Bàn về thời hiệu thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

(Ảnh minh họa - Nguồn: Hocluat.vn)

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác. Việc chuyển dịch tài sản này có thể được thực hiện bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật dân sự quy định. Trong đó thời hiệu là một vấn đề khá phức tạp hiện nay.

Thừa kế là một quan hệ pháp luật dân sự nên các chủ thể tham gia quan hệ này có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong mối quan hệ này, người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác trước khi họ chết. Các tài sản mà họ để lại được gọi là di sản thừa kế. Trong trường hợp người để lại di sản không định đoạt tài sản của mình bằng di chúc thì di sản được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, pháp luật của các quốc gia đều ghi nhận điều này. Bản chất sâu xa của thừa kế là bảo vệ quyền tài sản của công dân.

Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định:

2. Quyển sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Người có quyền sở hữu tư nhân về tài sản mới có quyền định đoạt tài sản của mình. Pháp luật tôn trọng và bảo hộ quyền định đoạt của họ.

Tuy nhiên, quyền thừa kế không phải là vô thời hạn mà phải có thời hạn nhất định do pháp luật quy định, đó là thời hiệu. “Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sịnh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do Luật quy định”.

Để khắc phục những bất cập của quy định về thời hiệu thừa kế của BLDS năm 2005 và nhằm bảo đảm quyền thừa kế, quyền tài sản, quyền của người thừa kế, của người khác liên quan đến di sản thừa kế, phù hợp với đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, BLDS năm 2015 đã sửa quy định về thời hiệu thừa kế. Điều 623 BLDS quy định :

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với  động sản, kể thừ thời hiệu mở thừa kế. hết thời hạn này thì di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này. 

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3.Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 về việc thi hành BLTTDS. Theo đó, từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng các quy định của BLDS để giải quyết các vụ việc dân sự.

Khoản 4, Điều 4, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phánTANDTC hướng dẫn:

4. Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và các Luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.

Thực tiễn công tác xét xử cũng có một số vướng mắc về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế. Tòa án nhân dân tối cao có hai công văn giải đáp về vấn đề này:

-Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC về một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự.

Mục III. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLDS.

1.Khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chi tài sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 hay không?

Điểm d, khoản 1, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thì: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2, Điều 688 BLDS năm 2015 “không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩmtái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Giải đáp này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký.

– Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018:

Mục I. Về dân sự:

Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định thế nào?

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4, Điều 4, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cáo hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính thì từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “trang chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia tài sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.

(Giải đáp này do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký thay Chánh án).

Tinh thần chung của hai giải đáp này về thời hiệu thừa kế đều khẳng định kể từ ngày 01/01/2017, Tòa án phải căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự để xác định thời hiệu thừa kế, đối với cả hai trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017. Có nghĩa là nếu còn thời hiệu 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản thì vẫn có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế.

Giải đáp số 01 ngày 05/01/2018 hướng dẫn mở rộng thêm đối với các trường hợp theo quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990. Theo đó, sẽ không tính thời hiệu trong các khoảng thời gian và xác định thời hiệu thừa kế cụ thể của một số trường hợp.

Chúng tôi thấy hướng dẫn này có gì đó không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 và ngay cả Nghị quyết số 02/2004 ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì phần hướng dẫn về thừa kế (tiểu mục 2.1, phần I) cũng không còn phù hợp với quy định về thừa kế của BLDS năm 2015.

Theo chúng tôi, vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là một vấn đề quan trọng để có thụ lý, giải quyết vụ án hay phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vì thời hiệu khởi kiện hoặc giải quyết vụ án có phần di sản còn thời hiệu và phần di sản đã hết thời hiệu…

Giải đáp của TANDTC không phải là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhưng cũng là một văn bản quan trọng để các Tòa án nói riêng và người tham gia tố tụng khác căn cứ vào đó để có hướng giải quyết vụ án. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các giải đáp nghiệp vụ cũng có ý nghĩa, vai trò rất cao và nó cần phải bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật. Nếu được nâng lên thành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì có giá trị pháp lý hơn.

– Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 623 BLDS năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm và thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Nếu hướng dẫn, giải đáp như giải đáp số 01/GĐ ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì các thời hiệu này có được trừ (kéo dài) không?

Vấn đề này cũng cần bàn kỹ. Theo chúng tôi, thời hạn mà Điều 623 quy định là đối với cả các trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày BLDS có hiệu lực (ngày 01/01/2017), vì vậy không có quy định trừ hay kéo dài thời hiệu. Nếu trừ hoặc kéo dài thì thời hiệu có thể không phù hợp và thực tế từ năm 1990 hay đến ngày 01/9/2006 thì cũng không còn thời hiệu này nữa.

– Theo quy định tại khoản 2, Điều 688 BLDS năm 2015 thì không áp dụng BLDS 2015 để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Tuy nhiên, việc giải quyết của Tòa án có những trường hợp chỉ giải quyết về hình thức mà chưa giải quyết về nội dung tranh chấp. Ví dụ như Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vì hết thời hiệu theo quy định của BLDS năm 2005, các di sản thừa kế được giải quyết theo hướng chia tài sản chung. Giả sử việc chia tài sản chung này cũng chưa được giải quyết (khởi kiện Tòa án chưa giải quyết hoặc chưa khởi kiện) nhưng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vấn còn trong 30 năm hoặc trong 10 năm thì người thừa kế có quyền khởi kiện lại không. Chúng tôi cho rằng đây không phải là trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm nên họ có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định tại Điều 623 BLDS. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 192 BLTTDS lại không có quy định về trường hợp này.

– Trường hợp thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với bất động sản vẫn còn (30 năm), nhưng thời hiệu khởi kiện đối với động sản (10 năm) đã hết thì giải quyết di sản là động sản như thế nào? Nếu di sản là bất động sản còn trong thời hiệu khởi kiện thì Tòa án giải quyết theo quy định chung về thừa kế. Di sản là động sản đã hết thời hiệu khởi kiện thì thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đố hoặc thuộc người chiếm hữu, hoặc thuộc Nhà nước. Nói cách khác là Tòa án không phân chia di sản là động sản đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 623 BLDS năm 2015.

NGUYỄN QUANG LỘC ( Nguyên Thẩm phán TANDTC)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.