Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự tại BLHS 2015

(Ảnh minh họa - Nguồn: hocluat.vn)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Cấu thành tội phạm bao gồm 4 yếu tố: Chủ quan, khách quan, chủ thểkhách thể. Trong mỗi yếu tố lại bao gồm nhiều yếu tố nhỏ khác nữa trong đó có yếu tố bắt buộc phải có ở tất cả các loại tội phạm có các yếu tố không bắt buộc phải có và chỉ cần thiếu ít nhất là 1 yếu tố đã nêu thì sẽ không thể cấu thành tội phạm.

Những trường hợp sau đây là những trường hợp không thỏa mãn tất cả các yếu tố của cấu thành tội phạm (tự thân hoặc do pháp luật quy ước) do đó được loại trừ trách nhiệm hình sự. So với Bộ Luật hình sự cũ thì Bộ Luật này đã bổ sung thêm 3 Điều (24, 25, 26) được quyền loại trừ trách nhiệm hình sự.

I. Sự kiện bất ngờ (Điều 20)

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong Điều luật này chính mặt khách quan đã không được thỏa mãn. Cụ thể mặt khách quan bao gồm các yếu tố: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm đó và mối quan hệ nhân quả giữa chúng… Trong đó, hành vi nguy hiểm là bắt buộc phải có ở tất cả các loại tội phạm.

Điều luật này có thể được phân tích như sau để dễ dàng nắm bắt nội dung hơn:

Điều kiện giả định bao gồm: (1) hành vi gây hậu quả nguy hại + (2) không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả

Hệ quả: Không phải chịu trách nhiệm hình sự

Phần hệ quả đã quá rõ ràng nên sau đây tác giả chỉ tập trung phân tích (1) (2)

(1) Hành vi gây hậu quả nguy hại

Lưu ý rằng đây là hành vi gây hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi nguy hiểm như trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Tác giả nhấn mạnh nội dung này vì bản chất của chúng là khác nhau và hậu quả pháp lý cũng vậy. Hành vi gây hậu quả nguy hại, tức nhà làm luật chú trọng và tập trung vào cái hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi. Hành vi gây nguy hại có thể là những hành vi hợp pháp hoặc hành vi bất hợp pháp. Nghe có vẻ phi lý vì sao hành vi hợp pháp nhưng lại có thể gây nguy hại được và sự kiện bất ngờ là một minh chứng rõ ràng nhất.

Ví dụ: A đang lưu thông trên đường đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ (làn đường, tốc độ di chuyển và các biện pháp an toàn khác…) (hành vi hợp pháp), bỗng nhiên có 1 người xuất hiện đột ngột trước đầu xe với khoảng cách gần đến mức không thể xử lý việc dừng xe, do đó đã tông người này và người này tử vong ngay lập tức (hậu quả nguy hại). Như vậy chúng ta có thể thấy rất rõ người điều khiển phương tiện đã thực hiện một hành vi hợp pháp nhưng lại gây ra một hậu quả nguy hại cho xã hội.

Như vậy một câu hỏi đặt ra, nếu hành vi đó phạm pháp gây hậu quả nguy hại và thỏa mãn điều kiện (2) thì có loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi hay không? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, không có hành vi phạm pháp luật hình sự nào mà chủ thể đó không nhận thấy trước được hậu quả có thể xảy ra và pháp luật cũng không bắt buộc họ phải nhìn thấy trước, bản chất của hành vi vi phạm đã hàm chứa trong nó về một hậu quả nguy hại cho xã hội. Vì thế có thể hiểu hành vi trong trường hợp trên là hành vi hợp pháp.

(2) Không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả. Vẫn với ví dụ trên, chúng ta thấy rằng việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đúng với các quy định của pháp luật giao thông thì không có lý do gì để anh ta có thể thấy hậu quả của việc chết người xảy ra từ việc lái xe đúng quy định của mình và pháp luật cũng không bắt buộc anh ta phải thấy, lường trước hậu quả có một người nào đó lại bỗng nhiên xuất hiện trước đầu xe để rồi gây ra hậu quả chết người.

Phân tích thêm một chút để chúng ta hiểu thêm về trường hợp pháp luật bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả:

Trong một số trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng ý chí chủ quan của người đó không nhận thấy trước hậu quả có thể xảy ra từ hành vi nguy hiểm của mình. Ví dụ: B giăng bẫy điện dân dụng để diệt chuột tại nơi đông dân cư qua lại thường xuyên. Trong trường hợp này có thể B không thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra khi bị giật điện nhưng pháp luật bắt buộc B phải thấy được điều này. Nếu hậu quả chết người xảy ra thì đã thỏa mãn yếu tố mặt khách quan (hành vi nguy hiểm), nếu thỏa mãn các yếu tố cầu thành còn lại thì B phải chịu trách nhiệm hình sự của hành vi giăng điện bẫy chuột này.

II. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21)

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều luật trên được trình bày giản tiện lại để dễ phân tích:

Điều kiện giả định: (1) Hành vi nguy hiểm cho xã hội  + (2) mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác => (3) làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi

Hậu quả: Không phải chịu trách nhiệm hình sự

Dễ dàng để nhận thấy đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự do không thỏa mãn được yếu tố mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm. Cụ thể là chủ thể đã không đáp ứng được điều kiện “..do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện…”. Cụ thể:

(1) Hành vi nguy hiểm cho xã hội: Hành vi nguy hiểm ở đây được hiểu là những hành vi có thể hoặc đã gây tổn hại đến các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Nói cách khác, hành vi đó phải là hành vi thuộc mặt khách quan của ít nhất một tội được quy định cụ thể trong Bộ Luật này. Đây là tiền đề để dẫn nhập vào các nội dung sau, bản thân nó không có giá trị trong việc có loại trừ trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi hay không và dấu hiệu hành vi khách quan này không phải là mấu chốt của vấn đề.

(2) Trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác: Đầu tiên cần phải chú ý đến cụm “trong khi đang”. Trước tiên cần xác định như thế nào là đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Cơ sở nào để xác định một ai đó có đang mắc bệnh tâm thần hay không? Có 2 trường hợp có thể xảy ra

Trường hợp 1: Người đó đã có Giấy xác nhận của cơ quan Y tế có thẩm quyền về bệnh tâm thần đang mắc phải và (hoặc) tuyên bố mất năng lực hành vi của Tòa án.

Trường hợp 2: Chưa có bất kỳ một giấy tờ nào từ cơ quan có thầm quyền chứng minh tình trạng bệnh lý của người thực hiện hành vi.

Trường hợp 1 thông thường sẽ rất dễ dàng trong việc xác định người đó có bị mắc bệnh tâm thần hay không, tuy nhiên trong trường hợp 2 thì việc này sẽ trở nên khó khăn hơn khi phải tiến hành việc giám định bệnh tâm thần sau khi hành vi đã được thực hiện trong thực tế. Và cái khó khăn nhất là làm rõ được 2 chữ “trong khi”. Ngành Y học đã chứng minh có một số bệnh tâm thần mà biểu hiện của bệnh lý không diễn ra một cách liên tục, cái mà nhân gian hay gọi 3 hồi tỉnh 3 hồi say, nghĩa là mặc dù bị mắc bệnh nhưng tỉnh thoảng họ vẫn tỉnh táo nhận thức một cách bình thường. Đối chiếu theo đúng quy định của điều luật trong trường hợp đó họ sẽ không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Thực tế để xác định việc có loại trừ hay không trong những trường hợp này rất khó khăn. Và điều luật này cũng nhiều lần bị lợi dụng nhằm trốn tránh trách nhiệm bằng cách xin giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần mà báo chí hay gọi là “kim bài miễn tử”.

(3) Làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi: mục (2) chỉ là điều kiện cần, để đảm bảo điều kiện đủ, bệnh tâm thần hay bệnh khác nào đó phải  dẫn đến mất khả năng nhận thức (không thể biết được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội) hoặc mất khả năng điều khiển hành vi (vẫn ý thức được nhưng không thể điều khiển được do bệnh lý – thông thường là các bệnh liên quan đến hệ thần kinh vận động). Lưu ý ở đây là mất chứ không phải là hạn chế, nghĩa là trường hợp hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi thì vẫn không thuộc trường hợp được loại trừ theo quy định tại điều luật này mà hạn chế đó có thể được dùng làm căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

III. Phòng vệ chính đáng (Điều 22)

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Trước tiên cần làm rõ như thế nào là phòng vệ chính đáng theo định nghĩa tại Khoản 1 của Điều 22. Ngay tên của Điều luật cũng đã cho chúng ta thấy rằng có 2 vấn đề lớn ở đây đó là Phòng vệ và Chính đáng. Vì sao nhà làm luật không dùng từ Tự vệ mà là Phòng vệ? Tự vệ có nghĩa là tự bản thân bảo vệ cho chính mình, tự vệ chỉ dùng trong trường hợp bản thân người đang có hành vi chống trả bị xâm phạm. Trong trường hợp lợi ích của người khác bị xâm hại mà một cá nhân nào đó thực hiện hành vi chống trả thì hành vi này không còn được xem là tự vệ nữa mà nó đã chuyển sang phòng vệ (phòng ngừa và bảo vệ), nội hàm của hành vi phòng vệ rộng hơn tự vệ rất nhiều. Quyền và lợi ích chính đáng đang bị xâm hại mà nhà làm luật khuyển khích bảo vệ vượt ra ngoài phạm vi của một cá nhân nào đó, nghĩa là pháp luật không chỉ khuyến khích tự bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình mà còn khuyến khích bảo vệ quyền và lợi ích của người khác. Vậy nên dùng từ phòng vệ ở đây là chính xác và nội hàm đủ rộng để thể hiện tính mục đích của điều luật.

Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu như thế nào là chính đáng, điều luật không định nghĩa như thế nào là chính đáng mà chỉ mô tả như thế nào là phòng vệ chính đáng. Tách câu chữ ra, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ý chí của nhà làm luật thông qua cách hành văn và có thể hiều chính đáng = cần thiết. Có một vấn đề rất đáng để chúng ta và những người áp dụng luật pháp phải lưu tâm, chính đáng và cần thiết đều là những yếu tố mang tính chất định tính, nó phụ thuộc rất lớn vào ý chỉ chủ quan của người nhận diện và đánh giá tình huống. Có thể theo người có hành vi chống trả thì cho rằng nó cần thiết nhưng người bị chống trả và cơ quan xét xử không cho là như vậy và ngược lại.

Khoản 2 quy định thêm 2 yếu tố, tạm gọi là 2 căn cứ để góp phần “định lượng” được sự cần thiết đó là căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì phần nào chúng ta có thể xác định được dựa vào phân loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng). Việc này giúp cho việc định tính sự cần thiết trở nên giảm định tính hơn nhưng không thể giải quyết triệt để vấn đề. Do vậy nhà làm luật đã rất cẩn trọng và quy định trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là “rõ ràng” vượt quá mức cần thiết. Nghĩa là việc nhận thấy sự quá mức đó rất dễ nhận ra và tuyệt đại đa số đều thấy được điều đó.

Thoáng nhìn chung ta sẽ cảm nhận rằng Khoản 1 và Khoản 2 bổ trợ cho nhau (nếu không thuộc Khoản 1 thì thuộc Khoản 2 và ngược lại). Tuy vậy phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy có một phần khá nhập nhằng ở 2 Khoản này

Khoản 1:…một cách cần thiết…

Khoản 2:…rõ ràng quá mức cần thiết…

Như vậy đối với trường hợp vượt quá mức cần thiết nhưng chưa đến mức rõ ràng (dễ dàng) nhận ra thì sẽ áp dụng Khoản 1 hay Khoản 2, bởi lẽ ranh giới giữa phạm tội trong lúc này là rất mong manh.Và theo quan điểm của tác giả trong trường hợp này chúng ta sẽ áp dụng Khoản 1 theo nguyên tắc có lợi hơn cho người phạm tôi. Nghĩa là cơ quan công tố buộc tội phải có nghĩa vụ chứng minh sự rõ ràng quá mức cần thiết này, nếu không chứng minh được thì bắt buộc phải hiểu người có hành vi chống trả đã chống trả một cách cần thiết.

Một vấn đề nữa cũng cần phải chú ý đó là đối tượng chịu tác động phải là người đang có hành vi xâm phạm.Đây không phải là sự cẩn thận quá thừa của nhà lập pháp khi ai cũng biết rằng chống trả thì đương nhiên là chống trả lại người đang thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi chống trả này có thể ảnh hưởng đến nhiều người khi sử dụng công cụ, phương thức có phạm vi tác động rộng, hoặc có thể chống trả nhầm đối tượng

Ví dụ 1: Vì muốn chống trả lại người đang hiếp dâm mình, C đã thực hiện hành vi xả bình khí độc ngay cạnh đó và cách làm này đã gây thương vong nghiêm trọng cho một số người khu vực xung quanh. Hành vi chống trả này đã vượt ra ngoài chủ thể thực hiện hành vi xâm hại, đã gây phương hại đến các chủ thể khác.

Ví dụ 2: Thấy D đang bị bọn cướp tấn công bằng dao và không có khả năng chống trả, E đã rút súng nhằm vào bọn cướp mà bắn, tuy nhiên do trong bối cảnh hoản loạn, E đã bắn đúng vào D gây tử vong tại chỗ. Trường hợp này E đã không chống trả lại người đang xâm hại mà đã chống trả nhầm vào nạn nhân bị xâm hại do đó không thỏa mãn điều kiện phòng vệ chính đáng.

IV. Tình thế cấp thiết (Điều 23)

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Về cấu trúc điều luật cách sắp xếp quy phạm của Điều luật này khá tương đồng với Điều luật về phòng vệ chính đáng. Chúng ta sẽ cùng phân tích điều luật này Tình thế + cấp thiết:

Nếu như Điều luật về phòng vệ chính đáng chú trọng đến tính chính đáng và giới hạn của sự cần thiết thì điều luật về tình thế cấp thiết này lại chú trọng đến tính cấp thiết và thiệt hại gây ra của hành vi. Cụ thể, sự cấp thiết ở đây đã đến mức đưa người thực hiện hành vi vào tình thế – đúng nghĩa đen – không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây ra một thiệt hại. Thông thường việc gây ra thiệt hại là một hành vi vi phạm pháp luật có thể là hình sự, nhẹ hơn là hành chính hay nhẹ hơn nữa là dân sự nhưng trong trường hợp này hành vi gây thiệt hại đó không phải là hành vi vi phạm NẾU thiệt hại đã gây ra nhỏ hơn thiệ hại cần ngăn ngừa.

Như vậy điều kiện cần (1) chủ thể thực hiện hành vi đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây thiệt hại và điều kiện đủ (2) thiệt hại đó phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì khi đó chủ thể sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự (thông thường là các tội phạm liên quan đến khách thể là quan hệ sở hữu như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sảnchiếm hữu sử dụng tài sản trái phép v.v…)

Ví dụ: Vì muốn ngăn chặn đám cháy đang lây lan trong dãy dân cư liền nhau, F bắt buộc phải đập nhà anh G để ngăn đám cháy lại. Trường hợp này có thể thấy F đã không còn sự lựa chọn nào khác và thiệt hại xảy ra đối với nhà anh G rõ ràng nhỏ hơn thiệt hại của cháy nhà của cả khu dân cư do đó hành vi của F thỏa dấu hiệu của tình thế cấp thiết và sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Tuy nhiên 2 Khoản trên của điều luật đã bỏ ngỏ trường hợp thiệt hại đã gây ra bằng với thiệt hại cần ngăn ngừa.

Khoản 1 “…gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa…”

Khoản 2 “…thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết…”

Sẽ là lý tưởng và tuyệt đối nếu thiệt hại đã gây ra = thiệt hại cần ngăn ngừa (do vậy nhà làm luật không quy định trường hợp này cũng là điều dễ hiểu). Thiệt hại đã gây ra thì có thể cân đo đong đếm được nhưng thiệt hại cần ngăn ngừa (chưa xảy ra) thì rất khó để xác định và trong một số trường hợp gần như là không thể xác định được.

Do đó, vẫn theo quan điểm áp dụng quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội thì trong những trường hợp không thể xác định được hoặc xác định được nhưng cán cân thiệt hại đã gây ra và thiệt hại cần phòng ngừa tương đương nhau thì sẽ áp dụng theo hướng áp dụng tình thế cấp thiết. Trong trường hơp muốn áp dụng quy định tại Khoản 2 cơ quan công tố phải có nghĩa vụ chứng minh.

Sau khi phân tích Điều 22 Phòng vệ chính đáng và Điều 23 Tình thế cấp thiết chúng ta có thể thấy được quan điểm lập pháp của nhà làm luật. Một mặt trao quyền và khuyển khích công dân chủ động thực hiện quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và của người khác nhưng để đảm bảo việc sử dụng quyền này không bị lạm dụng khi thực hiện nhà làm luật cũng đã dự liệu luôn trường hợp vượt quá quyền thì sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù mức hình phạt sẽ có phần nhẹ hơn so với phạm tội trong trường hợp thông thường.

Nguồn: Chuyên trang học luật trực tuyến (hocluat.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.