Mua hóa đơn đầu vào là dấu hiệu của tội lừa đảo

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Ngày 05-05-2017 – Ý kiến của luật sư Hoàng Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, giảng viên Học viện Tư pháp khi trả lời PV Báo Thanh tra về những vấn đề liên quan tình trạng một số doanh nghiệp (DN) ở Quảng Ninh, doanh thu cao, nộp thuế ít và có tình trạng mập mờ hóa đơn đầu vào.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

+ Theo luật sư, việc các DN doanh thu cao, nộp thuế ít, hoặc báo lỗ để né thuế, có phải là lỗ hổng của chính sách thuế hay có sự ưu ái nào?

Việc các DN doanh thu cao, nộp thuế ít, hoặc báo lỗ để tránh nộp thuế, theo tôi sẽ tùy vào từng trường hợp của DN để đánh giá, vì trong hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều loại hình ngành nghề khác nhau, có rất nhiều ngành nghề doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận thấp do đặc thù. Tuy nhiên, đã có rất nhiều DN cố tình tăng chi phí đầu vào để giảm lãi và tránh nộp thuế (trốn nộp thuế) có thể nói là một hiện tượng khá phổ biến theo như phản ánh của dư luận báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và trong cả nước nói chung hiện nay.

Có thể khẳng định chính sách, pháp luật về thuế nói chung, nghĩa vụ thuế của DN nói riêng của chúng ta chưa hoàn thiện, thậm chí còn buông lỏng và bất cập. Tôi xin ví dụ rằng, trong pháp luật hình sự về thuế hiện nay, tại các nước phát triển họ xử phạt rất nặng các tội danh về thuế và đặc biệt tội trốn thuế, bởi vì xâm phạm một đồng thuế phải nộp Nhà nước chính là xâm phạm vào sở hữu toàn dân (của số đông nhiều người), chứ không chỉ xâm phạm vào sở hữu của 1 người. Ở Việt Nam chúng ta lại coi đó là một tội danh ít nghiêm trọng và thường áp dụng pháp luật hình sự tương đối nhẹ nhàng. Điều này nói lên rằng chúng ta đang đi ngược với xu thế của thế giới phát triển, pháp luật về thuế tại Việt Nam hoàn thiện chậm dẫn đến khả năng lách được, né được thuế cao, nếu không muốn nói là có những lỗ hổng lớn về thuế.

Còn nói về sự ưu ái, cũng có thể khẳng định rằng, chắc chắn là có trong quá trình quản lý thực tế của các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế. Tuy nhiên, sự ưu ái đó sẽ ở mức độ khác nhau và đặc biệt trong các “nguyên tắc và chính sách mở” hiện nay, khi mà ngay từ giai đoạn đầu thành lập DN, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình DN phát triển một cách thuận lợi, dễ dàng theo xu hướng tự nguyện kê khai từ nhiều chính sách thông thoáng đã được nhà nước ban hành.

+ Việc mập mờ hóa đơn đầu vào và các giấy chứng nhận, giấy phép xuất xứ sản phẩm đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi… ảnh hưởng như thế nào đối với thất thu thuế và chất lượng công trình?

Hiện tượng “mập mờ” hóa đơn đầu vào hay các giấy phép quy định về xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng của các chủ thể kinh doanh mặt hàng này đang diễn ra khá phổ biến, việc này nhìn về góc độ pháp lý thì rõ ràng một dạng vi phạm pháp luật mà chúng ta đang buông lỏng.

Mua hóa đơn đầu vào: Nhìn về mặt cấu thành trách nhiệm hình sự không phải là tội danh trốn thuế nữa, mà là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành. Bởi vì, hành vi mua hóa đơn để làm chứng từ thanh toán đầu vào nhằm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) là dấu hiệu của hành vi gian dối. Hành vi trốn, không nộp thuế vào Nhà nước là hành vi chiếm đoạt, cụ thể hơn là việc lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các loại hóa đơn mua khống thì càng biểu hiện rõ hơn của tội danh này.

Về chất lượng công trình thì rõ ràng là, không thể kiểm soát được do ngay từ đầu DN đã không thể kiểm soát được phẩm cấp, chủng loại vật liệu xây dựng đi theo hóa đơn, mà có thể nói vật liệu xây dựng mà không kiểm soát được thì làm sao có thể có công trình chất lượng đồng đều và tốt được.

+ Tỉnh Quảng Ninh và Cục Thuế tỉnh nên có hướng xử lý như thế nào, theo ông?

Đối với các hiện tượng như dư luận và báo chí phản ánh nói trên xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh: Trước hết người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất của tỉnh phải lên tiếng, sau đó có quyết định cụ thể và kịp thời để xử lý, chấn chỉnh các hiện tượng vi phạm pháp luật các hoạt động về thuế của DN trên địa bàn tỉnh; Cơ quan thuế và các bên liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, kêu gọi doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ và đồng thời thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước công việc, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí cho DN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế; Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải khẩn trương vào cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm chống thất thu thuế, chống chuyển giá, đặc biệt là các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; Khi có đủ cơ sở để phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế cần kiên quyết thực hiện, qua đó có tác động răn đe và phòng ngừa chung.

Trong quá trình xem xét xử lý, UBND tỉnh và cơ quan, ban, ngành có thể kiến nghị đầy đủ những chính sách chưa phù hợp để Chính phủ, Nhà nước có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp, kể cả đóng góp kiến nghị thay đổi, sửa đổi về luật chuyên ngành.

+ Xin cảm ơn ông!

Trà Vân (Thực hiện)

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.