Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật?

Chia sẻ nếu thấy bài hay

      Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định  của Luật Hôn nhân và gia đình.

.     Việc kết hôn trái pháp luật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người kết hôn mà còn ảnh hưởng tới gia đình, con cái và họ hàng hai bên cũng như trật tự xã hội. Vậy theo quy định của pháp luật, hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật được quy định như thế nào?

.     Theo quy định tại điều 12, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014, quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật thì:

 

Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

 

.     Về nguyên tắc, Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Vì vậy, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ đã kết hôn trái pháp luật phải chấm dứt ngay quan hệ vợ chồng.

.     Về quan hệ giữa cha mẹ và con được xây dựng dựa trên quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, không phụ thuộc vào việc cha mẹ có kết hôn hợp pháp hay không. Vì vậy khi tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì vấn đề con cái được giải quyết như trong trường hợp vợ chồng ly hôn (Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn). Như vậy khi tòa án tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật thì cha, mẹ có thể thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào điều kiện thực tế của cha mẹ nhằm đảm bảo sự phát triển tốt nhất về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

.     Về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng được giải quyết  theo sự thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật (Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn). Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đấy. Khi Tòa án chia tài sản chung, phải tính tới công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, đồng thời ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.

.     Vì pháp luật không thừa nhận quan hệ vợ chồng đối với những trường hợp kết hôn trái pháp luật, nên các bên trong quan hệ này không được hưởng thừa kế của nhau nếu như chia di sản thừa kế theo pháp luật trong trường hợp một trong hai bên chết. Tuy nhiên, vì quan hệ giữa cha mẹ với con cái không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không, nên trong trường hợp này con vẫn có quyền được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế nếu như cha, mẹ chết./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.