Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự là bước chuẩn bị có ý nghĩa quan trọng, giúp Kiểm sát viên chủ động khi tham gia phiên tòa, phiên họp cũng như xác định căn cứ để kiến nghị, kháng nghị đảm bảo pháp luật được tuân thủ.

 

Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ vụ việc dân sự là quá trình xem xét tài liệu, chứng cứ, thu thập tài liệu và dự thảo phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát (VKS), đó là yếu tố cơ bản để Kiểm sát viên thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm và phúc thẩm.

 

1. Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý của công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 và Điều 27 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 tiếp tục khẳng định “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng dân sự. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tại các điều 57, 58, 59. Trên cơ sở đó, VKS phải kiểm sát các quyết định, các văn bản, hoạt động tố tụng của Tòa án theo quy định của BLTTDS năm 2015 như: Các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 139, 291); thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 192, 194); thông báo việc thụ lý vụ án (Điều 196); thông báo phân công Thẩm phán giải quyết vụ án (trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 197); quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212, 246); quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 214, 217); quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 220); quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm (Điều 233); thông báo về thời gian tiếp tục phiên tòa (trong trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 259); bản án dân sự sơ thẩm, quyết định sửa chữa, bổ sung bản án (Điều 268, 269); thông báo về việc kháng cáo, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo (Điều 277, 284); thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm (Điều 285); quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 288, 289); quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Điều 290); bản án, quyết định phúc thẩm (Điều 313, 315); quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 318); quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án (Điều 319); thông báo thụ lý đơn yêu cầu (Điều 365); quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự (Điều 366); quyết định giải quyết việc dân sự (Điều 370); quyết định mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự (Điều 373); quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự (Điều 375); quyết định khởi tố vụ án hình sự (trong trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự theo Điều 497); quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 (Điều 507).

Ngoài ra, khi nghiên cứu giải quyết các vụ việc dân sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nghiên cứu hồ sơ, lập hồ sơ kiểm sát theo hướng dẫn tại Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao và văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ do VKSND tối cao ban hành: Phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát, trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của đương sự, các tài liệu, chứng cứ khác…

Thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án, VKS các cấp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm như: Việc áp dụng pháp luật không đúng (nhầm lẫn giữa áp dụng pháp luật dân sự, tố tụng dân sự cũ và luật năm 2015), vi phạm trong cách tính án phí, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng như vụ án… và những sai sót trong xác định quan hệ tranh chấp.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên còn có một số hạn chế như: Một số hồ sơ kiểm sát vụ án trích cứu còn chưa đầy đủ, không chính xác, cá biệt có hồ sơ thiếu chứng cứ có tính quyết định, nhất là những vụ án phức tạp, nhiều nguyên đơn, bị đơn, người liên quan, tài sản tranh chấp có giá trị lớn và ở nhiều nơi… Kiểm sát viên còn không sao chụp một số tài liệu quan trọng không thể thiếu trong hồ sơ một số loại vụ việc như: Tài liệu về giám định chữ viết, biên bản xem xét tại chỗ, định giá… Việc lập đề cương hỏi tại phiên tòa còn sơ sài, chưa sát với nội dung hồ sơ vụ việc, về xây dựng phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên tòa chưa kỹ, chưa đánh giá được những sai sót, vi phạm của Tòa án, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ việc; một số hồ sơ ở cấp phúc thẩm xác định không chính xác về phạm vi kháng cáo, dẫn tới đưa ra đường lối giải quyết chưa chính xác; việc ghi chép ý kiến đề xuất giải quyết của Kiểm sát viên, ghi chép ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị không đầy đủ; tình trạng hồ sơ không đánh số bút lục hoặc đánh số không đầy đủ tuy đã được khắc phục nhiều nhưng vẫn còn tồn tại…

2. Một số kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm

Thứ nhất, nghiên cứu thẩm quyền thụ lý vụ việc dân sự.

Thẩm quyền về nội dung tranh chấp vụ án dân sự được quy định tại các điều 26, 30, 32; thẩm quyền giải quyết yêu cầu việc dân sự được quy định tại các điều 27, 29, 31, 33; thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức tại Điều 34; thẩm quyền theo cấp Tòa án từ Điều 35 đến Điều 38; thẩm quyền theo lãnh thổ tại Điều 39; thẩm quyền theo lựa chọn của nguyên đơn tại Điều 40 BLTTDS năm 2015.

Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa sơ thẩm những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc vụ kiện (vụ án) dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng theo khoản 2 Điều 4 và những việc dân sự thuộc thẩm quyền, Kiểm sát viên khi tiếp nhận hồ sơ vào sổ thụ lý, nghiên cứu hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo Viện để ra quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.

Thứ hai, Tòa án đã  xác định đúng quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp của vụ kiện chưa?

Kiểm sát viên phải nghiên cứu hình thức, nội dung đơn khởi kiện có được làm theo quy định của Điều 189 BLTTDS đối với vụ án và theo quy định tại Điều 362 BLTTDS đối với việc dân sự hay chưa. Nghiên cứu “những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan  theo điểm g khoản 4 Điều 189 và “những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu này. Mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó” theo điểm d khoản 2 Điều 362. Trong thực tế, người khởi kiện, người yêu cầu có thể nêu đúng quan hệ tranh chấp, yêu cầu nhưng cũng có thể nêu theo tên gọi của giao dịch dân sự hoặc khởi kiện “đòi nhà cho ở nhờ” nhưng thực chất là “nhà cho thuê” hoặc tranh chấp “tài sản” nhưng thực tế là “tranh chấp đòi nhà”, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà nhưng thực chất là “vay tài sản”… Kiểm sát viên phải căn cứ vào nội dung đơn và các tài liệu chứng cứ kèm theo để xác định đúng mối quan hệ tranh chấp, yêu cầu giải quyết vụ hay việc dân sự là vấn đề cơ bản đảm bảo giải quyết đúng vụ việc dân sự. Mặt khác, Tòa án có xác định đúng tư cách tố tụng của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác như người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại các điều 68, 74, 75, 85 BLTTDS. Lưu ý “những trường hợp không được làm người đại diện” theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền tại Điều 87 BLTTDS. Đối với việc ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Cần xem xét đến vi phạm của Tòa án khi không đưa đầy đủ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, không chỉ định người đại diện trong một số trường hợp bắt buộc…

Thứ ba, kiểm sát việc áp dụng của Tòa án về thời hiệu khởi kiện.

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc; người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Về khoảng thời gian, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng (Điều 429), yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 588) là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại; thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện tại Điều 155 trong những trường hợp sau: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai; trường hợp khác do luật quy định.

Ảnh minh họa phiên tòa dân sự

Việc nghiên cứu các chứng cứ là vấn đề rất quan trọng trong việc xác định điểm mấu chốt của vụ việc, Kiểm sát viên phải xác định được các chứng cứ trong vụ án phải được thu thập và được lập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 93 BLTTDS không? Khi nghiên cứu về thủ tục thu thập tài liệu, chứng cứ cần phải chú ý một số điểm sau:Thứ tư, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

– Quy định về việc lấy lời khai đương sự: Các biên bản lấy lời khai phải do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện như Thẩm phán, Kiểm sát viên. Đối với người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng, việc sửa chữa biên bản ghi lời khai đương sự phải có xác nhận bằng chữ ký của họ.

Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu lời khai của các đương sự xem lời khai trước với lời khai sau có mâu thuẫn không? Phân tích, đánh giá lời khai có phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ việc dân sự. Theo yêu cầu của các đương sự hoặc khi các lời khai có mâu thuẫn, Thẩm phán có tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 100 BLTTDS? Việc hệ thống được lời khai của các đương sự và các chứng cứ liên quan sẽ giúp Kiểm sát viên định hướng được các vấn đề cần bổ sung hay cần làm rõ tại phiên tòa. Đối với lời khai người làm chứng là một trong những nguồn cung cấp chứng cứ quan trọng, nhưng phải yêu cầu họ cam đoan về lời khai của mình theo quy định tại Điều 99 BLTTDS. Khi nghiên cứu nguồn chứng cứ này, cần chú ý tính khách quan trong lời khai của họ; cần xem xét mối quan hệ của họ với nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, từ đó đánh giá lời khai của họ một cách khách quan, toàn diện.

– Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời: Ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 BLTTDS sửa đổi năm 2011, BLTTDS năm 2015 quy định thêm 04 biện pháp: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình, tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến việc đấu thầu, bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ cần xem xét Tòa án có áp dụng trái quy định hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng không đúng thời hạn hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng. Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ví dụ: Nguyên đơn khởi kiện “đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm” với bị đơn là chủ nhà đất giáp ranh nhưng lại có đơn yêu cầu Tòa án cấm bị đơn “thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”, cụ thể là cấm việc bị đơn sửa chữa, cơi nới nhà trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án, yêu cầu này là vượt quá yêu cầu khởi kiện nên không có căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này.

Cần kiểm tra đánh giá việc giao nộp, thu thập chứng cứ có đảm bảo tính hợp pháp, kịp thời, đầy đủ hay không, nếu chứng cứ không được thu thập hợp pháp, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thì sẽ không có giá trị chứng minh.

Nghiên cứu tài liệu về việc xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá, thẩm định giá tài sản: Xem xét tính hợp pháp của biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, biên bản định giá, việc tổ chức thẩm định, định giá có đúng thành phần, theo trình tự, thủ tục luật định hay không, Tòa án phải ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá, việc thẩm định giá tài sản có được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá? Kiểm tra sơ đồ nhà đất, tài sản tranh chấp có mô tả đầy đủ và chính xác đặc điểm, kích thước hiện trạng, những vết tích cũ theo mô tả của các bên đương sự… Từ đó giúp xác định được mâu thuẫn trong lời khai của các bên làm căn cứ xác định sự thật vụ án.

– Về quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án: Để đảm bảo tranh tụng trong xét xử, BLTTDS năm 2015 quy định về việc đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ giao nộp chưa đảm bảo đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, để xem xét các tài liệu đương sự giao nộp đã đầy đủ chưa đòi hỏi Thẩm phán cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ những tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đương sự. Ngoài ra, nhằm bảo đảm cho thủ tục giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ được khách quan, bình đẳng, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế, trong một số trường hợp, luật quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu như người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức hay cá nhân kinh doanh hàng hóa… Như vậy, khi nghiên cứu hồ sơ Kiểm sát viên cần xem xét vụ án có cần phải yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, cũng như phía bên nào có trách nhiệm giao nộp chứng cứ để yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ trong trường hợp thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm.

Ngoài nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, BLTTDS còn quy định trách nhiệm của đương sự khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ cũng phải sao gửi tài liệu chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác (trừ chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật nghề nghiệp, kinh doanh…). Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ, nếu hết thời hạn 15 ngày mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, VKS thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu vi phạm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định; việc xử phạt đó không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Vì vậy, khi nghiên cứu hồ sơ phải xem xét việc Tòa án, VKS có tiến hành các biện pháp trên trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ cho Tòa án, VKS.

Lưu ý về việc xác định chứng cứ: Cần nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ, kết hợp với lời khai của các đương sự để đánh giá chứng cứ, trong một số trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tài liệu, chứng cứ không đủ cơ sở để tiến hành giám định…

Nghiên cứu tài liệu giám định: Tài liệu giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, theo quy định của BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải chú ý xem những tài liệu có thuộc trường hợp phải bắt buộc trưng cầu giám định nhưng Thẩm phán chưa làm hoặc tuy có giám định nhưng lại chưa nêu được đầy đủ, rõ ràng các yêu cầu cần giám định, hoặc chưa cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ công tác giám định, dẫn đến trong một số trường hợp tài liệu cung cấp không đủ cơ sở để tiến hành giám định, phải tiến hành giám định lại nhiều lần…

Kiểm sát hồ sơ vụ việc dân sự cũng cần lưu ý đến biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, lưu ý đến quy định của BLTTDS năm 2015 về nghĩa vụ của đương sự phải sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác, nếu không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản.

Kiểm sát các căn cứ để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, việc thỏa thuận phải được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, phải hướng dẫn, giải thích cho đương sự nhằm bảo đảm việc thỏa thuận là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án…

Đối với vấn đề nhập, tách vụ án: Tòa án nhập, tách vụ án phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của các đương sự, nhằm giải quyết vụ án một cách nhanh gọn, đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, phải lưu ý những trường hợp Tòa án tách vụ án trong những trường hợp vụ việc có liên quan làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong những đương sự.

Kiểm sát viên nghiên cứu việc Tòa án áp dụng pháp luật trong việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a, b, c, e khoản 1 Điều 214 là những căn cứ có thể xác định được bằng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nghiên cứu việc Tòa án áp dụng pháp luật trong việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a, b, d, đ và e khoản 1 Điều 217 đúng không?

Đối với những vụ án áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn: Tòa án áp dụng loại việc giải quyết theo thủ tục rút gọn phải là những tranh chấp có tính chất đơn giản, sự việc rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu, chứng cứ đầy đủ; các đương sự đều có địa chỉ cư trú rõ ràng, không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài… theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án theo thủ tục này cũng ngắn hơn thời hạn giải quyết các vụ án thông thường. Trong trường hợp có những tình tiết phát sinh theo quy định thì chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Về thời hạn kháng cáo, đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc bản án, quyết định được niêm yết, thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 7 ngày, VKS cấp trên là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Kiểm sát viên phải lưu ý ngày nhận bản án, quyết định để bảo đảm thời hạn quy định này.

Nghiên cứu dư luận báo chí: Đối với những vụ việc phức tạp, tài sản tranh chấp lớn… thì dư luận, báo chí thường rất quan tâm; qua dư luận, báo chí cũng là một kênh tham khảo, nhưng cũng không loại trừ một số thông tin từ báo chí mang tính thương mại, thổi phồng, viết theo đơn đặt hàng của đương sự nhằm gây sức ép, do vậy, cơ quan tố tụng cần phải có chính kiến, quan điểm dựa trên sự thật khách quan.

Nghiên cứu quan điểm của luật sư: Những vụ việc có luật sư tham gia phiên tòa, cần phải xem xét Tòa án có bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa? Trên cơ sở hồ sơ vụ việc phải chuẩn bị tốt đề cương hỏi tại phiên tòa. Đối với việc nghiên cứu hồ sơ xét xử phúc thẩm, nghiên cứu kỹ quan điểm của luật sư ở giai đoạn sơ thẩm để chuẩn bị tốt cho đề cương hỏi, cũng như kiểm tra lại quan điểm của mình trong việc xử lý đối với kháng cáo, kháng nghị.

Nghiên cứu biên bản phiên tòa: Thành phần Hội đồng xét xử, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, căn cứ hoãn phiên tòa, tạm ngưng phiên tòa và thời hạn hoãn, tạm ngưng phiên tòa có đúng quy định tố tụng không? Biên bản phiên tòa có phản ánh khách quan, trung thực diễn biến tại phiên tòa không? (Kiểm sát viên phải kiểm tra bút ký phiên tòa ngay sau khi xét xử xong); kiểm tra việc sửa chữa, bổ sung bản án (nếu có).

Thứ năm, kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đề cương hỏi và những vấn đề cần đối đáp.

Kiểm sát viên phải chuẩn bị kỹ các câu hỏi tại phiên tòa, các câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu, tránh đặt câu hỏi trùng lắp, câu hỏi dài dòng làm cho người bị hỏi khó trả lời, không đặt câu hỏi thuộc về cá nhân, đời sống riêng tư, xâm phạm danh dự của đương sự. Tập trung đặt câu hỏi để làm rõ, giải quyết những mâu thuẫn của các tài liệu, chứng cứ cũng như những vấn đề chưa rõ trong lời khai của các đương sự. (Lưu ý: Quá trình xét xử tại phiên tòa, luật quy định Kiểm sát viên tham gia hỏi sau cùng nhằm đề cao vai trò tranh tụng của các bên đương sự, Kiểm sát viên cần tập trung lắng nghe, ghi chép những câu hỏi đã được hỏi tại phiên tòa để tránh hỏi trùng lắp; đặt câu hỏi tùy thuộc vào diễn biến tại phiên tòa).

Nghiên cứu cách tính án phí và các chi phí tố tụng khác của Tòa án có đúng quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí và gần đây nhất là quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ sáu, kinh nghiệm chuẩn bị phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Văn bản phát biểu được lập theo hướng dẫn tại Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSTC-TANDTC ngày 31/8/2016, cụ thể như sau:

– Phát biểu của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ việc cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Phát biểu của Kiểm sát viên cần phải nêu rõ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán khi tiến hành thụ lý vụ án về thẩm quyền, các thủ tục tố tụng khác như xác định quan hệ phát sinh tranh chấp, xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, xác minh, thu thập chứng cứ, các thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, thời hạn chuẩn bị xét xử, các thủ tục triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử… của Thẩm phán có đúng quy định của pháp luật hay không? Thư ký phiên tòa có tuân thủ chức năng, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa? Người tham gia tố tụng có tuân theo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tố tụng không? thực hiện nghiêm túc nội quy phiên tòa không?

– Phát biểu về việc giải quyết vụ án: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Kiểm sát viên phát biểu về đường lối giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của người có yêu cầu độc lập (nếu có). Phát biểu của Kiểm sát viên phải làm rõ các tình tiết của vụ án, yêu cầu của các bên đương sự, đại diện của họ và những người tham gia tố tụng khác; phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự, trên cơ sở đó nêu quan điểm giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần phải lưu ý là căn cứ vào kết quả hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, phân tích điều chỉnh quan điểm đã dự thảo của Viện kiểm sát.

Các căn cứ xét kháng cáo quá hạn: Khi đương sự có lý do chính đáng như gặp trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan do thiên tai, lũ lụt, bệnh nặng hoặc tai nạn… làm cho người kháng cáo không thể thực hiện được quyền kháng cáo trong thời hạn theo luật định.

 

(Trích bài viết: “Giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS năm 2015” của tác giả Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ 9 và tác giả Đoàn Thị Thu, KSVCC Vụ 9 VKSND tối cao. Tạp chí Kiểm sát số 5/2018).

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.