Bảo quản vật chứng theo quy định của BLTTHS 2015 và một số sai sót thường gặp

Vật chứng

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng.

Điểm mới về bảo quản vật chứng theo BLTTHS năm 2015.

Việc bảo quản vật chứng theo quy định tại Điều 90 BLTTHS năm 2015 có những điểm mới cần lưu ý so với quy định tại khoản 2 Điều 75 BLTTHS năm 2003. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định rõ ràng hơn về việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng 

Theo Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng (Nghị định số 127/2017) thì:

– Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách:

+ Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên nhũng phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;

+ Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng;

+ Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó dán giấy niêm phong.

– Mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được.

– Việc niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định từ Điều 8 đến Điều 10 của Nghị định số 127/2017. Việc mở niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định từ Điều 11 đến Điều 13 của Nghị định số 127/2017.

Thứ hai, bổ sung quy định vật chứng là vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại cơ quan chuyên trách.

Trước đây, BLTTHS năm 2003 không có quy định vật chứng là vũ khí quân dụng thì phải được giám định ngay sau khi thu thập , cũng như không có quy định về bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng.

Thứ ba, thay đổi cơ quan bảo quản vật chứng là Kho bạc nhà nước thay vì ngân hàng như trước đây.

Theo BLTTHS năm 2003 thì vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác thì nay BLTTHS năm 2015 quy định vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác.

Thứ tư, bổ sung quy định vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong.

Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì không có sự phân biệt giữa vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ có lưu hay không có lưu dấu vết của tội phạm. Nay BLTTHS năm 2015 quy định nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì phải được niêm phong. Việc niêm phong vật chứng phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thứ nămbổ sung quy định  vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật.

BLTTHS năm 2003 không quy định trực tiếp vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người, cũng như không có quy định cách thức bảo quản các loại vật chứng này.

Những sai sót về bảo quản vật chứng là tiền trong thực tiễn

Vật chứng là tiền có thể được thu thập trong một số vụ án như: trộm cắp tài sản, nhận hối lộ, đánh bạc … Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay vẫn còn cơ quan tiến hành tố tụng mắc sai sót về bảo quản vật chứng là tiền.

Không tiến hành giám định tiền ngay sau khi thu thập.

Mặc dù BLTTHS năm 2003 tại điểm b khoản 2 Điều 75 và BLTTHs năm 2015 tại điểm b khoản 1 Điều 90 có quy định rất rõ là vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu thập. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn vụ án như: nhận hối lộ, đánh bạc … cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định tiền để xác định tiền là thật hay giả mà chỉ lập biên thu giữ tang vật trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu. Sai sót này dẫn đến việc bị canbị cáo hoặc đương sự trong vụ án khiếu nại với lý do số tiền là vật chứng trong vụ án không phải là tiền của họ hoặc có sự đánh tráo tiền thật thành tiền giả…

Bảo quản vật chứng tại cơ quan không có quyền bảo quản

Trước đây, vật chứng là tiền sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản tại ngân hàng. Từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì vật chứng là tiền phải được bảo quản tại Kho bạc nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn vụ án bảo quản vật chứng là tiền tại ngân hàng.

Gửi tiền là vật chứng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng tại ngân hàng là không đúng quy định.

Trước đây Thông tư liên tịch số 03-TT-LB ngày 23 tháng 4 năm 1984 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính quy định chế độ thu giữ, bảo quản, xử lý lật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự thì có quy định vật chứng là tiền mặt (kể cả ngoại tệ) phải giao ngay cho ngân hàng. Việc gửi tiền vào Ngân hàng và giao vật chứng cho các cơ quan nói trên, cơ quan điều tra thông báo cho Viện kiểm sát nhân dan và cơ quan tài chính biết. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 chỉ quy định vật chứng là tiền phải được bảo quản tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước. Việc cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền là vật chứng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước là không đúng quy định vì không đảm bảo được tính nguyên vẹn, lẫn lộn của vật chứng. Thậm chí còn gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố xét xử nhất là đối với vật chứng là tiền lưu dấu vết của tội phạm.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.