Chất lượng thể chế quyết định năng lực cạnh tranh

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có những điểm nổi bật là xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
             Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục có những biến động trước những thách thức mới đòi hỏi phải có những đổi mới mang tính đột phá, căn bản. Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra những quan điểm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về thể chế, mở ra con đường phát huy các tiềm năng và thế mạnh của đất nước để không chỉ vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay mà còn tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế hội nhập toàn cầu.            Thủ tướng cho rằng, trong hội nhập quốc tế, chúng ta phải coi trọng hơn vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi vì so với các nước trên thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam đều ở trình độ thấp hơn. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải đổi mới thể chế, cạnh tranh bằng công nghệ, bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể thấy chất lượng của thể chế ảnh hưởng và có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh, không thể có năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ ba khâu đột phá  để đưa nước ta tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là: Tạo đột phá về thể chế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đột phá về cơ sở hạ tầng; đột phá về nguồn nhân lực. Trong đó, khâu đột phá về thể chế là khâu quan trọng nhất, cần tập trung làm nhất thì chúng ta vẫn chưa đạt yêu cầu. Đổi mới thế chế là một quá trình lâu dài và do đó cần phải có hiểu biết về quá trình thay đổi thể chế để có thể xác định được những vấn đề Việt Nam đang phải đương đầu trong thời gian tới. Thông điệp đầu năm mới của người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra điều đó và nhấn mạnh năm 2014 và năm 2015 là năm triển khai đột phá về thể chế.

Thể chế chính trị và thể chế kinh tế là 2 yếu tố bổ sung cho nhau

Vấn đề đổi mới thể chế mà Thủ tướng nói đến bao gồm cả đổi mới về thể chế kinh tế và cả thể chế chính trị. Đó là vấn đề mang tính quy luật được nêu trong thông điệp, đổi mới về thể chế kinh tế đến một mức độ nào đó, buộc phải đổi mới thể chế chính trị.

Thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở rộng hội nhập quốc tế đòi hỏi Nhà nước phải định hướng phát triển, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và điều tiết có hiệu quả nền kinh tế quốc dân. Để làm được điều đó, một mặt thể chế chính trị phải thay đổi cho phù hợp với cơ cấu kinh tế mới. Mặt khác, thể chế chính trị phải chủ động tác động vào nền kinh tế thị trường để phát huy những yếu tố tích cực, xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thể chế chính trị và thể chế kinh tế trở thành hai yếu tố bổ sung cho nhau.

Thông điệp của Thủ tướng chỉ ra quyền làm chủ của nhân dân và Nhà nước pháp quyền là nền tảng đổi mới thể chế chính trị. Đã có nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ rõ chất lượng thể chế ở Việt Nam chưa được cải thiện như: Tiếng nói của người dân chưa được quan tâm đúng mức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; chất lượng chính sách và năng lực điều hành của cơ quan nhà nước kém cải thiện; mức độ thực thi pháp luật, tuân thủ chế độ pháp quyền chưa cao thậm chí được đánh giá là thấp; tính công khai minh bạch của chính sách còn thấp…

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đã nhận diện rõ các yếu kém nêu trên và định hướng hoàn thiện phù hợp. Cần tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của người dân, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, đảm bảo chất lượng chính sách và hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chế độ pháp quyền và thực hiện chính quyền công khai minh bạch là định hướng cải cách thể chế chính trị xuyên suốt Thông điệp của Thủ tướng.

Nhìn vào Chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XIII, giai đoạn 2011-2015, với chủ trương sửa đổi và ban hành khoảng 85 đạo luật, trong đó sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, sửa đổi hàng loạt đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, VKSND, UBND và HĐND các cấp, sửa đổi Luật Giám sát Quốc hội, sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai năm 2003, ban hành Luật Thủ đô và xây dựng hàng chục đạo luật khác tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực hơn vào việc quản trị quốc gia có thể thấy thời cơ cho những cải cách thể chế chính trị đang xuất hiện.

Xóa bỏ bất bình đẳng trong kinh doanh

Đối với cải cách về thể chế kinh tế, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã bao hàm tất cả những vấn đề kinh tế xã hội cần giải quyết của nước ta hiện nay, thấy rõ cả về vấn đề thời cơ và thách thức phải đối mặt. Riêng lĩnh vực kinh tế, Thông điệp của Thủ tướng chỉ ra rằng muốn tạo được sức chuyển mạnh mẽ, thì vấn đề cốt lõi là đẩy mạnh, quyết liệt cải cách thể chế kinh tế mới tạo được sức cạnh tranh thực sự.

Trong Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc áp dụng giá thị trường được nhấn mạnh, bởi đã là kinh tế thị trường thì phải thực hiện nhất quán cơ chế giá cả, tôn trọng cung-cầu. Hiện nay giá cả một số mặt hàng cơ bản không tuân theo cơ chế giá thị trường nên làm cho hệ thống điều tiết bị méo mó như giá năng lượng, giá đất đai, xăng dầu… đã tác động tới sự vận hành của các loại giá cả khác, thậm chí nó kiềm chế sự phát triển của cả hệ thống.

Ngay phần đầu, Thông điệp của Thủ tướng có đoạn: “Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

Đây là một nhận định rất đúng và có tầm quy mô chiến lược với cả tầm vĩ mô và vi mô xã hội. Thực tế đã cho thấy, chỉ có sự thay đổi về thể chế thì môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mới có sự thay đổi, chúng ta đã nhận được rất nhiều thành tựu từ những sự thay đổi thể chế từ trước tới nay (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài…).

Về bình đẳng doanh nghiệp, Thông điệp của Thủ  tướng nêu rõ: “Mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế  thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền và  những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong việc tiếp cận các nguồn lực”.

Những vướng mắc trong nền kinh tế thời gian qua là các chính sách (thuế, đất đai…) còn bất cập và quan trọng nhất là các chính sách phát triển chưa chú trọng đến ngành sản xuất (hàng hóa Việt Nam sản xuất ra luôn kém chất lượng và giá thành cao hơn hàng hóa cùng loại tại các nước trong khu vực); chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng (hàng giả, hàng nhái còn nhiều mà khó loại trừ).

Thủ tướng đã nhìn nhận thấu đáo và đặt được ra những yêu cầu cụ thể cho tiến trình triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt chiến lược cải cách chính sách “thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”. Giải pháp đề cao nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, xóa bỏ tình trạng độc quyền sẽ khơi nguồn và tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển.

Tái cơ cấu: Cần nhanh và quyết liệt

Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, trong Thông điệp có đoạn viết “Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp được nêu trong Thông điệp là vấn đề cần làm nhanh và quyết liệt vì đây là nút thắt, là rào cản cho khu vực doanh nghiệp tư nhân khó phát triển, khó tiếp cận với các nguồn lực. Để tổ chức tái cơ cấu có hiệu quả thì việc lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, then chốt của doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt đối với các hành vi cản trở việc tái cơ cấu: “Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt”.

Đây chính là một minh chứng cho việc cụ thể hóa định hướng thể chế kinh tế, tạo môi trường để phát triển kinh tế thị trường, có nghĩa là tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo công cụ để điều tiết và chính sách phân phối để đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội nhằm hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng .

Không dừng lại ở đó, Thủ tướng còn yêu cầu “đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới” và coi đây là nội dung quan trọng phải triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Do đó, Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là lời cam kết, định hướng của Chính phủ đối với đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế mà còn là sự khích lệ cho tinh thần thúc đẩy nền kinh tế xã hội, xóa bỏ độc quyền nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đổi mới thể chế kinh tế nhằm định hướng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này sẽ lấy lại được niềm tin cho người dân và có định hướng cho sự quản trị của các doanh nghiệp chủ động thay đổi theo thể chế mới, cùng lấy đà để cả nhà nước và doanh nghiệp cùng đạt được đúng mục tiêu mà Thủ tướng đã đề ra trong năm 2014. Bài toán còn lại là thiết kế Chương trình hành động cho từng nội dung trong Thông điệp và bắt tay vào thực hiện nó. Với một hướng đi đúng đắn và quyết tâm của Chính phủ như hiện nay, tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có một bước ngoặt, nâng cao năng lực cạnh tranh và thoát khỏi tình trạng khó khăn của những năm qua.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.