Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý

(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 và nhiều bộ luật, luật tố tụng quan trọng, trong đó có rất nhiều điểm mới thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và những người yếu thế…

Nguồn lực thực hiện

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 thay thế cho Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 với nhiều nội dung mới nổi bật. Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL. Luật đã một lần nữa khẳng định “Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước”. Do đó, với tư cách là một trong những phương thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi Nhà nước có các chính sách để bảo đảm quyền được TGPL, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật ngày càng cao của người dân. Ngoài lực lượng của trung tâm TGPL nhà nước, Nhà nước còn thu hút các nguồn lực là các nhân, tổ chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia TGPL thông qua ký hợp đồng hoặc đăng ký tham gia TGPL. Với các quy định cụ thể của Luật, Nhà nước còn hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho công tác TGPL để khích lệ sự tham gia nhiều hơn nữa của các lực lượng xã hội đối với hoạt động TGPL.

So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã bổ sung 1 điều (Điều 5) quy định về nguồn tài chính cho công tác TGPL, bao gồm ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL. Đồng thời, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Luật ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hàng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình. Đây là điểm mới quan trọng so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cho người thuộc diện TGPL được giúp đỡ pháp lý khi có các vụ việc TGPL cụ thể, đồng thời nhằm khắc phục việc bỏ sót nhu cầu TGPL của người được TGPL, qua đó thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền được TGPL thực thi trên thực tế.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, đối với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động TGPL  khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, hội viên… làm cộng tác viên TGPL. Thì nay, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã không còn quy định này mà thay bằng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được TGPL thì phải giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL, nhằm bảo đảm quyền được TGPL của người được TGPL.

Trong hoạt động tố tụng 

Trước đây, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 không quy định cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động TGPL có trách nhiệm, mà chỉ phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện TGPL để TGPL . Thì nay, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định thành trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CQTHTT phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Các bộ luật, luật về tố tụng được Quốc hội ban hành năm 2015 đã ghi nhận, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đây là điểm hoàn toàn mới, khác biệt so với các bộ luật, luật về tố tụng trước đây. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Khoản 3, Điều 19, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) quy định: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm TGPL cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tòa án. Thẩm phán khi được chánh án phân công giải quyết vụ việc phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL (Khoản 6, Điều 38, Luật TTHC; Khoản 6, Điều 48, BLTTDS) và không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS cũng như trong TTHC.

Đặc biệt, trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018) thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động TGPL thông qua quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì thông báo cho trung tâm TGPL nhà nước; chỉ định trung tâm TGPL nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý/luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo nếu họ thuộc diện được TGPL. Ngoài ra, Bộ luật còn quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng… thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Như vậy, đi đôi với quyền được TGPL của người được TGPL là nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền này được thực thi trên thực tế.

Bùi Đức Độ

Nguồn: nguoibaovequyenloi.com

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.