Khái niệm và các hình thức (các loại) áp dụng pháp luật tương tự

(Ảnh minh họa - Nguồn: hocluat.vn)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Trong quá trình làm luật, các nhà làm luật ở các quốc gia, nhất là các quốc gia đương đại đều cố gắng dự kiến đến mức tối đa các trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, nhằm tạo ra đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc xảy ra trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật rất khó tránh được tình trạng có những vụ việc có tính chất pháp lý, liên quan đến lợi ích của nhà nước, của cộng đồng xã hội hoặc của cá nhân buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết, nhưng trong hệ thống pháp luật lại không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó. Đây chính là  tình trạng thiếu pháp luật, tình trạng pháp luật có những lỗ hổng, những khoảng trống.

Tình trạng trên xảy ra vì nhiều lý do. Có thể là do đời sống xã hội quá phức tạp, các vụ việc xảy ra trong thực tế cuộc sống vô cùng đa dạng, phong phú mà khả năng nhận thức của con người chỉ có hạn nên các nhà làm luật không thể dự kiến được hết tất cả các trường hợp đó. Có thể là do các quan hệ xã hội phát triển quá nhanh, khi người ta xây dựng và ban hành luật thì nó  chưa xảy ra nên các nhà làm luật không dự kiến việc điều chỉnh nó. Chẳng hạn, khi Quốc hội soạn thảo và ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 thì ở nước ta chưa xảy ra hiện tượng đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, vì thế, trong Bộ luật hình sự lúc đó chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý hình sự đối với những người đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng có thể có những sự kiện chỉ là ngoại lệ, có những quan hệ xã hội chỉ xảy ra đột xuất, nhất thời nên không cần phải ban hành một quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh những quan hệ đó…

Khi gặp các trường hợp nêu trên, để kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhà nước, của xã hội, của cá nhân thì các chủ thể có thẩm quyền không thể chờ đến khi ban hành được quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc mới giải quyết mà phải giải quyết ngay bằng cách áp dụng pháp luật tương tự.

1. Khái niệm áp dụng pháp luật tương tự

Trên cơ sở cách hiểu về áp dụng pháp luật, chúng ta có thể hiểu: Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật khi trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó.

Với cách hiểu này, ta thấy, áp dụng pháp luật tương tự vừa mang các đặc điểm của áp dụng pháp luật nói chung vừa có những đặc điểm riêng làm cho nó khác với các trường hợp áp dụng pháp luật khác. Nếu như áp dụng pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở quy pháp pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó nhằm cá biệt hoá quy phạm pháp luật đó vào trường hợp cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể thì áp dụng pháp luật tương tự lại là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể khi trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó, tức là không có khuôn mẫu trực tiếp do nhà nước quy định cho việc giải quyết vụ việc đó. Vì thế, áp dụng pháp luật tương tự chỉ được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định nhằm hạn chế đến mức tối đa sự tuỳ tiện của người áp dụng.

Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động rất cần thiết trong cuộc sống nhằm khắc phục tất cả các chỗ trống của pháp luật, để điều chỉnh cụ thể đối với tất cả các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật nhưng lại chưa có pháp luật để điều chỉnh, bất kể đó là trường hợp chưa có nhu cầu điều chỉnh khi ban hành pháp luật (tức là khi đó quan hệ xã hội chưa xuất hiện) hay trường hợp cần được điều chỉnh nhưng những người ban hành pháp luật chưa nhận thức ra được hay quan hệ xã hội đó chỉ là ngoại lệ, bất thường, chỉ xảy ra một vài lần trong cuộc sống. Nó cần thiết không chỉ cho riêng một quốc gia nào vì với điều kiện phức tạp và đầy biến động của đời sống xã hội thì khó có hệ thống pháp luật của quốc gia nào đủ khả năng điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật, kể cả khi có trình độ phát triển tương đối cao. Bên cạnh tác dụng trên, áp dụng pháp luật tương tự còn có tác dụng khác nữa là tạo điều kiện tích lũy kinh nghiệm giải quyết các vụ việc thực tế cho các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật, đồng thời trên cơ sở đó có thể đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

2. Các hình thức (các loại) áp dụng pháp luật tương tự:

Tương tự như áp dụng pháp luật, áp dụng pháp luật tương tự cũng rất đa dạng, song khái quát lại có thể chia thành hai hình thức (hai loại) cơ bản là áp dụng tương tự quy phạm pháp luậtáp dụng tương tự pháp luật. Có thể phân biệt được hai hình thức này với nhau khi xem xét cụ thể về từng hình thức.

a) Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật:

* Khái niệm: Từ khái niệm áp dụng pháp luật tương tự đã nêu, có thể hiểu áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật dựa trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy.

* Điều kiện áp dụng: Việc áp dụng tương tự quy phạm pháp luật chỉ có thể được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định. Đó là những điều kiện sau đây:

Thứ nhất, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc, tức là vụ việc đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Hay nói cách khác, đó là quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật bởi vì nó liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhà nước, tập thể hoặc cá nhân. Nếu vụ việc không có tính chất pháp lý thì đương nhiên các chủ thể có thẩm quyền không cần thụ lý và giải quyết.

Thứ hai, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (vì có như vậy thì mới có thể được phép áp dụng pháp luật tương tự) nhưng có quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì khi đó thì mới có thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật). Đồng thời, phải xác định được một cách cụ thể quy phạm tương tự đó nằm trong điều khoản nào của văn bản quy phạm pháp luật nào để có thể coi đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết vụ việc của mình.

Ở nước ta trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, hoạt động áp dụng tương tự quy phạm pháp luật được thực hiện trong cả lĩnh vực hình sự. Từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực, việc áp dụng tương tự quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hình sự ở nước ta đã chấm dứt. Riêng trong lĩnh vực dân sự, việc áp dụng tương tự quy phạm pháp luật chính thức được ghi nhận tại Điều 14 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bên cạnh hình thức áp dụng trên trong thực tế còn có trường hợp có vụ việc có tính chất pháp lý xảy ra, có liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân cần phải được giải quyết song trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó và cũng không có quy phạm pháp luật điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy. Khi đó, các chủ thể có thẩm quyền sẽ phải giải quyết bằng cách áp dụng tương tự pháp luật.

b) Áp dụng tương tự pháp luật

* Khái niệm: Áp dụng tương tự pháp luật là một hình thức áp dụng pháp luật tương tự, có thể hiểu: Áp dụng tương tự pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật dựa trên cơ sở các nguyên tắc chung của pháp luật và ý thức pháp luật.

Khi tiến hành giải quyết một vụ việc có tính chất pháp lý, vì trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào có thể dựa vào để giải quyết, kể cả quy  phạm trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó lẫn quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy thì các chủ thể có thẩm quyền phải giải quyết bằng cách áp dụng tương tự pháp luật.

* Điều kiện áp dụng: Việc áp dụng tương tự pháp luật đòi hỏi sự sáng tạo rất cao của người áp dụng, song cũng rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện của người áp dụng, vì vậy, nó chỉ được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định.

  • Điều kiện thứ nhất tương tự như của hình thức áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, tức là chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc vì nếu vụ việc không có tính chất pháp lý thì không cần giải quyết.
  • Điều kiện thứ hai đó là chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (bởi vì nếu có thì đương nhiên phải áp dụng pháp luật) và cũng không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì nếu có thì phải áp dụng tương tự quy phạm pháp luật).

Nói chung, sự phân định thành hai hình thức áp dụng pháp luật tương tự như trên dường như chủ yếu có ý nghĩa về mặt lý luận và chỉ được đề cập đến trong khoa học pháp lý, còn trong pháp luật thực định của nước ta thì không có sự phân định này. Cụ thể, trong pháp luật dân sự Việt Nam, hai cụm từ “áp dụng quy định tương tự của pháp luật” và “áp dụng tương tự pháp luật” được dùng đồng nghĩa với nhau. Điều này được thể hiện rõ trong việc đặt tên hai điều luật đề cập đến vấn đề này trong hai bộ luật dân sự của nước ta. Cụ thể, Điều 14 Bộ luật dân sự năm 1996 được đặt tên là “Nguyên tắc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật”, còn Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 lại được đặt tên là: “Áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật” với nội dung như đã nêu.

Hai điều luật trên không chỉ quy định về việc áp dụng tương tự quy phạm pháp luật mà còn quy định về việc áp dụng tập quán trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tế của các chủ thể có thẩm quyền. Theo các quy định này thì có thể thấy, khi giải quyết các vụ việc pháp lý cụ thể, các chủ thể có thẩm quyền chủ yếu áp dụng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh đó, họ còn có thể áp dụng tập quán và áp dụng pháp luật tương tự. Tập quán nào được các chủ thể có thẩm quyền áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc thực tế thì sẽ trở thành tập quán pháp – một trong các hình thức cơ bản của pháp luật.

Ts. Nguyễn Thị Hồi / Chuyên trang học luật trực tuyến (hocluat.vn)

 


Các tìm kiếm liên quan đến áp dụng tương tự pháp luật, ví dụ về áp dụng tương tự pháp luật trong luật dân sự, trường hợp áp dụng tương tự pháp luật, ví dụ về các trường hợp áp dụng pháp luật tương tự, so sánh áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật. cho ví dụ minh họa, nguyên tắc tương tự trong luật hình sự\, ví dụ áp dụng tập quán trong luật dân sự, thực trạng áp dụng pháp luật ở việt nam, nguyên tắc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.