng khắc phục trên thực tế. Điều luật không giới hạn qui mô, mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội mà chỉ đề cập đến khả năng khắc phục của nó trên thực tế. Cơ sở để đánh giá một pháp nhân có bị tạm đình chỉ lĩnh vực hoạt động hay không là sự xem xét kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự xem xét khả năng khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức cách thức khác nhau tương ứng với loại hậu quả xảy ra, ví dụ:

Khắc phục hậu quả về môi trường: Pháp nhân chấm dứt hành vi phạm tội, tìm hiểu nguyên nhân gây thiệt hại, tương ứng với nguyên nhân sẽ có hành vi khắc phục (thu gom rác, hóa chất; xử lý nguồn nước thải, chất thải; thả, phát tán các loại vi sinh vật, hóa chất có khả năng khôi phục….)

Khắc phục hậu quả về sức khỏe: Pháp nhân chấm dứt hành vi phạm tội, tìm hiểu nguyên nhân gây thiệt hại, đưa đối tượng bị thiệt hại đến sơ cứu, cáp cứu, dưỡng sức tại các cơ sở chăm sóc y tế….

Những vướng mắc, bất cập trong quy định về Đình chỉ hoạt động có thời hạn

Tại Điều luật này, tôi đưa ra ý kiến về một khía cạnh mà tôi xét thấy là chưa phù hợp: Trong phạm vi thiệt hại, Điều luật có đề cập đến thiệt hại về tính mạng con người. Tuy nhiên khi xét tổng thể các điều kiện để áp dụng chế tài đình chỉ hoạt động thì bên cạnh các điều kiện khác thì một điều kiện mang tính tiên quyết nhằm phân biệt hóa với các chế tài khác khi áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội là hậu quả đó phải có khả năng khắc phục được trên thực tế. Nhưg khi chúng ta đánh giá việc gây thiệt hại đến tính mạng con người thì hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng hậu quả này đã được khắc phục. Cần phải hiểu rõ ý nghĩa của hành động khắc phục: là nhằm đưa đối tượng bị tác động bởi một hoặc một số hành vi về trạng thái ban đầu, đối tượng bị tác động theo chiều hướng xấu, làm cho đối tượng đó không còn mang hình thái, tính chất ban đầu. Như vậy, thiệt hại về tính mạng hay nói cách khác là gây ra cái chết cho một con người cụ thể thì không thể khắc phục, có hay chăng là các hành vi nhằm mục đích bù đắp thiệt hại xảy ra cho thân nhân của người đó, việc bù đắp được thực hiện bằng vật chất và tinh thần. Do vậy, với qui định như hiện nay của Điều lật là chưa phù hợp, cần có sự điều chỉnh nhất định.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.