Kinh nghiệm lập yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Việc đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Hoạt động điều tra có đúng hướng, đầy đủ hay không, có kịp thời hiệu quả hay không một phần rất lớn phụ thuộc vào việc đề ra các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên.

Yêu cầu điều tra là hoạt động tố tụng quan trọng trong việc gắn chức năng công tố với điều tra như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 49/ NQ – TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên là văn bản pháp lý trong việc điều tra giải quyết một vụ án hình sự được quy định trong nhiều văn bản pháp luật sau:

Điều 37, khoản 1 điểm b của BLTTHS quy định:“Kiểm sát viên được phân công thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có nhiệm vụ và quyền hạn: đề ra yêu cầu điều tra”.

Theo Điều 112, khoản 2 của BLTTHS:“Nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra: Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này”.

Điều 114 của BLTTHS quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát”

Tại mục 9, Thông tư liên tịch số 05 ngày 07/9/2005 của VKSND tối cao – Bộ Công an – Bộ quốc phòng quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát tại các điểm 1, 2 và 3 Điều 112 của BLTTHS”

Như vậy, việc đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Hoạt động điều tra có đúng hướng, đầy đủ hay không, có kịp thời hiệu quả hay không một phần lớn phụ thuộc vào việc đề ra các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên. Vì vậy, Kiểm sát viên phải bám sát quá trình điều tra vụ án của Điều tra viên để có những yêu cầu điều tra kịp thời, có hiệu quả, đúng với những vấn đề cần phải điều tra. Nếu Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra một cách kịp thời và đúng những vấn đề cần phải điều tra, thì sẽ hạn chế tình trạng oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, hạn chế được tình trạng phải hoàn trả hồ sơ giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng do thiếu chứng cứ… qua đó uy tín của Kiểm sát viên với Cơ quan điều tra được nâng cao.

Khác với Kế hoạch điều tra của Cơ quan điều tra, Yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên là văn bản pháp lý có tính chất định hướng cho hoạt động điều tra đúng những vấn đề cần phải điều tra và Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và nhanh chóng. Căn cứ vào Yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên, Điều tra viên xây dựng Kế hoạch điều tra vụ án báo cáo Lãnh đạo duyệt và tiến hành các hoạt động điều tra theo kế hoạch. Kế hoạch điều tra vụ án bao gồm các hoạt động điều tra theo tố tụng và các hoạt động nghiệp vụ trinh sát mang tính chất nội bộ của Cơ quan điều tra, không mang tính pháp lý bắt buộc và không được đưa vào hồ sơ vụ án.

Hoạt động đề ra Yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên bắt đầu từ khi khởi tố vụ án, xuyên suốt quá trình điều tra và kết thúc khi vụ án được đình chỉ hoặc truy tố bằng bản Cáo trạng. Hình thức của yêu cầu điều tra đã được hướng dẫn tại Mục 15.1 của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA – BQP ngày 07/9/2005 của VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Điều 19 Quy chế số 07 ngày 02/01/2008 của VKSND tối cao, theo đó thì yêu cầu điều tra có thể được thể hiện dưới hai dạng:

Một là, yêu cầu điều tra bằng lời nói, do Kiểm sát viên đề ra trong quá trình trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đối chất, thực nghiệm điều tra.

Hai là, yêu cầu điều tra bằng văn bản do Kiểm sát viên đề ra liên quan đến những vấn đề cần điều tra để củng cố chứng cứ hoặc để làm rõ những tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể là:

– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, không gian, địa điểm có khách thể xâm hại hay không và những tình tiết khác của hành vi phạm tội.

– Ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội.

– Thu thập đầy đủ những tình tiết tăng nặn, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những đặc điểm về nhân thân của bị can.

– Thu thập đầy đủ các chứng cứ phục vụ cho việc đánh giá tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, các chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (ví dụ: bồi thường khắc phục hậu quả, các chi phí điều trị thương tích, chi phí mai táng, chi phí khắc phục hậu quả…)

 

Mỗi vụ án khác nhau đòi hỏi những nội dung khác nhau khi yêu cầu điều tra. Tuy nhiên cần phải thống nhất nhận thức là mặc dù có nêu yêu cầu điều tra về vấn đề gì trong nội dung bản yêu cầu điều tra thì cũng đều nhằm bảo đảm những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại các Điều 10, 63 và 302 của Bộ luật tố tụng hình sự có liên quan đến tội phạm và người phạm tội phải được điều tra làm rõ.

 

Đề ra yêu cầu điều tra một cách toàn diện, chính xác, đầy đủ đòi hỏi Kiểm sát viên phải biết phân tích, tổng hợp, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và hậu quả của nó. Phải xác định được vai trò, trách nhiệm và nhân thân của từng bị can, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trên cơ sở nghiên cứu kỹ các tài liệu điều tra đã có trong hồ sơ, đối chiếu với quy định về những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự để tìm ra các vấn đề chưa được làm sáng tỏ, từ đó yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra.

Việc thu thập chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ vô tội của bị can, không được bỏ sót một chứng cứ cần thiết nào, bởi thực tế đã chứng minh, trong quá trình điều tra, đôi khi bỏ qua một tình tiết nhỏ nhưng dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Cần chú trọng yêu cầu thu thập các chứng cứ vật chất vì đây là nguồn chứng cứ rất quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội đặc biệt trong những vụ án phức tạp các bị can phản cung chối tội, người bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác thay đổi lời khai. Khi tiến hành điều tra vụ án, những vấn đề đương nhiên Điều tra viên phải làm (như lập danh chỉ bản, xác định căn cước, lý lịch bị can…) thì không cần yêu cầu điều tra bằng văn bản. Nếu trong hồ sơ vụ án thiếu những tài liệu đó thì Kiểm sát viên trao đổi yêu cầu Điều tra viên bổ sung.

 

Cần lưu ý, nội dung bản yêu cầu điều tra phải nêu lên được những vấn đề chưa được Cơ quan điều tra chứng minh, làm rõ trong vụ án tùy thuộc vào nội dung từng vụ án và từng loại tội phạm cụ thể. Yêu cầu điều tra đòi hỏi phải mang tính khả thi, có nội dung rõ ràng, tránh tình trạng nêu yêu cầu không rõ ràng, không mang tính khả thi khiến Điều tra viên không thể tiến hành điều tra được. Ví dụ, trong vụ án giết người xảy ra trên biển, sau khi gây án bị can đã ném dao là hung khí xuống biển, rõ ràng con dao là vật chứng rất quan trọng, tuy nhiên nếu yêu cầu Điều tra viên thu thập vật chứng là con dao này dưới một vùng biển rộng là việc làm không khả thi.

 

Yêu cầu điều tra phải đảm bảo hoạt động điều tra tuân thủ trình tự tố tụng mà BLTTHS đã quy định. Trên thực tế, các Điều tra viên thường giỏi về chiến thuật điều tra nhưng thường thiên về thu thập chứng cứ buộc tội, coi nhẹ việc thu thập các chứng cứ gỡ tội và việc tuân thủ các thủ tục tố tụng. Vì vậy, căn cứ kết quả, tài liệu điều tra cụ thể mà Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra làm rõ sự thật khách quan của vụ án, bổ sung, khắc phục những tồn tại về việc áp dụng các thủ tục tố tụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung sau khi vụ án đã được kết thúc điều tra chuyển sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố.

Để có một bản yêu cầu điều tra chất lượng, có nội dung đầy đủ, toàn diện, sát với tiến độ điều tra và bảo đảm mang tính khả thi, theo chúng tôi cần phải thực hiện các bước sau:

Bước 1, nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ, phân tích, đánh giá chứng cứ, đưa ra các giải thuyết về diễn biến của vụ án, đặt ra các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 63 và Điều 302 của Bộ luật tố tụng hình sự, trên cơ sở đó nêu những vấn đề cần điều tra để yêu cầu điều tra. Bên cạnh đó Kiểm sát viên phải nghiên cứu các thủ tục tố tụng, xác định những thủ tục nào chưa được thực hiện hay đã thực hiện nhưng chưa đúng quy định của BLTTHS để yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện và khắc phục, bổ sung, hoàn thiện.

Bước 2, soạn thảo yêu cầu điều tra đảm bảo đúng hình thức, nội dung quy định, trình Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo phòng thông qua bản yêu cầu điều tra trước khi ban hành. Sau khi Kiểm sát viên ký và đóng dấu, bản yêu cầu điều tra được gửi cho Lãnh đạo Cơ quan điều tra và Điều tra viên trực tiếp thụ lý điều tra vụ án, Lãnh đạo Viện và Lãnh đạo phòng, lưu hồ sơ kiểm sát. Kiểm sát viên cần làm việc với Điều tra viên về từng nội dung yêu cầu điều tra để có sự thống nhất về hoạt động điều tra. Những nội dung nào, Điều tra viên chưa rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ thì cần giải thích. Trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi với Điều tra viên về cách thức tiến hành điều tra để đạt được nội dung theo yêu cầu điều tra.

Bước 3, Kiểm sát viên thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra, những vấn đề phát sinh cần điều tra tiếp thì trao đổi trực tiếp bằng lời với Điều tra viên hoặc Lãnh đạo Cơ quan điều tra hoặc ra bản yêu cầu điều tra bổ sung tiếp theo.

Bước 4, trước khi vụ án kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên chuyển toàn bộ hồ sơ cho Kiểm sát viên nghiên cứu để xác định toàn bộ yêu cầu điều tra đã được Điều tra viên thực hiện đầy đủ chưa, có những vấn đề nào chưa thực hiện hoặc cần phải điều tra bổ sung thì tiếp tục yêu cầu điều tra để hoàn chỉnh hồ sơ trước khi kết luận điều tra.

 

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.