Định tội danh đối với hành vi bán lô đề

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Cùng một hành vi bán lô đề cho nhiều người, với số tiền mỗi lô đề từ 20.000.000 đồng trở lên hoặc cho từ 10 người chơi trở lên nhưng có nơi lại truy tố, xét xử người bán số đề tội “Đánh bạc” nhưng lại có nơi lại truy tố, xét xử người bán số đề tội “Tổ chức đánh bạc”.

 

Vụ án thứ nhất:

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 18/7/2013, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện C, tỉnh H tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Lâm Ngọc T đang bán số đề tại nhà. Qua khai đấu tranh khai thác, Lâm Ngọc T thừa nhận ghi số đề được khoảng hơn một tháng thì bị bắt. Ngày 16/7/2013 bán cho 14 người, với tổng số tiền là 6.496.500 đồng. Ngày 17/7/2013, bán số đề cho 10 người với tổng số tiền là 4.967.000 đồng. Ngày 18/7/2013, bán cho khoảng 03 – 04 người nhưng chỉ nhớ bán cho Dương Văn T với số tiền là 146.000 đồng và các con số được thể hiện trên phơi đề số 12. Những người còn lại không nhớ họ tên, địa chỉ và các con số do không có ghi vào phơi đề mà chỉ ghi trên tay, khi bị bắt T đã xóa bỏ. Hình thức ăn thua đầu đuôi, bao lô hai con số với tỷ lệ ăn thua là 1.000 đồng trúng 70.000 đồng; bao lô ba con số thì 1.000 đồng trúng 600.000 đồng, khi bao lô tùy theo người mua sẽ tính 13 lô hoặc 14 lô.

Với hành vi phạm tội như trên, Lâm Ngọc T bị Tòa án nhân dân huyện C tuyên phạm tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999.

 

Vụ án thứ hai:

Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 11/5/2017, Phan Văn V và Nguyễn Văn C đến nhà Nguyễn Trọng B ở xóm N, xã T, huyện L, tỉnh H đánh bạc trái phép dưới hình thức mua số lô, số đề. Phan Văn V đã mua của Nguyễn Trọng B các số lô 86, 80, 64, 59 với số tiền 4.500.000 đồng. Nguyễn Văn C mua của Nguyễn Trọng B các số lô 03, 30, 97 với số tiền 690.000 đồng. V đưa cho B số tiền 4.500.000 đồng, C đưa cho B số tiền 700.000 đồng, B đã nhận đủ tiền và đưa cáp lô cho V và C, B chưa kịp trả 10.000 đồng cho C thì bị Công an huyện L, tỉnh H phối hợp với Công an xã T, huyện L, tỉnh H bắt quả tang.

Kết quả điều tra xác định được Nguyễn Trọng B đã bán số lô, đề trái phép từ ngày 17/01/2017 đến ngày 25/01/2017 và từ ngày 02/02/2017 đến ngày 10/5/2017, cụ thể như sau: Có 37 ngày bị cáo B bán số lô, đề nhưng tổng số tiền sử dụng vào việc đánh bạc của từng ngày là dưới 5.000.000 đồng (phần này không tính để xác định tội danh với bị cáo); Có 70 ngày bị cáo B bán số lô, đề nhưng tổng số tiền sử dụng vào việc đánh bạc của từng ngày là trên 5.000.000 đồng (trong đó có 4 ngày số tiền dùng vào việc đánh bạc trên 20.000.000 đồng). Như vậy, tổng số tiền bị cáo B bán trong 70 ngày là 318.289.000 đồng, số tiền bị cáo B trả thưởng là 428.500.000 đồng nên tổng số tiền xác định đánh bạc trái phép là 828.318.500 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo Nguyễn Trọng B phạm tội: “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự.

 

Như vậy, trong hai vụ án trên có thể thấy thực tiễn xét xử trong thời gian qua còn có ý kiến trái ngược về việc định tội danh đối với hành vi bán lô đề. Cùng một hành vi bán lô đề cho nhiều người, với số tiền mỗi lô đề từ 20.000.000 đồng trở lên hoặc cho từ 10 người chơi trở lên nhưng có nơi lại truy tố, xét xử người bán số đề tội “Đánh bạc” nhưng lại có nơi lại truy tố, xét xử người bán số đề tội “Tổ chức đánh bạc”.

Vậy, việc định tội danh như thế nào cho đúng đối với hành vi này để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật? và dựa trên cơ sở nào để định tội danh?

Dấu hiệu về mặt khách quan của Tội đánh bạc theo Điều 321 BLHS năm 2015 (Điều 248 BLHS năm 1999) thì người phạm tội phải có hành vi “đánh bạc trái phép”. Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 01) thì “đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”. Ngoài ra, để cấu thành tội này thì giá trị tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc phải từ 5.000.000 đồng trở lên (theo quy định tại Điều 248 của BLHS năm 1999 là từ 2.000.000 đồng trở lên).

Trường hợp đã xác định hành vi đánh bạc trái phép nhưng số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc dưới 5.000.000 đồng thì người đánh bạc trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc nếu như đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Dấu hiệu khách quan của Tội tổ chức đánh bạc theo Điều 322 BLHS năm 2015 (Điều 249 BLHS năm 1999) được hiểu là hành vi cầm đầu, chủ mưu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo và tạo điều kiện thuận lợi khác cho những người khác tham gia đánh bạc trái phép với mục đích ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật với nhau. Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 thì người phạm tội này phải tổ chức cho nhiều người đánh bạc với “quy mô lớn”. Điều 322 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa “quy mô lớn” thành các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người giam gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.

Ngoài những trường hợp được xem là “quy mô lớn” vừa nêu, nếu người tổ chức đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh bạc; hoặc đã bị kết án về tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh bác chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc. Ngược lại, nếu tổ chức đánh bạc nhưng không thuộc trường hợp “quy mô lớn” nhưng số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc có giá trị trên 5.000.000 đồng thì họ phải chịu trách nhiệm về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm.

Như vậy, Tội đánh bạc và Tổ chức đánh bạc đều có điểm chung giống nhau là tội phạm có cấu thành vật chất và mục đích mà người phạm tội hướng đến là thu lợi bất chính mà không trực tiếp lao động hoặc đầu tư vào hoạt động sản xuất một cách hợp pháp.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tội đánh bạc và Tổ chức đánh bạc thể hiện ở hành vi và ý thức phạm tội. Đánh bạc là hành vi giữa hai hay nhiều chủ thể cùng đánh bạc với nhau nhằm mục đích ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật một cách trái phép. Tổ chức đánh bạc là hành vi đơn lẻ của một người phạm tội hoặc của nhiều người phạm tội nhằm hướng đến mục đích giúp cho 02 người trở lên cùng tham gia đánh bạc trái phép. Nhưng trên thực tế người tổ chức đánh bạc vừa có hành vi tổ chức đánh bạc và vừa trực tiếp tham gia đánh bạc hoặc người phạm tội đánh bạc lại tham gia đánh bạc “với quy mô lớn” nên việc định tội danh rất dễ dẫn đến sự nhầm lẫn. Do đó, để tránh sự nhầm lẫn cần phải chứng minh hành vi phạm tội là để đánh bạc hay tổ chức đánh bạc, nếu có hành vi tổ chức đánh bạc thì có thuộc trường hợp có “quy mô lớn” hay không? Nếu có hành vi tổ chức và thuộc trường hợp “quy mô lớn” là Tội tổ chức đánh bạc. Ngược lại, nếu có hành vi tổ chức nhưng không có “quy mô lớn” hoặc có quy mô lớn nhưng không có hành vi tổ chức thì phải xác định là Tội đánh bạc.

Với những phân tích trên thì việc định tội danh đối với hành vi đánh lô, đề trong từng vụ án cụ thể được xác định như sau:

– Nếu người bán số đề trực tiếp bán cho nhiều người và trực tiếp ăn thua với họ thì đây là trường hợp một người (chủ đề) đánh bạc với nhiều người (người mua số đề) nên việc định tội danh như sau:

Người bán số đề (chủ đề) phạm tội đánh bạc nếu tổng số tiền lô, đề đã bán cộng với số tiền mà người chơi trúng giải (nếu có) từ 5.000.000 đồng trở lên (hoặc 2.000.000 đồng theo BLHS năm 1999) trong cùng một lô đề.

Người mua số đề phạm tội đánh bạc nếu tổng số tiền mua đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) là từ 5.000.000 đồng trở lên trong cùng một lô đề.

Như vậy, đối với vụ án thứ nhất nêu trên thì Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lâm Ngọc T về Tội tổ chức đánh bạc là chưa đúng với hành vi phạm tội của bị cáo mà lẽ ra phải xét xử bị cáo Tội đánh bạc như trường hợp của bị cáo Nguyễn Trọng B trong vụ án thứ hai.

– Trường hợp người bán số đề (chủ đề) giao cho người trung gian (tay em) để người này bán lại cho người mua thì việc định tội được xác định như sau:

Đối với chủ đề: Nếu trong cùng một lô đề mà số tiền tất cả các tay em bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) từ 20.000.000 đồng trở lên thì chủ đề phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc.

Nếu trong cùng một lô đề mà số tiền tất cả các tay em bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng tổng số người chơi mà các tay em bán từ 10 người trở lên thì chủ đề phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc.

Nếu trong cùng một ngày mà số tiền tất cả các tay em bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) từ 5.000.000 đồng trở lên nhưng dưới 20.000.000 đồng và số người chơi các tay em đã bán chưa đủ 10 người thì người chủ đề không phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc mà phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc.

Nếu chủ đề ngoài việc giao phơi đề cho các tay em bán lại, còn trực tiếp bán lô, đề ăn thua với người mua thì chủ đề phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc đối với phần giao cho các tay em bán lại (nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại điểm a, b trên đây) và Tội đánh bạc đối với phần trực tiếp ăn thua với người mua lô đề.

Cần lưu ý rằng, số tiền mà các tay em giao lại trong các trường hợp như trên là tổng số tiền mà chủ đề thực nhận cộng với số tiền các tay em được hưởng hoa hồng giữ lại.

– Đối với từng người trung gian (tay em) thì xác định như sau:

Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) từ 20.000.000 đồng trở lên thì người trung gian phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức cho chủ đề.

Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng bán cho từ 10 người chơi trở lên thì người trung giancũng đồng phạm Tội tổ chức đánh bạc với chủ đề.

Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng trên 5.000.000 đồng và bán cho 9 người trở xuống thì người trung gian không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc mà phạm tội đánh bạc.

Nếu số tiền bán đề trong cùng một chỉ giao một phần cho chủ đề, phần còn lại giữ lại để trực tiếp ăn thua với người mua đề thì phần giữ lại sẽ bị truy cứu thêm tội đánh bạc nếu số tiền giữ lại cộng với số tiền trúng giải của phần giữ lại (nếu có) trên 5.000.000 đồng.

Lưu ý, số tiền hoa hồng mà người trung gian được giữ lại phải xác định là số tiền thu lợi bất chính mà không được cộng tiếp vào số tiền bán đề và trúng giải để định lượng đối với họ.

– Đối với người trực tiếp mua số đề có số tiền mua đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) trong một lô đề từ 5.000.000 đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Ví dụ: Dương Hữu L đã lợi dụng kết quả xổ số kiến thiết của các tỉnh Miền Nam và Miền Bắc để tổ chức làm thầu bán và nhận phơi đề để ăn thua bằng tiền. Từ tháng 3/2016 đến 16/8/2016, bị cáo L đã tổ chức cho 05 tay em là bị cáo Đặng Bửu T, Trịnh Cẩm L1, Dương Thị Tường V, Nguyễn Thị Lệ Ch và một số người (không rõ tên và địa chỉ tham gia đánh bạc bằng hình thức giao phơi số đề với tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là 615.012.000 đồng (trong đó có 5 lô đề có định lượng trên 20.000.000 đồng và 9 lô đề có định lượng dưới 20.000.000 đồng). Bị cáo Đặng Bửu T giao cho bị cáo L là 04 lô số đề với tổng số tiền là 139.240.000 đồng (trong đó có 4 lô đề trên 20.000.000 đồng). Bị cáo Trịnh Cẩm L1 giao cho bị cáo L là 09 lô số đề với số tiền 38.300.000 đồng. Bị cáo Dương Thị Tường V giao cho L là 04 lô số đề với số tiền 13.2000.000 đồng.

Với hành vi phạm tội như trên lẽ ra nên xét xử các bị cáo Dương Hữu L phạm tội tổ chức đánh bạc với 05 lô đề có định lượng trên 20.000.000 đồng, bị cáo Đặng Bửu T phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho Dương Hữu L với 4 lô đề có định lượng trên 20.000.000 đồng. Các bị cáo còn lại do số tiền mỗi lô đề giao cho bị cáo Dương Hữu L dưới 20.000.000 đồng và không chứng minh được số người mua đề từ 10 người trở lên nên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc đối với các lô đề từ 5.000.000 đồng trở lên./.

(Trích bài viết: “Định tội danh đối với hành vi bán lô đề” của Ths. Hà Thái Thơ – Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang; đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 11/2018).

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.