Khái quát chung về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật thuế

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Khái niệm thanh tra thuế

Thanh tra thuế là một dạng thanh tra chuyên ngành. Khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó”. Như vậy, thanh tra thuế là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành những hoạt động mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ đối với các đối tượng nộp thuế và các chủ thể có liên quan trong lĩnh vực thuế nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong việc tuân thủ pháp luật về thuế của các đối tượng đó. Thanh tra thuế là kiểm tra đối tượng nộp thuế ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn.

Điều 81 Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định các trường hợp thanh tra thuế bao gồm: (i) Thanh tra thuế định kì một năm không quá một lần đối với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng; (ii) Thanh tra thuế khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và (iii) Thanh tra thuế để giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Khái niệm kiểm tra thuế

Kiểm tra thuế là công việc thường xuyên mang tính chất nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế được thực hiện ngay tại trụ sở cơ quan thuế dựa trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Việc kiểm tra thuế được thực hiện tại trụ sở của người nộp thuế, chỉ thực hiện khi họ không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thuế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu. Nội dung kiểm tra thuế là việc kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế.

Có thể thấy rằng, cả thanh tra, kiểm tra thuế đều có mục đích nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật thuế, góp phần thúc đẩy cá nhân, tổ chức hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình, hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của công dân. Hơn nữa, cả thanh tra và kiểm tra thuế đều phải xem xét hoạt động thực tế của đối tượng chịu sự quản lý để từ đó phát hiện đánh giá thực trạng tình hình một cách khách quan, chính xác, trung thực, làm rõ đúng sai, chỉ rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục và xử lý sai phạm tuy nhiên giữa chúng cũng có một số những điểm khác biệt nhất định như về chủ thể: đối với thanh tra thì chỉ có tổ chức thanh tra thuế chuyên trách mới có quyền thực hiện thanh tra (trừ trường hợp sử dụng cán bộ ngoài ngành nhưng phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định) trong khi đó chủ thể tiến hành kiểm tra thuế thì rộng hơn gồm  cơ quan, bộ phận và công chức quản lý thuế nhà nước. Về nội dung: Thanh tra thuế thường áp dụng đối với những vấn đề phức tạp, bao gồm những hành vi thuộc về quá khứ nên để có kết luận chính xác và có những đánh giá đúng đắn các vụ việc đòi hỏi phải có thời gian, nghiệp vụ thanh tra để kiểm tra thu thập các tài liệu cần thiết. Còn kiểm tra thuế thường áp dụng đối với những vấn đề ít phức tạp hơn, thường là những vấn đề hiện tại dễ nhận biết thực chất của chúng hơn. Về thời gian tiến hành thì thanh tra thuế có thời gian tiến hành dài hơn kiểm tra thuế, cụ thể thanh tra thuế có thể kéo dài không quá 30 ngày còn kiểm tra thuế không quá 5 ngày..v..v..

 

Khái niệm xử lý vi phạm pháp luật thuế

Trong khoa học pháp lý, vi phạm pháp luật nói chung được hiểu là hành vi làm trái các quy định của pháp luật, do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại đến lợi ích chung và do đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó của mình. Theo đó, có thể hiểu vi phạm pháp luật thuế là hành vi làm trái các quy định pháp luật về thuế do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại đến trật tự công cộng và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó của mình. Trong thực tiễn, các hành vi vi phạm pháp luật thuế diễn ra rất đa dạng, tinh vi và phức tạp với nhiều dạng thức khác nhau. Chính vì vậy, việc phân loại vi phạm pháp luật về thuế có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt giúp cho các nhà làm luật xây dựng được cơ chế xử lí phù hợp, thỏa đáng đối với từng nhóm loại và từng hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Trên thực tế, người ta thường phân chia vi phạm pháp luật thuế thành các loại sau đây:

Thứ nhất, vi phạm hành chính về thuế: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là hành vi làm trái các quy định pháp luật hành chính trong lĩnh vực thuế, do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại đến những lợi ích được pháp luật hành chính bảo vệ nhưng chưa đến mức xử lý hình sự và phải chịu trách nhiệm hành chính. Hành vi vi phạm pháp luật thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi thỏa mãn các dấu hiệu sau đây:
– Có hành vi vi phạm pháp luật về thuế được phát hiện và lập biên bản bởi cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền.
– Có quy định xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm.
– Chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, vi phạm hình sự về thuế: Vi phạm hình sự về thuế là hành vi trái pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm hại đến các lợi ích phát sinh từ quan hệ nộp thuế được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật thuế được xác định là nghiêm trọng mà thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự thì không xử phạt hành chính mà phải chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý hình sự. Theo đó, ngoài tội trốn thuế (Điều 200 BLHS năm 2015), còn có 2 tội danh liên quan đến tài chính – kế toán (thực chất là các hoạt động hỗ trợ việc gian lận thuế), đó là Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203 BLHS năm 2015) và Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 204 BLHS năm 2015).

Thứ ba, các vi phạm khác về thuế: Nhìn từ góc độ pháp lý thì còn có các vi phạm khác về thuế như quy định về hình thức tờ khai đăng ký thuế, hình thức của văn bản đăng ký kê khai thuế và văn bản thông báo thuế, hình thức văn bản quyết định giải quyết khiếu nại về thuế…

Như vậy, xử lý vi phạm pháp luật thuế có thể được hiểu là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các chế tài xử lý phù hợp với hành vi vi phạm pháp luật thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.