Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật dân sự năm 2015

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể mà không phụ thuộc vào hợp đồng. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) được Quốc hội thông qua với rất nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng đề cao các giá trị phổ biến về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 trên cơ sở đó chế định BTTH ngoài hợp đồng cũng có những điểm mới đáng chú ý, cụ thể như sau:

 

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng

Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm BTTH. Về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, BLDS 2015 đã được sửa đổi và có sự tiến bộ so với BLDS 2005. Cụ thể, khoản 1 Điều 584 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, trong BLDS 2015, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”Theo quy định trước đây tại Điều 604 BLDS 2005, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có “lỗi cố ý hoặc vô ý”. Với quy định như vậy, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại cần phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi. BLDS 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm BTTH phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra, Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

BLDS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Nếu như BLDS 2005 quy định đối với cá nhân có phạm vi áp dụng trách nhiệm rất rộng còn đối với pháp nhân, BLDS 2005 chỉ liệt kê ba đối tượng bị xâm phạm là “danh dự, uy tín, tài sản (khoản 1 Điều 604) thì lần này tại Điều 584 BLDS 2015 quy định đối tượng bị xâm phạm làm phát sinh trách nhiệm BTTH của cá nhân và pháp nhân bao gồm “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác”.

Ngoài ra, BLDS 2015 đã quy định phạm vi điều chỉnh trong trường hợp đối tượng tài sản gây ra thiệt hại. Các quy định của BLDS 2015 đã khái quát các trường hợp khi đối tượng gây ra thiệt hại là tài sản. Các trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được điều chỉnh đó là súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng và nguồn nguy hiểm cao độ.

Nếu gây ra thiệt hại thì trách nhiệm BTTH sẽ được áp dụng dựa trên căn cứ là tài sản gây thiệt hại chứ không phải là hành vi trái pháp luật.

 

2. Nguyên tắc BTTH ngoài hợp đồng

Nếu như BLDS năm 2005 nêu ra 3 nguyên tắc cơ bản về BTTH ngoài hợp đồng, được quy định tại Điều 605 thì BLDS năm 2015 chỉ ra 5 nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ngoài 3 nguyên tắc bồi thường như Điều 605 BLDS năm 2005 thì BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc:
+ Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
+ Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Cụ thể, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 BLDS năm 2015, quy định:

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, Điều 586 BLDS 2015 quy định:

 

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự 2015.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

 

Như vậy, so với BLDS 2005, BLDS 2015 quy định độ tuổi để cá nhân phải tự bồi thường vẫn là từ đủ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra được thay đổi về chủ thể chịu trách nhiệm khi BLDS 2005 quy định ngoài trường học, bệnh viện thì có các tổ chức khác; còn ở BLDS 2015 có trường học, bệnh viện và tổ chức khác thì được thay thế bằng pháp nhân khác. BLDS 2015 đã quy định phạm vi của chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp này hẹp hơn, pháp nhân là một chủ thể cụ thể, được thành lập hợp pháp và có đủ điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật này. Trong khi đó, tổ chức khác có thể là bất cứ một tổ chức đông người, có cùng mục đích, hoạt động cùng nhau và có thể không có sự ràng buộc giữa cá nhân với tổ chức. Quy định này có thể được coi là một thay đổi tích cực vì với những tổ chức không có quy mô, cơ cấu rõ ràng thì tài sản của tổ chức có thể không cố định, không đảm bảo được việc chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, gây có khó khăn khi phải chịu trách nhiệm và có thể thiệt thòi cho những người bị thiệt hại.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 586 BLDS 2015 quy định thêm đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Đây cũng được coi là sự thay đổi tích cực khi quy định thêm đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mặc dù là một trong những chủ thể bị hạn chế thực hiện các giao dịch dân sự nhưng cũng không thể loại bỏ trách nhiệm khi người này gây ra thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

 

4. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người gây ra quy định tại Điều 587 BLDS 2015 không có gì khác so với quy định tại Điều 616 BLDS 2005 trước đây, theo đó trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

 

5. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Điều 588 BLDS 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. (Điều 607, BLDS năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm).

 

6. Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại
BLDS 2015 đã bổ sung nhiều điểm mới. Đặc biệt đáng chú ý là việc tăng mức trần bồi thường tổn thất về tinh thần. BLDS 2015 dùng cụm từ “mức lương cơ sở” thay cho “tháng lương tối thiểu” để tính mức bù đắp tổn thất về tinh thần.

Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được sẽ theo quy định của pháp luật. BLDS 2015 quy định nếu không thỏa thuận thì mức tối đa bù đắp tồn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại là không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 590 BLDS 2015). BLDS 2015 quy định mức bù đắp về tinh thần trong trường hợp này là 30 tháng lương tối thiểu.

Mức tối đa bù đắp tổn thất về tinh thần cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015); mức cũ tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đối với việc bù đắp về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm Điều 592 BLDS 2015 quy định: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền.

 

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.